Cận Tết, thức ăn đường phố lại “đe dọa” người dân

Thu Lê |

(Soha.vn) - “Kể cả có phải hy sinh quyền lợi của một nhóm nhỏ để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng thì chúng tôi vẫn phải làm,…”

Thông tư số 30/2012/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/1. Sau 5 ngày áp dụng Thông tư 30, các quan chức của Bộ Y tế đều cho rằng, tính khả thi của Thông tư khi đi vào cuộc sống là rất khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn của thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tiếp tục đe dọa người dân trong dịp Tết sắp tới.

Tính khả thi của Thông tư 30 quá ít

Mới đây, khi bàn đến vấn đề tính khả thi của Thông tư 30, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: “Khi đi vào cuộc sống, tính khả thi của Thông tư 30 rất khó khăn. Để những nội dung trong Thông tư trên được áp dụng hiệu quả cần phải có thời gian và sự đồng lòng vào cuộc của các cấp chính quyền, giới truyền thông và ý thức tự giác của mỗi người dân…”

Thông tư số 30/2012/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành đã bắt đầu có hiệu lực được 5 ngày. Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ bị siết chặt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tình hình kinh doanh, buôn bán thức ăn đường phố ở Hà Nội vẫn không được cải thiện là bao so với thời điểm chưa áp dụng Thông tư.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, ông Trung cho biết: “Khi thông tư ban hành xong bao giờ cũng cần có thời hạn bắt đầu có hiệu lực của văn bản đó. Không phải cứ đến đúng ngày Thông tư được áp dụng là mọi thứ đâu vào đó ngay được. Điều này có nghĩa, không phải Thông tư ban hành xong mọi thứ phải xong. Khi văn bản có hiệu lực tức là các địa phương, các đơn vị, các cơ sở phải bắt đầu tuân thủ theo quy định đó.”

Một khó khăn dễ dàng nhận thấy là Thông tư 30 ban hành đúng vào dịp cận Tết Nguyên đán nên việc triển khai lại càng gặp phải những khó khăn không thể lường hết. Thức ăn đường phố không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân trong dịp tết khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn.

“Dịp Tết, có rất nhiều các mặt hàng tồn. Nếu không có sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc cải thiện được tình trạng nhếch nhác ở các đường phố do ăn uống rất khó thực hiện…”, ông Trung nhấn mạnh.

Tính khả thi của Thông tư 30 quá ít khiến công tác quản lí, siết chặt việc kinh doanh thức ăn đường phố không được cải thiện (Ảnh minh họa)

Tâm lí “ham rẻ”

Thời gian vừa qua, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể mua sử dụng lòng lợn, mỡ thối, gà nhập lậu, nội tạng động vật không đảm bảo chất lượng, rau ế…

Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm phân tích: “Do các mặt hàng này được “hạ giá” xuống mức cực đại. Tâm lí ham giá rẻ đã khiến không ít người kinh doanh “tặc lưỡi” mua những loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng về bán lại cho khách.

Do vậy, bên cạnh việc xử phạt những người bán hàng thì giải pháp tập huấn để nâng cao nhận thức cho họ là một hướng giải quyết được Cục An toàn thực phẩm đang đẩy mạnh…”

Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cũng cho biết thêm: “Những người kinh doanh thức ăn đường phố có một đặc thù riêng. Đa phần họ là những người nghèo. Để trợ giúp cho họ được tập huấn dễ dàng, Cục An toàn thực phẩm đang nhân rộng việc khám sức khỏe và tập huấn miễn phí tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng một số nơi khác. Thông qua việc tập huấn, những người bán hàng có thể thay đổi hành vi…”

Hy sinh quyền lợi của một nhóm nhỏ để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng

“Thực tiễn quản lý, trong trường hợp kể cả có phải hy sinh quyền lợi của một nhóm nhỏ để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng thì chúng tôi vẫn phải làm,” ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh việc “chấn chỉnh” chất lượng của thức ăn đường phố. Nhiều mô hình an toàn thực phẩm tốt cũng đang được nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Ông Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội cho hay, Hà Nội đang xây dựng đề án tuyến phố đảm bảo an toàn thực phẩm và trong năm 2013 sẽ tiến hành triển khai.

Ông Phong cũng dẫn chứng bên canh việc thực hiện các nội dung theo Thông tư, Việt Nam cũng cần học hỏi mô hình của nhiều nước xung quanh về quản lý thức ăn đường phố.

Chẳng hạn như, Trung Quốc đã áp dụng mô hình tất cả các cửa hàng bán thức ăn đường phố không được phép tự rửa bát đũa và vệ sinh dụng cụ ở nơi bán hàng. Những người bán hàng trên đường phố của họ phải lấy bát đũa của một cơ sở đã được cơ quan y tế cho phép vệ sinh dụng cụ bát đũa. Trên bất kỳ một cái bát hay cái đĩa nào khi mang đến cơ sở bán thức ăn đường phố đều có một chiếc tem nhỏ dán khẳng định bát đũa đó đã được vệ sinh an toàn.

Ông Phong dẫn chứng, ở tỉnh Quảng Ninh đã có hai cơ sở nhập dây truyền chuyên rửa bát đũa như mô hình trên. Hiện nay, Bộ Y tế chưa quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải thực hiện lấy bát ở những cơ sở đảm bảo chất lượng vệ sinh như vậy.

Tuy nhiên, ở góc độ  y tế, Bộ Y tế khuyến khích những cơ sở ăn uống sử dụng bát đũa ở những nơi an toàn vệ sinh đúng theo quy định để cải thiện chất lượng về vệ sinh thực phẩm và giảm bớt nỗi lo cho người dân.

Bộ Y tế "siết chặt" kinh doanh thức ăn đường phố

(Soha.vn) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư về "Điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại