Theo thông tin từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), IRGC đã sử dụng 2 loại tên lửa để tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, đó là tên lửa Fateh-313 và tên lửa Qiam-1. Trong đó, tên lửa Fateh-313 do Iran tự nghiên cứu chế tạo dựa trên phiên bản tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn Fateh-110, chính xác thì Fateh-313 là bản nâng cấp của Fateh-110.
Căn cứ Mỹ ở Iraq vừa bị 2 loại tên lửa "sát thủ" của Iran tấn công sáng 8/1. Nguồn: Sina.
Sau khi Chính quyền Khomeini của Iran được thành lập năm 1979, do các lệnh trừng phạt của phương Tây, nên Iran đã tìm kiếm các kênh để cải tiến các tên lửa đất đối đất Sam-2 được sử dụng trong chiến tranh Iran - Iraq.
Nhu cầu của Iran là động lực của Trung Quốc để tiến hành cải tiến tên lửa phòng không HQ-2 thành tên lửa đất đối đất 8610 hay còn gọi là tên lửa B610, phiên bản xuất khẩu mang ký hiệu M-7.
Tờ Sina của Trung Quốc cho rằng, trên thực tế, tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn của Iran đa số đều mang "huyết thống" Trung Quốc.
Tuy nhiên, Fateh-110 không phải là tên lửa được chế tạo dựa trên DF-11 của Trung Quốc như một số hãng truyền thông đưa tin vừa qua, tên lửa này thực chất được phát triển trên nền tảng tên lửa đạn đạo B610 - phiên bản cải tiến của tên lửa phòng không HQ-2 (Hồng Kỳ-2).
Tên lửa B610 của Trung Quốc (trên) và tên lửa Fateh-313 của Iran (dưới). Nguồn: Sina.
Năm 1991 Trung Quốc xuất khẩu sang Iran 90 tên lửa loại này, từ đó Iran tiến hành phỏng chế tên lửa theo M-7, sản phẩm phỏng chế là tên lửa Tondar-69. Trọng lượng đầu đạn là 190 kg, tên lửa nặng 2,65 tấn, đường kính 60 cm, tầm phóng 150 km. Từ năm 1999-2003, Trung Quốc tiếp tục nâng cấp B610 thành B611 và xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên cơ sở Tondar-69, Iran tiếp tục nghiên cứu phát triển loại tên lửa mới, có thời gian phóng ngắn hơn, độ chính xác cao hơn.
Năm 1997, tên lửa Fateh-110 ra đời, năm 2002 Iran tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với loại tên lửa này. Đầu đạn tên lửa nặng 650 kg, tầm phóng 200 km.
Năm 2004 tiếp tục "trình làng" thế hệ 2 của loại tên lửa này, với đầu đạn nặng 450 kg, tầm phóng 250 km và đến năm 2010 đưa vào bố trí tên lửa Fateh-110 thế hệ 3, đầu đạn nặng 650 kg, tầm phóng 300 km. Có thể nói, tên lửa M-7 của Trung Quốc chính là "cha đẻ" của tên lửa Fateh-110 hiện nay của Iran.
Tên lửa Fateh-110 của Iran được nhiều lực lượng vũ trang thân Iran sử dụng rộng rãi ở Trung Đông. Nguồn: Sina.
Fateh-110 sử dụng một tầng nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa lên cao với khả năng mang đầu đạn chứa thuốc nổ mạnh hay bom chùm. Phía trước của tên lửa có ba cánh hình tam giác và phía sau có bốn cánh để giữ ổn định. Tên lửa có thể gắn trên ba loại hệ thống phóng di động.
Thứ nhất là hệ thống giống S-75 Dvina, thứ hai là bệ dùng chung với các tên lửa Zelzal và cuối cùng là hệ thống mới có tên Zolfaghar có thể chở được hai lửa. Fateh-110 từng được Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Amir Hatami mô tả là "tên lửa tàng hình chiến thuật, dẫn đường độ chính xác cao, được chế tạo nội địa 100%".
Fateh-313 sử dụng trong cuộc tấn công căn cứ Mỹ ở Iran vừa qua về cơ bản tính năng không có gì khác so với Fateh-110. Điểm khác biệt duy nhất đó là tầm phóng của Fateh-313 đã được nâng lên 500 km, đây đã là cự ly tối đa của dòng tên lửa Fateh.
tên lửa Qiam-1 được phát triển trên nền tảng tên lửa Shahab-2 của Iran với phiên bản gốc là tên lửa Scud-C thời Liên Xô. Nguồn: Sina.
Còn đối với tên lửa Qiam-1, đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Iran sản xuất, có tầm bắn 500-600 km, mang theo đầu đạn nặng 340kg.
Qiam-1 được phát triển trên nền tảng tên lửa Shahab-2 của Iran, vốn là một bản sao được cấp phép của Hwasong-6 do Triều Tiên sản xuất. Tất cả đều từ phiên bản gốc là tên lửa Scud-C thời Liên Xô.
Iran tuyên bố tên lửa Qiam được phát triển để nhắm mục tiêu căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông. Tên lửa được lắp trên xe phóng cơ động cho phép tấn công từ bất kỳ vị trí nào.
Trong cuộc tấn công của Iran sáng 8/1, một quan chức giấu tên của Bộ tư lệnh Trung tâm Quân đội Mỹ tiết lộ, Iran đêm qua phóng 15 tên lửa. 10 quả đánh trúng căn cứ không quân Ain al-Asad gần thủ đô Baghdad, một quả bắn vào sân bay Irbil ở phía bắc và 4 quả gặp trục trặc trong hành trình bay.
Lực lượng phòng thủ của Mỹ tại hai căn cứ này dường như đã phát hiện vụ tấn công, nhưng không kịp phóng đạn đánh chặn. Tuy nhiên, một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ khẩu đội phòng không Patriot tại Irbil đã bắn hạ ít nhất một tên lửa đạn đạo Iran.