Sư đoàn thiết giáp Phát xít bị chặn đứng bởi… 1 xe tăng Hồng quân

TUẤN SƠN |

Trong 6 tháng đầu chiến dịch Barbarossa, các đơn vị tăng thiết giáp Đức vượt qua hàng trăm km và áp sát ngoại vi thủ đô Moscow của Liên Xô. Bên cạnh thời tiết mùa đông, chỉ có sự xuất hiện của những xe tăng hạng nặng KV, được ví như "chốt chặn thép", mới có thể ngăn quân Đức tấn công Moscow, giúp Hồng quân Liên Xô có thời gian ổn định lực lượng để đánh trả.

Liên Xô là một trong những nước đầu tiên áp dụng học thuyết chiến tranh cơ giới, sở hữu hàng nghìn xe tăng hạng nhẹ T-26 và BT vào thời điểm quân Đức xâm lược.

Moscow cũng phát triển mẫu tăng T-28 khổng lồ và T-35 nhiều tháp pháo để chọc thủng phòng tuyến đối phương. Tuy nhiên, những "thiết giáp hạm trên cạn" này thường gặp khó khăn trên địa hình phức tạp, trong khi phần thân lớn bọc giáp mỏng dễ bị đối phương bắn thủng.

Cuối thập niên 1930, nhà thiết kế Josef Kotin phát triển dòng tăng hạng nặng KV, đặt theo tên viết tắt của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Kliment Voroshilov. Xe tăng KV có thiết kế đơn giản, được trang bị vỏ giáp dày và hỏa lực mạnh hơn nhiều so với dòng T-28 và T-35.

Sư đoàn thiết giáp Phát xít bị chặn đứng bởi… 1 xe tăng Hồng quân - Ảnh 1.

Xe tăng hạng nặng KV có vai trò rất quan trọng với Hồng quân trong giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

KV-1 được lắp giáp thép dày 70-90mm, giúp nó bất khả xâm phạm trước đạn xuyên giáp cỡ nòng 37 và 45 mm. Trong khi đó, những chiếc xe tăng Đức trong giai đoạn đầu Thế chiến 2 chỉ có giáp dày 10-35mm. Dòng KV-1 được lắp pháo nòng ngắn L11 cỡ 76mm, cùng ba khẩu súng máy 7,62mm trên thân xe, mặt trước và sau tháp pháo để đối phó bộ binh.

Dòng KV-1 có màn ra mắt đầy hứa hẹn, khi chỉ có một xe bị phá hủy trong cuộc chiến Liên Xô - Phần Lan giai đoạn 1939-1940. Thành công này thúc đẩy Liên Xô cải tiến, cho ra đời xe tăng KV-1 đời 1940 với pháo F32 uy lực hơn, cùng lớp giáp được tăng cường đáng kể.

Xe tăng KV-1 được biên chế thành các tiểu đoàn với lực lượng 16-22 xe, chiến đấu bên cạnh dòng T-34 trong những lữ đoàn tăng thiết giáp hỗn hợp. Những chiếc T-34 có tốc độ cao sẽ bảo vệ sườn và đột kích chớp nhoáng, trong khi KV-1 đóng vai trò lá chắn và mũi nhọn đột phá đội hình đối phương.

Liên Xô cũng chế tạo hơn 300 xe tăng KV-2, nổi bật nhờ tháp pháo hình hộp cỡ lớn, trang bị pháo cỡ nòng 152mm. Nhiệm vụ chính của KV-2 là tiêu diệt lô cốt từ xa, nhưng đạn nổ mạnh cũng đủ sức phá hủy nhiều loại xe tăng của Đức.

Điểm yếu của KV-2 là kém ổn định, khiến nó không thể khai hỏa trên địa hình lồi lõm hoặc trong lúc di chuyển. Gần như toàn bộ các xe KV-2 đều bị phá hủy trong năm 1941 và không được bổ sung hay thay thế.

Hầu hết hỏa lực phát xít Đức đều vô hiệu trước KV

Liên Xô chỉ biên chế 337 xe KV-1 và 132 chiếc KV-2 ở Quân khu miền Tây khi Đức khởi đầu chiến dịch Barbarossa. Tuy nhiên, tình báo Đức đã đánh giá sai về mối đe dọa của dòng xe tăng hạng nặng này.

Các chỉ huy Đức từng sử dụng pháo phòng không hoặc pháo chiến trường bắn thẳng để đối phó xe tăng hạng nặng. Tuy nhiên, chiến thuật này không phù hợp với một đội quân đang liên tục tiến công, do khả năng cơ động kém và triển khai mất thời gian.

Việc đặt chúng đối mặt với những xe tăng trang bị hỏa lực mạnh của đối phương cũng tạo ra mối nguy hiểm lớn cho kíp pháo và khí tài.

Điểm yếu chiến thuật của Đức xuất hiện ở trận Raseiniay, ngay trong giai đoạn mở đầu chiến dịch Barbarossa. Ngày 23-6-1941, lính Đức trong những chiếc Panzer 35(t) hoảng hốt khi thấy xe tăng KV-1 của Sư đoàn Tăng số 2 Liên Xô chọc thẳng qua đơn vị của họ.

Đạn pháo 37mm của Đức không thể xuyên thủng xe tăng Liên Xô, trong khi đó những chiếc KV hủy diệt lực lượng bộ binh Đức.

Lực lượng Panzer 35(t) phải đuổi theo xe tăng Liên Xô, sau đó bắn hỏng xích một số xe và buộc đơn vị KV-1 rút quân. Tuy nhiên, một chiếc KV-2 đột phá quá sâu và hết nhiên liệu ngay trên tuyến hậu cần của Sư đoàn Tăng số 6 Đức vào ngày 24-6.

Tin rằng tổ lái đã bỏ xe, đoàn vận tải chở đạn và nhiên liệu của Đức chọn phương án đi thẳng qua trước mặt chiếc KV-2. Tổ lái tăng Hồng quân ngay lập tức khai hỏa và phá hủy 12 xe tải.

Một khẩu đội pháo chống tăng 50mm của Đức bắt đầu bắn phá chiếc KV-2, nhưng nó nhanh chóng bị pháo 76mm của xe tăng tiêu diệt. Quân Đức triển khai pháo phòng không 88mm ở khoảng cách 700m, nhưng chiếc KV-2 đã tiêu diệt khẩu pháo trước khi nó kịp khai hỏa.

Đêm 24-6-1941, lính công binh phát xít Đức tìm cách tiếp cận và kích nổ xe tăng bằng bộc phá. Tuy nhiên, các khẩu súng máy đã hủy diệt hoàn toàn đợt tấn công tự sát trên.

Lo lắng trước việc một xe tăng Liên Xô chặn đứng cả sư đoàn tăng thiết giáp Đức trong 24 giờ liên tục, tướng Erhard Raus quyết định tổ chức một đợt tấn công hiệp đồng giữa tăng, bộ binh và pháo binh vào sáng 25-6.

Một số tăng Panzer 35(t) hạng nhẹ khai hỏa để đánh lạc hướng kíp tăng Liên Xô, trong khi các khẩu pháo phòng không 88mm được triển khai. Chỉ hai trong số 12 viên đạn pháo 88mm xuyên thủng chiếc KV-2. Khi bộ binh Đức trèo lên tháp pháo, chiếc xe vẫn còn khả năng chiến đấu.

Hàng loạt quả lựu đạn được ném vào trong, cho tới khi tháp pháo ngừng chuyển động. Một số nguồn tin cho rằng, binh sĩ phát xít Đức đã chôn cất 6 lính tăng KV-2 Liên Xô với nghi lễ trang trọng nhất vì khâm phục sự chiến đấu dũng cảm của họ.

Trúng đòn đau ở Kamenevo

Bất chấp ưu thế của xe tăng T-34 và KV, quân đội Đức vẫn liên tục đột phá vào lãnh thổ Liên Xô. Sau khi bao vây và hủy diệt 600.000 quân Liên Xô ở Kiev, phát xít Đức bắt đầu đợt tiến công nhằm vào Moscow. Dẫn đầu mũi quân này là Sư đoàn tăng số 4, bao gồm một tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 5 đại đội tăng Panzer III và IV, cùng 9 khẩu pháo kéo cỡ nòng 88 và 105mm.

Sáng 6-10-1941, lực lượng Đức tràn qua đội hình xe tăng T-26 và bộ binh tại thị trấn Kamenevo, cách Moscow 270km về phía tây nam.

Tuy nhiên, khi quân Đức tiến tới Tula, các đơn vị tiền phương đã hoàn toàn bị áp đảo bởi các xe tăng T-34 và KV bọc bên sườn trái của đội hình. Vào đêm trước đó, Lữ đoàn Tăng số 4 của Đại tá Mikhail Katukov đã phục kích hướng tiến quân của Đức.

Sư đoàn thiết giáp Phát xít bị chặn đứng bởi… 1 xe tăng Hồng quân - Ảnh 2.

Xe tăng KV che chắn, giúp đội hình bộ binh tấn công.

Các khẩu đội pháo Đức bắt đầu bắn phá xe tăng Liên Xô, nhưng không thể chặn số lượng lớn những chiếc T-34 và KV. Lữ đoàn tăng Liên Xô nghiền nát nhiều khẩu pháo và bắt đầu đánh cận chiến với các xe Panzer. Điểm sáng duy nhất cho quân Đức là khoảng cách gần giúp những chiếc Panzer có cơ hội bắn xuyên sườn xe KV.

Quân Đức phải rút lui sau khi mất 12-13 xe tăng, trong khi Liên Xô chịu tổn thất 8 chiếc KV. Tuyết mùa đông bắt đầu rơi vào ngày hôm sau, làm chậm đà tiến tới Moscow của quân Đức. Trận đánh ở Kamenevo giúp Hồng quân có thêm thời gian chuẩn bị, đồng thời khiến quân đội phát xít sa lầy và không thể chiếm Moscow trước mùa đông.

“Người khổng lồ” kém tin cậy

Liên Xô chế tạo hơn 4.000 chiếc KV-1, với hàng loạt phiên bản được gia cố thêm giáp. Xu hướng này đạt đỉnh với mẫu KV-1C vào năm 1942 với pháo ZiS-5 cỡ nòng 76mm và giáp thép dày 130mm. Tuy nhiên, nó chỉ đạt tốc độ tối đa 27km/giờ trên đường bằng phẳng.

Dòng KV từng bất khả xâm phạm với xe tăng Đức trong giai đoạn đầu Thế chiến II, nhưng chúng cũng có nhiều điểm yếu chí mạng. Tầm nhìn tổ lái kém, hộp số thường xuyên hư hỏng và tốc độ thấp khiến những chiếc KV không thể theo kịp xe tăng T-34 trong các đợt tiến công.

Sư đoàn thiết giáp Phát xít bị chặn đứng bởi… 1 xe tăng Hồng quân - Ảnh 3.

Chi phí chế tạo đắt đỏ, kém tin cậy và thiếu khả năng bảo vệ đã khiến KV dần bị thay thế bằng xe tăng IS trong biên chế Hồng quân.

Các nhà thiết kế Liên Xô cho ra đời bản KV-1S với giáp chỉ dày 75mm, đồng thời cải thiện hộp số và tầm nhìn cho tổ lái, giúp xe đạt tốc độ tới 45km/giờ.

Vào thời điểm này, xe tăng Đức cũng được trang bị giáp hiện đại, cùng pháo nòng dài 75 hoặc 88mm, đủ sức xuyên thủng giáp trước KV-1 từ khoảng cách xa. Điều đó khiến những chiếc KV-1 đắt đỏ không còn uy lực như trước và chúng dần biến mất.

Chỉ một số tiểu đoàn KV tham gia phòng thủ vành đai Kursk, trận đấu tăng thiết giáp lớn nhất trong lịch sử thế giới vào giữa năm 1943. Chúng hoàn toàn bị xe tăng Tiger và Panther Đức áp đảo, buộc Liên Xô chế tạo 148 xe tăng KV-85 trang bị pháo nòng dài 85mm.

Cùng lúc đó, xe tăng T-34 cũng được trang bị pháo 85mm tương tự, đồng thời dòng tăng hạng nặng IS cũng ra đời nhằm thay thế vai trò của KV. Chỉ còn một số lượng nhỏ xe tăng KV-1 xuất hiện trong những năm cuối Thế chiến II.

Để sở hữu lớp giáp dày, xe tăng KV phải hy sinh khả năng cơ động, tính ổn định và chi phí sản xuất, khiến nó không còn hiệu quả so với những chiếc T-34. Tuy nhiên, dòng KV chính là yếu tố giúp Hồng quân cầm chân quân phát xít Đức trong giai đoạn khó khăn đầu Thế chiến 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại