Khó có thể phát hiện được methanol nếu…
Trước một số thông tin cho rằng, có thể dùng giấy quỳ đỏ cho vào ly khoảng 2-3 phút, giấy quỳ chuyển sang màu xanh thì loại rượu này chứa lượng methanol nguy hiểm cho sức khỏe, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định không thể dùng giấy quỳ để có thể phát hiện ra methanol có trong rượu. Có thể mọi người đang nhầm lẫn gì ở đây vì bằng mắt thường không thể phát hiện ra methanol.
Ngay cả khi dùng các giác quan ngửi, nếm, sờ, nhìn… cũng không thể phát hiện ra được methanol. Trong dân gian có lưu truyền một số mẹo đốt rượu nếu cháy lửa để phát hiện ra rượu có chứa methanol cũng không chính xác.
"Để biết được rượu có chứa methanol hay không thì phải đưa phòng thí nghiệm phân tích", PGS. TS Côn nói.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo methanol là chất gây độc cho cơ thể, để tránh mua phải rượu có chứa methanol cần phải tìm nơi mua có nguồn gốc xuất xứ, rượu phải có tem mác, cơ sở sản xuất. Cách tốt nhất là hạn chế uống rượu bia để bảo vệ cho sức khỏe.
Khó có thể phát hiện ra methanol, ảnh minh họa.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội, không có một phương pháp nào thử methanol ngay cả dùng giấy quỳ. Giả sử nếu có thể phát hiện methanol bằng giấy quỳ thì cơ quan chức năng đã phổ biến rộng rãi, như vậy sẽ không còn ai bị trúng độc khi uống rượu.
Methanol chỉ có thể phát hiện ra bằng cách phân tích hóa học. Trong một hỗn hợp có rất nhiều loại rượu để phân tích ra methanol sẽ rất phức tạp. Nếu dễ dàng nhận biết được methanol bằng các giác quan thông thường thì sẽ không xảy ra trường hợp ngộ độc.
"Methanol là một chất độc nếu có thể ai tìm ra thuốc thử định tính methanol thì rất là tốt. Hiện nay, ở Việt Nam cũng có một số nơi nghiên cứu bộ kit thử chất độc nhưng cũng chỉ phát hiện ra được một vài chất". PGS.TS Thịnh nói.
Phân biệt ngộ độc rượu truyền thống và cồn công nghiệp
Theo Ths. Bs Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai người dân rất khó có thể phân biệt được ngộ độc Methanol hay Ethanol.
Vì khi ngộ độc biểu hiện ban đầu của hai hóa chất này là giống nhau: hạ thân nhiệt, hạ huyết áp. Chỉ có nhân viên y tế mới đưa ra được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp Methanol.
Rất ít trường hợp bị ngộ độc Ethanol, chỉ ngộ độc khi uống quá nhiều. Đa phần các trường hợp bị ngộ độc rượu vào Trung tâm cấp cứu là do bị ngộ độc cồn công nghiệp Methanol. Người bị ngộ độc Methanol, sau uống rượu từ 1-2 ngày sẽ có dấu hiệu thấy mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, chậm chạp, thậm chí hôn mê.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo: "Sử dụng rượu bia đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc luôn có nguy cơ ngộ độc methanol. Đa số các bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp hầu hết họ đều rượu không có nguồn gốc, nhãn mác.
Trong trường hợp người dân uống nhiều rượu cảm thấy bất thường, mệt, cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra".