1. Phân biệt tính chất, đặc điểm của mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ thường có dạng miếng mỏng không đồng đều, khô quắt, bề mặt trơn phẳng, có màu nâu đen hoặc nâu tím, mặt dưới màu đậm hơn, chất giòn, gập vào dễ gẫy, ngâm nước thì nở to ra, màu nhạt, chuyển sang nâu gụ, mềm láng và hơi trong, bề mặt có chất dính trơn bóng, mùi hơi thơm.
Loại nào khô giòn, cùi dầy, đoá to, không có tạp chất như vỏ cây, bùn đất là loại tốt.
2. Công dụng của mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ tính bình, vị ngọt, lợi về kinh tỳ vị, đại tràng, có công hiệu tư bổ ích khí, khoẻ dạ dày nhuận táo, dưỡng huyết, cầm máu thanh phế, ích trí; thích hợp với người khí huyết lưỡng khuy, thiếu máu, hành kinh quá nhiều, trĩ ngoại ra máu, đại tiện ra máu, ứ huyết sau khi sinh, phế hư sinh ho, táo bón.
Theo các nghiên cứu hiện đại, mộc nhĩ đen hàm chứa các chất đường, chất albumin, chất xơ, chất keo, hồng diệp tố, các nguyên tố sắt, calci, phospho, vitamin B1, B2, C, acid amin... có thể giảm bớt hiện tượng máu vón cục, phòng ngừa xơ cứng động mạch, ức chế mụn nhọt…Bảo quản nơi mát mẻ khô ráo, đựng trong túi ni lon kín bảo quản, đề phòng biến thành độc.
Mộc nhĩ đen bổ huyết, trị thiếu máu
3. Các bài thuốc từ mộc nhĩ đen
3.1. Hắc mộc nhĩ đại táo chúc (cháo mộc nhĩ, táo tầu)
Thành phần: Táo tầu 5 quả, mộc nhĩ 30g, gạo lức 10g. Đường phèn vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước nóng độ 1 giờ, gạo lức vo sạch nấu cháo với táo tầu, mộc nhĩ, đường phèn. Chia ăn trong ngày.
Công dụng: Dùng cho người kinh nguyệt quá nhiều, lòi dom xuất huyết, mất máu nhiều dẫn tới bệnh thiếu máu chủ yếu là thiếu sắt.
3.2. Hắc mộc nhĩ đậu nha (mộc nhĩ trộn giá đỗ)
Thành phần: Mộc nhĩ 50g, giá đỗ tương 500g. Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch thái sợi; giá đỗ rửa sạch cho vào nước sôi luộc chín vớt ra. Giá đỗ trộn mộc nhĩ sợi, thêm dầu ăn, gia vị trộn đều, làm thức ăn, ăn cơm.
Công dụng: Dùng cho người nổi bướu bình thường và bệnh lang ben.
3.3. Hắc mộc nhĩ bao hồng táo (mộc nhĩ ninh táo tàu)
Thành phần: Mộc nhĩ 30g, táo tầu 30 quả. Mộc nhĩ ngâm nước nóng cho nở, rửa sạch; táo tầu rửa sạch, bửa ra, cho nước vào cùng ninh cho tới khi táo nhừ. Ăn cái, uống nước thuốc. Sắc uống ngày 1 thang.
Công dụng: Dùng cho người thiếu máu, đại tiện ra máu, trĩ xuất huyết...
3.4. Hắc mộc nhĩ thị bính (mộc nhĩ, mứt hồng)
Thành phần: Mộc nhĩ 5g, mứt hồng 30g (mứt làm bằng quả hồng). Rửa sạch, nấu nhừ chia ăn, ngày 1 - 2 lần.
Công dụng: Dùng cho người trĩ xuất huyết.
3.5. Hắc mộc nhĩ đại táo thang (thang mộc nhĩ táo tầu)
Thành phần: Mộc nhĩ 30g, táo tầu 20 quả. Mộc nhĩ rửa sạch, táo tầu bỏ hạt, cho nước vừa đủ nấu trong 1 giờ, thêm mật ong cho thơm. Chia uống trong ngày.
Công dụng: Dùng cho người bị bệnh có nốt đốm đen trên mặt, cũng có thể dùng cho người bị thiếu máu do bệnh trĩ xuất huyết hoặc hành kinh quá nhiều.
3.6. Hắc mộc nhĩ canh (mộc nhĩ ninh)
Thành phần: Mộc nhĩ 6g, đường trắng vừa phải. Mộc nhĩ ngâm nở rửa sạch, đun sôi, sau đó ninh nhỏ lửa cho nhừ, cho đường vào đánh lên ăn.
Công dụng: Dùng cho người bị tắc mạch máu, đau tức ngực, lưỡi ngả sang màu tím, hoặc có điểm tụ máu, phụ nữ tụ huyết, đau bụng, kinh nguyệt không đều.
3.7. Song nhĩ thang (thang 2 loại mộc nhĩ)
Thành phần: Mộc nhĩ 10g, mộc nhĩ trắng 10g. Ngâm nước nóng cho nở, rửa sạch, bỏ vào bát, cho đường phèn và nước vừa phải, hấp trong 60 phút. Ăn mộc nhĩ, uống nước, dùng thường xuyên.
Công dụng: Dùng cho người xơ cứng các mạch máu, cao huyết áp và xuất huyết đáy mắt.
3.8. Hắc mộc nhĩ sao hoàng hoa (mộc nhĩ rang hoàng hoa)
Thành phần: Hoàng hoa 80g, mộc nhĩ 20g. Sắc nước uống.
Công dụng: Dùng cho người đái ra máu và lòi dom ra máu. Dùng cả cho người bị bệnh về cơ tim, cao huyết áp.
3.9. Hắc mộc nhĩ thiên đậu phụ (mộc nhĩ nấu đậu phụ)
Thành phần: Mộc nhĩ 30g, đậu phụ 250g. Nấu chung với nhau mà ăn, ngày 1 - 2 lần.
Công dụng: Dùng cho người bị các bệnh về tim mạch như xơ cứng động mạch...
3.10. Hắc mộc nhĩ đồn trư (mộc nhĩ hầm dạ dày)
Thành phần: Dạ dày lợn 1 cái, mộc nhĩ 30g. Hầm chín, chia ăn trong ngày.
Công dụng: Dùng cho người bị bệnh tiểu tiện quá nhiều.
3.11. Hắc mộc nhĩ sao lạp xường (mộc nhĩ xào lạp xường)
Thành phần: Mộc nhĩ 25g, lạp xường thái miếng 100g, dầu thực vật 50g, gừng giã nhỏ 5g, gia vị, hành hoa 5g. Xào chín lên ăn.
Công dụng: Dùng cho người mắc bệnh khô da, ho khan ít đờm...
3.12. Mộc nhĩ thang (thang mộc nhĩ)
Thành phần: Mộc nhĩ 30g. Sắc nước, uống thường xuyên, ngày 1 thang.
Có thể dùng cho người bị ung thư cổ tử cung và ung thư âm đạo. Đối với bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch, xuất huyết đáy mắt cũng có tác dụng phòng chống khá hiệu nghiệm.
3.13. Mộc nhĩ mật cao
Thành phần: Mộc nhĩ 15g, đường đỏ 15g, mật ong 30ml. Nấu chín, chia uống trong ngày.
Công dụng: Dùng cho người thể chất hư nhược sau khi sinh, bị co gân, tê bại.