Nga - quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên lớn nhất thế giới - đã xây dựng đường ống khổng lồ từ Siberia đi qua biên giới Trung Quốc để thỏa mãn nhu cầu không bao giờ là đủ về năng lượng của Trung Quốc.
Đường ống dẫn khí mới, mang tên “Sức mạnh Siberia”, được coi như một phần dự án của tổng thống Vladimir Putin nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Nga vào các thị trường khí đốt châu Âu và tiếp cận những thị trường châu Á đang phát triển mạnh mẽ.
Đối với Trung Quốc, nơi mà hoạt động sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu, tuyến đường ống có thể trở thành một nguồn cung mới quan trọng.
“Sức mạnh Siberia” là gì?
Đường ống dẫn khí được xây dựng bởi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, kéo dài khoảng 3000km từ mỏ Chayandinsk và Kovyktinsk nằm ở khu vực lạnh nhất ở Siberia, cho tới thành phố Blagoveshensk nằm ngay sát biên giới với Trung Quốc.
Phần đường ống bên phía Trung Quốc sẽ nối với của Nga và tổng cộng sẽ kéo dài thêm 3370km nữa về phía nam và chạy tới tận Thượng Hải.
Phần đường ống “Sức mạnh Siberia” phía Nga sẽ do Gazprom quản lý. Vào năm 2014, công ty này đã ký hợp đồng trị giá 400 tỷ USD để cung cấp trong vòng 30 năm cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Đây là bản hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của công ty Nga.
(Ảnh: RIA Novosti/Alexei Nikolsky)
Hiện trạng của tuyến đường ống dẫn khí ra sao?
Vào tháng 10/2019, Gazprom đã bơm đầy khí vào đường ống. Lễ khánh thành chính thức dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 12, theo hình thức cầu truyền hình giữa tổng thống Nga với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Gazprom dự định bắt đầu cung cấp khoảng 10 triệu m3/ngày và đạt công suất tối đa vào năm 2025. Trong tương lai Nga có thể sẽ mở rộng hệ thống sang hướng tây, khi cho phép khí đốt từ Siberia đi về hai hướng.
Tại sao đường ống này quan trọng đối với Nga?
“Sức mạnh Siberia” có thể trở thành tấm thẻ bảo hiểm trong trường hợp mối quan hệ với châu Âu xấu đi. Cho đến nay, phần lớn khí đốt của Nga được vận chuyện tới phương Tây, chủ yếu qua các tuyến đường ống tại Ukraine.
Ngoài ra, Nga dùng các tàu biển để xuất khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) - được sản xuất tại quần đảo Yamal, nằm ở phía bắc Siberia và ở đảo Sakhalin giáp với Nhật Bản.
Nga và Ukraine tranh cãi nhiều năm về mức phí quá cảnh. Nga từng hai lần dừng cung cấp vào đúng giữa mùa đông. Thêm vào đó, mối quan hệ chính trị giữa Nga và châu Âu ngày càng trở nên căng thẳng hơn sau khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga năm 2014, còn Mỹ và châu Âu đáp trả điều này bằng các biện pháp trừng phạt.
Ngoài ra, Nga có nhiều nguồn trữ lượng khí lớn chưa khai thác ở Viễn Đông, sát với Trung Quốc hơn châu Âu.
Đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia (Ảnh: Aleksandr Semenov/Gazprom)
Trung Quốc cần “Sức mạnh Siberia” làm gì?
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Khí đốt của Nga sẽ bổ sung nguồn cung từ các mỏ của Trung Quốc và đồng thời có thể có giá thành thấp hơn.
Các bên đã tiến hành những cuộc đàm phán về tuyến đường ống thứ hai có tên gọi là “Sức mạnh Siberia-2”, phục vụ cho các nhu cầu của những vùng công nghiệp ở phía bờ Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng sử dụng đường ống dẫn khí Turkmenistan-Trung Quốc cung cấp khí chủ yếu từ Turkmenistan qua Uzbekistan và Kazakhstan.
Tổng thống Putin cho rằng nhu cầu “vô cùng lớn” của Trung Quốc đối với năng lượng cần có những đường ống mới và mở rộng hoạt động cung ứng LNG. Điều này đang được Gazprom, cũng như công ty “Novatek” - chuyên sản xuất LNG trên biển Carsk ở quần đảo Yamal - tận dụng.
Trung Quốc đang nhập khẩu khí đốt từ đâu?
Trong 10 năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tiêu thụ khí đốt nhiều hơn. Theo các dữ liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế, chỉ trong vòng hai năm qua, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc đã tăng 33%. Tỷ trọng lớn nguồn cung khí đốt là nhập khẩu, chiếm tới 43% trong năm 2018. Khoảng 2/5 trong số này được cung cấp qua tuyến đường ống dẫn khí Turkmenistan-Trung Quốc, số còn lại là LNG nhập khẩu chủ yếu từ Australia, Qatar, Malaysia và Indonesia.
Nhu cầu tại Trung Quốc cũng tăng sau khi chính phủ yêu cầu hàng triệu doanh nghiệp và hộ gia đình chuyển từ dùng than sang khí đốt thân thiện môi trường hơn, để giải quyết vấn đề khói bụi và giảm lượng khí thải.
Châu Âu chịu ảnh hưởng thế nào?
“Sức mạnh Siberia” đang tăng cường vị thế của Nga trong các cuộc đàm phán về những hợp đồng khí đốt với các nước châu Âu. Nếu Nga có thể chuyển khí đốt của mình sang phương Đông, phương Tây có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn để được bảo đảm nguồn cung.
Đồng thời, Gazprom đang mở tuyến đường ống dẫn khí mới ngầm dưới biển Baltic, được biết đến là “Dòng chảy phương Bắc-2”, giúp tăng công suất của tuyến cung cấp phía Bắc hiện có. Điều này giúp Nga có cơ hội hoàn toàn bỏ qua đường ống qua Ukraine trong trường hợp căng thẳng gia tăng.
Giá thành khí đốt được tính toán như thế nào?
Theo lời ông Putin, giá khí đốt mà chạy qua “Sức mạnh Siberia”, sẽ bám sát giá dầu. Hệ thống tương tự cũng đang được các khách hàng châu Âu sử dụng.
Như các quan chức Nga khẳng định, mức giá cơ bản trong công thức này đã được xác lập vào khoảng 360 USD/1000m3. Mức giá này tiệm cận với bản hợp đồng Gazprom ký với Đức.
Công ty PetroChina khẳng định rằng, mức giá khí đốt được cung cấp qua “Sức mạnh Siberia” sẽ cạnh tranh so với các sản phẩm từ Trung Á.