Năm 1900, Blagoveshchensk của Nga bị Trung Quốc tấn công, còn bây giờ, sau hơn 100 năm, nó đã trở thành một biểu tượng của mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc - tờ Le Monde viết.
Cả khu thương mại tự do giữa Blagoveshchensk và thành phố Heihe của Trung Quốc ở phía bên kia sông Armur, cũng như việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt công suất lớn “ Sức mạnh Siberia ”, đang làm thay đổi tình hình. Theo đường ống này, từ năm 2025, 38 tỷ mét khối khí sẽ dẫn tới phía bắc Trung Quốc, và con số này tương đương với mức tiêu thụ của cả nước Pháp.
Tuy nhiên, như tác giả của bài viết lưu ý, mối quan tâm chính của dự án chính là ý nghĩa địa chính trị. Đường ống này sẽ là một bước tiến quan trọng trên con đường xích lại gần giữa Trung Quốc và Nga, vào thời điểm mà quan hệ của cả hai nước này với phương Tây đang trở nên tồi tệ.
Quyết định xây dựng đường ống dẫn khí đốt được đưa ra vào năm 2014, khi Crưm được sáp nhập vào Nga và sự việc đó đã dẫn tới các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, việc xây dựng đường ống này lại được hoàn thành vào thời điểm cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang ngày căng thẳng.
Đối với Trung Quốc, dự án này cũng cực kỳ quan trọng, bởi quốc gia này đang đứng đầu thế giới về lượng nhập khẩu khí đốt, và nhu cầu của họ sẽ chỉ tăng lên. Điều này là do sự tăng trưởng của nền kinh tế và mong muốn thoát khỏi việc sử dụng than đá đang gây ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí.
Trong khi đó, Mỹ lại tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc và ngừng cung cấp khí đốt hóa lỏng cho nước này. Do đó, đường ống “Sức mạnh Siberia” đến rất đúng lúc. Đến năm 2022, đường ống này sẽ đảm nhiệm khoảng 10% lượng khí đốt tiêu thụ của Trung Quốc, và giai đoạn hai của dự án sẽ đảm bảo cung cấp khí đốt cho cả khu vực phía đông của nước này.
Về phần mình, Nga cần có thị trường tiêu thụ, bởi nền kinh tế của nước này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng - tác giả bài báo viết. “Nếu ông Vladimir Putin ngày càng hướng mắt phía đông, thì điều đó có nghĩa là ông không có sự lựa chọn, bởi ở phương Tây, tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều” - tác giả nhận định.
Trước hết, việc nhập khẩu khí đốt vào châu Âu đã giảm hơn 10% trong 10 năm qua, bởi châu Âu muốn tránh sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch. Thêm vào đó, do cuộc khủng hoảng Ukraine, việc xuất khẩu khí đốt đến châu Âu trở nên khó khăn hơn và Mỹ vẫn đang cố gắng hết sức để ngăn chặn “Dòng chảy phương Bắc-2”.
Như tác giả của bài báo lưu ý, ngoài việc lo ngại rằng châu Âu sẽ bị gia tăng lệ thuộc vào nguồn cung của Matxcơva, và Ukraine sẽ bị mất doanh thu quá cảnh khí đốt, Washington còn bị thúc đẩy bởi lợi ích thương mại: bằng cách đánh vào “mối lo ngại Nga”, Washington đang thuyết phục các nước mua nguồn khí đốt đắt đỏ của Mỹ.
Theo đó, Mỹ bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại “Dòng chảy phương Bắc-2”, và điều này đã gây ra sự bất bình mạnh mẽ ở châu Âu. Cụ thể, các chính trị gia Đức cáo buộc Mỹ đang quay trở về thời kỳ “Miền Tây hoang dã”, khi luật nằm trong tay kẻ mạnh.
Và ông Vladimir Putin là người được hưởng lợi từ tình huống này - tờ Le Monde viết. “Bằng cách đặt mình giữa những thị trường châu Âu ở phương Tây và thị trường Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng ở phía đông, Nga không chỉ nhận về nguồn lợi nhuận mới, mà còn củng cố được vị thế của mình về mặt chiến lược” - ấn phẩm dẫn ý kiến của chuyên gia.