Sốt xuất huyết gia tăng bất thường

DƯƠNG TOÀN |

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có những diễn biến bất thường trong thời gian gần đây. Các chuyên gia cảnh báo, SXH nếu không được kiểm soát sẽ dễ bùng phát thành dịch.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận 20.537 trường hợp mắc SXH với 3 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 2,1 lần.

Tại Hà Nội, ngay từ những tháng đầu năm 2023, số ca mắc SXH đã có chiều hướng gia tăng. Cụ thể hơn, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 172 ca mắc SXH, trong khi cùng kỳ năm 2022 toàn thành phố chỉ có 9 ca.

Tại các tỉnh phía Nam, dịch SXH có chiều hướng tăng bất thường ở khu vực Tây Nam Bộ. Cụ thể, Cần Thơ có trên 600 ca, An Giang ghi nhận khoảng 860 ca; riêng 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, số ca mắc SXH tính từ đầu năm đến nay tăng 200-400% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn TPHCM, ghi nhận 5.488 ca mắc SXH, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022 ở 287 ổ dịch, rải rác tại các phường, xã, thị trấn. Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết, đơn vị đã điều trị thành công cho bệnh nhi H.H.Đ.K. (27 tháng tuổi, sống ở tỉnh Tiền Giang) bị SXH Dengue N4 thể nặng.

Trước khi nhập viện 3 ngày, trẻ bị sốt, ho và lạnh tay chân. Khi đến bệnh viện, bệnh nhi có biểu hiện sốc mạch nhẹ, xét nghiệm Dengue NS1Ag dương tính, men gan tăng cao. Ngoài ra, trẻ có bệnh tim bẩm sinh và đã được phẫu thuật triệt để.

Qua quá trình thăm khám, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, cho hay bệnh nhi bị sốc SXH Dengue N4 kèm theo tổn thương gan cấp mức độ nặng, tim bẩm sinh phức tạp. Tình trạng diễn tiến ngày càng nặng, có suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa và tổn thương gan nặng.

Trong quá trình điều trị, tình trạng trẻ ngày càng phức tạp, xuất hiện thêm rối loạn nhịp tim, có phản ứng viêm nặng, buộc các bác sĩ phải sử dụng thêm thuốc chống loạn nhịp, kháng sinh phổ rộng và truyền kháng thể miễn dịch. May mắn, sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi dần cải thiện, cai máy thở, các chức năng gan, thận và đông máu trở về bình thường.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để phòng, chống bệnh SXH người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, không để muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị SXH nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

Dấu hiệu SXH ở bệnh nhân bị nhẹ, bao gồm: Sốt cao liên tục 39 - 40 độ C trong khoảng 2 - 3 ngày hoặc kéo dài hơn. Có hiện tượng đau đầu dữ dội vùng trán, sau đầu. Trên cơ thể xuất hiện những nốt phát ban và mẩn đỏ. Khi bị SXH trên cơ thể xuất hiện những nốt phát ban và mẩn đỏ. Dấu hiệu SXH ở bệnh nhân bị nặng: Từ những nốt nổi mẩn diễn tiến thành các vết chấm xuất huyết bên ngoài da, chân răng bị chảy máu, chỗ tiêm bị bầm tím, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen do nội tạng bị xuất huyết, chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, thậm chí còn bị chảy máu vùng âm đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại