Sự thật về "cú lừa thế kỷ" khiến bạn thừa cân, béo phì và luôn đổi lỗi cho chính mình

Đào Trung Thành |

Có nhiều nguyên nhân gây béo phì, nhưng ẩn chứa đằng sau những lý do đó là những kịch bản "đánh lừa" bạn một cách đầy kỳ bí và bất ngờ. Bài viết giúp bạn có một góc nhìn khác.

Số lượng người béo phì ở Anh đang ngày càng gia tăng. Còn tại Mỹ, nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ số ra ngày 7/6/2016 chỉ rõ: chứng béo phì đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với tỷ lệ 38% người trưởng thành và 17% trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ mắc phải.

CNN thì đưa tin theo một nghiên cứu mới nhất, cho thấy có hơn 2 tỷ người trên thế giới, bao gồm nhiều trẻ em, bị thừa cân hoặc béo phì và phải chịu những vấn đề về sức khỏe do tình trạng thừa cân, béo phì gây ra.

Thế nhưng theo tác giả George Monbiot của bài báo "We’re in a new age of obesity. How did tt happen? You’d be surprised" ("Chúng ta đang ở trong một Thời đại mới của bệnh béo phì. Chuyện đã xảy ra như thế nào? Bạn sẽ ngạc nhiên")- đăng trên Guardian số 15/8/2018), người Anh đang ăn ít hơn so với vài chục năm trước.

Ông viết:

"Chúng ta (người Anh) ăn ít hơn so với năm 1976. Theo số liệu của chính phủ, hiện tại chúng ta tiêu thụ trung bình 2.130 kilocalories mỗi ngày bao gồm cả kẹo và rượu. Nhưng vào năm 1976, chúng ta tiêu thụ 2.280 kcal trừ rượu và đồ ngọt, hoặc 2.590 kcal bao gồm. Tôi thấy không có lý do gì để không tin những con số này."

Sự thật về cú lừa thế kỷ khiến bạn thừa cân, béo phì và luôn đổi lỗi cho chính mình - Ảnh 1.

Bãi biển Brighton năm 1976

Nhìn vào hình, chúng ta thấy rất ít người béo phì ở Anh trên bãi biển Brighton năm 1976. Vậy số lượng người thừa cân, béo phì gia tăng là do đâu?

Tập thể dục không làm giảm cân nặng

Theo một nghiên cứu dài hạn tại Đại học Plymouth, hoạt động thể chất của trẻ em cũng vẫn giống như cách đây 50 năm.

Một bài báo trên International Journal of Epidemiology (Tạp chí Dịch tễ học quốc tế) cho thấy không có sự khác biệt giữa lượng calo bị đốt cháy giữa những người ở các nước giàu và những người nghèo đang sống ở những nơi nông nghiệp vẫn là phổ biến.

Cũng không có mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và việc giảm cân.

Ngạc nhiên chưa?

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy rằng tập thể dục, mặc dù rất quan trọng đem lại sức khỏe tốt, nhưng lại ít quan trọng hơn chế độ ăn uống trong việc kiểm soát trọng lượng của chúng ta.

Một số người còn cho rằng tập thể dục còn không có vai trò đáng kể lên việc kiểm soát cân nặng vì càng tập thể dục, chúng ta càng mau đói hơn và kết quả chúng ta càng ăn nhiều hơn năng lượng cần thiết.

Bạn có thể đang tự trách mình kém ý chí trong việc kiểm soát những thứ đưa vào miệng. Nhưng dường như bạn đã không để ý đến một tác nhân kinh khủng ở đằng sau.

Sự thật về cú lừa thế kỷ khiến bạn thừa cân, béo phì và luôn đổi lỗi cho chính mình - Ảnh 2.

"Thời đại béo phì"

George Monbiot viết trong bài báo về tác nhân này như sau:

"Như Jacques Peretti đã tranh luận trong bộ phim "The men who made us fat" của mình, các công ty thực phẩm đã đầu tư rất nhiều vào việc thiết kế các sản phẩm sử dụng đường nhằm vượt qua các cơ chế kiểm soát sự thèm ăn tự nhiên của chúng ta, và trong việc đóng gói và quảng bá những sản phẩm này thông qua việc sử dụng các mùi hương quyến rũ.

Họ sử dụng một đội ngũ các nhà khoa học thực phẩm và các nhà tâm lý học để lừa chúng ta ăn nhiều hơn mức cần thiết, trong khi các nhà quảng cáo của họ sử dụng những phát hiện mới nhất trong khoa học thần kinh (neuroscience) để vượt qua sức đề kháng của chúng ta.

Họ thuê các nhà khoa học và các thinktanks (nhóm nghiên cứu) để gây ra sự nhầm lẫn và bối rối về nguyên nhân của bệnh béo phì.

Sau cùng, cũng giống như các công ty thuốc lá đã làm với việc hút thuốc lá, họ thúc đẩy ý tưởng rằng kiểm soát cân nặng là một vấn đề thuộc về "trách nhiệm cá nhân".

Sau khi chi tiêu hàng tỷ vào việc đè bẹp ý chí của chúng ta, họ đổ lỗi cho chúng ta vì đã không tập thể dục."

Nhiều công ty thực phẩm sử dụng nhiều đường như các hãng giải khát, các hãng thức ăn nhanh đã sử dụng hàng ngàn các khoa học thực phẩm và các thinktanks phục vụ cho việc bán hàng của mình.

Chưa kể cả một lực lượng đông đảo các nhà marketing cũng đang quảng cáo cho những sản phẩm gây nên chứng béo phì ở mức độ toàn cầu.

Một báo cáo có tựa đề "Sugar Industry and Coronary Heart Disease Research" gây chấn động cách đây 2 năm (tháng 11/2016) tiết lộ ngành công nghiệp đường nước này đã có hoạt động thao túng khoa học, thông qua một nhóm các nhà nghiên cứu đầu ngành tại Đại học Harvard từ 5 thập kỷ trước.

Họ đã thành công trong việc hướng sự chú ý của các nhà khoa học khác và người dân ra khỏi rủi ro sức khỏe, liên quan đến đồ ngọt và ngành công nghiệp khổng lồ phía sau nó.

Các nhà khoa học được tài trợ nghiên cứu cũng đã góp phần làm bối rối và gây nghi ngờ về tác động của đường.

Một bài báo đăng trên Journal of Insulin Resistance (tạp chí Kháng Insulin) tháng 5/2018 "Khoa học chống lại tác động của đường, một mình là không đủ trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng về bệnh béo phì và bệnh tiểu đường loại 2" ("The science against sugar, alone, is insufficient in tackling the obesity and type 2 diabetes crises") đã tố cáo vào năm 1967, Quỹ nghiên cứu đường chuyển hướng sự chú ý khỏi đường như một nguyên nhân gây sâu răng; đồng thời chuyển hướng sự chú ý đến chất béo bão hòa như một nguyên nhân gây bệnh tim mạch (CVD).

Đáng báo động hơn, "hơn 90% các nhà hoạch định chính sách tin rằng "động cơ cá nhân" là "ảnh hưởng mạnh mẽ hoặc rất mạnh đến sự gia tăng của bệnh béo phì", theo tạp chí Lancet về sức khỏe cộng đồng.

Họ đổ lỗi cho chúng ta, sau khi đã giăng đủ loại bẫy để chúng ta vào tròng.

Sự thật về cú lừa thế kỷ khiến bạn thừa cân, béo phì và luôn đổi lỗi cho chính mình - Ảnh 3.

Nhiều chính phủ vào cuộc chống thực phẩm làm sẵn chứa lượng đường cao

Cũng như những người thất nghiệp được phép đổ lỗi cho thất nghiệp do tái cấu trúc nền kinh tế, những người mắc nợ được đổ lỗi cho chi phí nhà cửa quá cao, người béo phì cần được quy trách nhiệm cho vấn đề xã hội.

Mặc dù kiểm soát cân nặng vẫn là trách nhiệm và lựa chọn cá nhân nhưng những nhà hoạch định chính sách, nhà nước cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc xác định các tác nhân gây bất lợi cho xã hội, kiểm soát chất lượng các hãng thực phẩm và giải khát, những tác nhân phát hiện ra điểm yếu của con người chúng ta và tàn nhẫn khai thác để phục vụ cho lợi nhuận của mình.

Nhiều chính phủ trong khu vực đã ý thức được việc đó.

Singapore đã yêu cầu các nhà sản xuất nước giải khát giảm lượng đường tối đa trong các sản phẩm bán tại Singapore xuống mức 12% vào năm 2020.

Indonesia cũng có kế hoạch ban hành luật vào năm 2018 nhằm giảm hàm lượng đường, muối và chất béo trong thực phẩm.

Malaysia đã bãi bỏ một trợ cấp ưu tiên dành cho đường vào năm 2013. Thái Lan ước tính thuế đường sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách 2,5 tỷ baht (tương đương gần hơn 1.700 tỉ đồng Việt Nam) mỗi năm.

Thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất cho các mặt hàng nước giải khát ở Thái Lan đang ở mức 30%. Chính phủ Thái Lan đang cố gắng khuyến khích các nhà sản xuất nước giải khát điều chỉnh các dòng sản phẩm của mình.

Ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã đề nghị bổ sung nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trừ các sản phẩm sữa. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.

Bộ Tài chính lý giải, hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số và dự luật này sẽ góp phần điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là một việc làm phù hợp xu thế chung của thế giới.

Béo bụng có liên quan đến 12 loại ung thư khác nhau

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại