Thông thường chúng ta vẫn cho rằng đường nào cũng là đường nhưng thực ra tác dụng của mỗi loại đường không giống nhau, chúng có vai trò riêng của mình.
Nếu như dùng sai, chẳng những không có hiệu quả mà có khi còn phản tác dụng. Để không nhầm lẫn trong sử dụng chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1. Đường đỏ
Loại đường có màu nâu vàng được chế biến đơn giản từ nước mía tươi không qua tinh luyện, có tác dụng bổ máu, lưu thông khí huyết.
Đường đỏ tính ôn, giàu dưỡng chất, hàm lượng đường lại thấp (thấp nhất trong 3 loại đường chúng ta thường dùng). Khi điều trị cảm lạnh hay những người tỳ vị yếu dùng đường đỏ rất có hiệu quả.
Đặc biệt, phụ nữ sau sinh uống nước đường đỏ không chỉ bổ khí huyết mà còn nhanh chóng làm sạch sản dịch. Phụ nữ muốn bồi bổ máu thường xuyên ăn chút đường đỏ sẽ rất tốt. Đường đỏ vừa bổ máu vừa hoạt huyết, khiến cho khí sắc luôn hồng hào.
Nói như thế không có nghĩa đường đỏ chỉ chuyên dùng cho phụ nữ, mà người thể chất kém, người già dùng đường đỏ đều có tác dụng tốt.
Vì thế khi chế biến thức ăn, các bà nội trợ nên cố gắng dùng đường đỏ. Như thế có thể mang đến cho mọi thành viên trong gia đình cơ hội dùng đường đỏ, vừa kiểm soát được lượng đường hấp thụ vào cơ thể vừa tận dụng được dưỡng chất từ nó.
Có điều chúng ta cần lưu ý rằng, đường đỏ giàu chất khoáng, dễ sinh ra phản ứng hóa học. Nếu sử dụng đường đỏ trong nấu ăn, không nên đun trong nhiệt độ quá lâu. Nhất là dùng trong nồi kim loại càng dễ phát sinh phản ứng. Cho nên tốt nhất khi làm món ăn có cho đường đỏ nên cho vào khi đã bắc nồi ra khỏi bếp.
Do tính chất của đường đỏ nên nó khá thích hợp cho các món ăn nguội, các món trộn, sa lát cho một chút đường đỏ sẽ càng ngon hơn và bớt lạnh bụng. Đường đỏ không dễ hòa tan như đường trắng nên khi trộn sa lát không nên trộn trực tiếp mà nên hòa tan trước cùng các gia vị khác rồi mới trộn vào.
Chú ý: Đường đỏ tính ôn. Những người nóng trong nên thận trọng khi dùng, dùng nhiều quá dễ sinh ẩm nóng. Trẻ em cũng không nên dùng nhiều. Bốn mùa trong năm thì mùa xuân nên dùng ít hơn.
2. Đường phèn
Đường phèn có tác dụng nhuận phổi, thanh nhiệt. Ngược lại với đường đỏ, đường phèn tính nhiệt. Nếu như cảm lạnh dùng đường đỏ thì cảm sốt phải dùng đường phèn.
Đường đỏ thích hợp dùng vào mùa hè và mùa đông, nhưng đường phèn lại dùng vào mùa xuân và mùa thu là thích hợp nhất. Mùa xuân, lúc thời tiết bắt đầu ấm lên là lúc mà mọi người dễ bị ho, bốc hỏa, ho khan.
Nếu là ho khan không có đờm thì có thể dùng đường phèn. Đôi khi trong chế độ ăn uống chăm sóc sức khỏe, chúng ta hay dùng đến đường trắng. Nhưng thực ra hiệu quả thanh nhiệt nhuận phổi của đường phèn tốt hơn nhiều. Người ta thường sử dụng đường phèn trong điều chế thuốc đông y.
3. Đường trắng
Đây là một loại gia vị được sử dụng nhiều nhất, nhưng vì đường trắng là đường tinh luyện lại qua quá trình tẩy màu nên dinh dưỡng của nó còn rất ít, nó chủ yếu chỉ có tác dụng làm gia vị. Đường trắng chứa hàm lượng đường khá lớn nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Đường trắng có thể dùng điều trị bệnh cấp tính. Một số người đột nhiên đau bụng, khó chịu, uống ngay nước đường trắng khi nóng sẽ có tác dụng giảm đau. Một số người nếu chậm ăn cơm sẽ cảm thấy chóng mặt, đó là phản ứng của hạ đường huyết, hãy uống ngay một cốc nước đường trắng là có thể giải quyết được vấn đề.
Chúng ta có thói quen khi nấu ăn dùng đường trắng làm gia vị vì đường trắng dễ hòa tan. Nhưng đường trắng là một loại thực phẩm có tính a xít, sau khi ăn xong sẽ làm máu dư nồng độ a xít. Mà cơ thể chúng ta khi tính kiềm yếu thì mới duy trì được trạng thái khỏe mạnh.
Nếu như trong máu nồng độ a xít tồn tại lâu dài, thì các độc tố trong cơ thể sẽ tích tụ lại. Cho nên khi dùng đường trắng, hãy cố gắng kiểm soát lượng dùng, như vậy sẽ an toàn và hiệu quả hơn.
*Theo Health.huanqiu