Thay đổi tâm lý lúc về hưu
Trong tiếng la hét, kêu gào và ánh mắt lo lắng của hàng chục bệnh nhân tâm thần tại khoa Bán Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, TS Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm trưởng khoa, dẫn chúng tôi tới từng phòng bệnh.
Mỗi bệnh nhân với một số phận khác nhau. Ở đó, họ có chung niềm khao khát đó là “tìm cách chết nhanh nhất”.
Tâm sự với chúng tôi, TS Phương cho biết bệnh trầm cảm khổ lắm, đa số bệnh nhân ở đây bị trầm cảm.
Khi bị bệnh này, họ đau đớn, cái đau không thể nói nên lời. Có những người cầu xin bác sĩ chỉ để được chết.
Căn bệnh có cái đau âm thầm, dai dẳng. Bệnh nhân ung thư còn mong tìm mọi cách để được sống còn người bị trầm cảm mong tìm được sự giải thoát đó là cái chết”.
Bà Vũ Thị Phượng 57 tuổi (tên nhân vật đã thay đổi) trú tại Hoàng Mai, Hà Nội được gia đình “áp giải” đến bệnh viện trong tình trạng không tỉnh táo, đòi tự tử.
Theo như lời gia đình người bệnh, bà Phượng mắc chứng hoang tưởng. Nhiều năm nay, bà Phượng về hưu ở nhà làm nội trợ.
Hai người con bà Phượng đang đi học và làm ở xa nhà nên căn nhà chỉ có hai ông bà. Người chồng vẫn còn đương chức vì thế bản thân bà Phượng cảm thấy cô đơn.
Không có người nói chuyện, xáo trộn tâm lý lúc về hưu khiến bà Phượng rơi vào trạng thái mất ngủ, thèm nói chuyện. Bà làm bạn với việc đi chợ và trồng rau trên sân thượng.
Bà bắt đầu sinh nghi chồng có bồ ở bên ngoài. Bà nghĩ ra đủ kiểu ngoại tình của chồng.
Ai đến nhà bà cũng kể tội chồng già đi nhiều vì gáu gú suốt rồi những người phụ nữ sống quanh nhà cười, hỏi chuyện với ông bà cũng nghĩ họ ăn nằm với nhau.
Càng nghi ngờ, bà Phương càng rơi vào trạng thái hoang tưởng lo lắng. Trước kiểu ghen thái quá của vợ, chồng bà Phượng càng sinh ra chán nản và ông ít về nhà hơn. Mâu thuẫn vợ chồng lên đỉnh điểm. Bà Phượng đã uống thuốc ngủ tự tử.
Bệnh nhân điều trị khỏi nhờ gia đình
Sau khi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai hai tuần, bà Phượng được giới thiệu sang khoa sức khỏe tâm thần khám bệnh. Lúc đó, bác sĩ kết luận bà Phượng mắc chứng rối loạn cảm xúc tâm thần.
Tuy nhiên, bà Phượng vẫn quả quyết mình không có bệnh gì, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bà thường xuyên bỏ viện về nhà. Chồng và người thân không thể nào đưa bà đến viện được.
Sau đó, họ phải cho bà dùng thuốc ngủ rồi “áp giải” bà xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Họ hi vọng ở xa nhà, bà không thể trốn viện về nhà được.
Những lúc tỉnh táo, bà Phượng kể “Tôi bị mất ngủ, đau đầu và nghe rõ tiếng chồng đang đưa gái về nhà thì thầm với nhau, nói xấu vợ và các con. Tôi nghe rất rõ còn ông ấy thì chối bay, chối biến”.
Bà Phượng luôn quả quyết nghe rõ tiếng người phụ nữ nói bên tai về chuyện vợ chồng. Về bản thân mình, chồng bà Phượng quả quyết bà bị bệnh chứ ông không có người phụ nữ nào khác.
TS Phương cho biết bà Phượng bị chứng hoang tưởng ảo giác. Các loại hoang tưởng ảo giác thường gặp ở bệnh nhân là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng bị chi phối, hoang tưởng bị kiểm soát, ảo giác chủ yếu là ảo thanh.
Như vậy dạng hoang tưởng ảo giác thường gặp là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng bị chi phối, nội dung của hoang tưởng liên quan đến các thiết bị hiện đại, ảo giác chủ yếu là ảo thanh.
Về điều trị, hiện nay có nhiều thuốc tốt và ít tác dụng phụ để chữa bệnh này. Việc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt 5-7% số ca mắc bệnh.
Một tỷ lệ lên đến 93-95% bệnh nhân còn lại gần như mắc bệnh suốt đời, nhưng trong số này nếu bệnh nhân được điều trị tốt thì 60-70% sống gần như bình thường, không ai biết họ có bệnh.
Yếu tố để bệnh nhân ổn định bệnh tốt nhất là chính người bệnh nhận thức được bệnh của mình.
Bác sĩ Phương cho biết ngoài việc điều trị bằng thuốc, yếu tố gia đình rất quan trọng trong việc chăm sóc, nhắc nhở bệnh nhân tự giác uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.