Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh

Viêm não Nhật Bản thường xảy ra ở mùa hè, đặc biệt ở vùng chăn nuôi nhiều lợn. Cho đến nay lợn là trung gian truyền vi rút viêm não cho con người.

Tỷ lệ tử vong do bệnh này cao hơn các bệnh khác, để lại di chứng nặng nề.

Bệnh viêm não Nhật Bản đang diễn biến tăng tốc vào mùa hè, đặc biệt là dịp tháng 6, 7 trời nắng nóng và mưa nhiều. Trước tình tình đó, PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có cuộc trao đổi giải thích với người dân về căn bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm, không có thuốc đặc trị.

Thưa ông, người dân đang hoang mang, lo lắng vì bệnh viêm não Nhật Bản. Ở Việt Nam bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện từ khi nào và lưu hành ở những vùng nào? 

PGS, TS Trần Đắc Phu: Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.

Các ổ dịch viêm não Nhật Bản tập trung phần lớn ở những vùng trồng lúa nước và chăn nuôi lợn. Xin ông cho biết nguồn truyền nhiễm của bệnh viêm não Nhật Bản là gì?

PGS, TS Trần Đắc Phu : Động vật nhiễm vi rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản cho người.

- Nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim và một số loài bò sát.

- Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm vi rút và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của vi rút.

Vì sao loài lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất?

PGS, TS Trần Đắc Phu : Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì:

- Tỷ lệ lợn bị nhiễm virút viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).

- Sự xuất hiện vi rút viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm vi rút. Thời gian nhiễm virút huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virút viêm não Nhật Bản trong máu rất cao, đủ để gây nhiễm cho muỗi để từ đó truyền bệnh cho người.

Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Vậy bệnh viêm não Nhật Bản được lây truyền như thế nào? Có lây trực tiếp từ người sang người không thưa ông?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản được gọi là véc tơ truyền bệnh.

Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.

Có phải tất cả các loài muỗi đều có thể lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản không? 

PGS, TS Trần Đắc Phu: Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản, tuy nhiên có 2 loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Đây là hai loài muỗi thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên được gọi là muỗi đồng ruộng.

Muỗi thường bay đi hút máu súc vật hoặc máu người vào lúc chập tối; muỗi sinh sản và phát triển nhiều vào mùa hè lúc nắng nóng, mưa nhiều.

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.

Xin ông cho biết những người nào và lứa tuổi bao nhiêu có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản?

PGS TS Trần Đắc Phu: Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước dây và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể lây lan thành dịch. Vậy các biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản như thế nào thưa ông?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất. Ngoài tiêm vắc xin, các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh cho cộng đồng, bao gồm:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.

-  Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối, đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

-  Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vòng tròn đường đi của vi rút gây viêm não Nhật Bản
Vòng tròn đường đi của vi rút gây viêm não Nhật Bản

Người dân lo lắng tiêm phòng có thể gặp tác dụng phụ của vắc xin, ông cho biết vắc xin viêm não Nhật Bản có tác dụng như thế nào? Độ tuổi tiêm thuốc phù hợp?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Cũng như các vắc xin khác khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản có một tỷ lệ nhất định có tác dụng phụ, bao gồm:

Tại chỗ tiêm: có thể bị đau, sưng, đỏ, thường gặp ở 5-10% người được tiêm. Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Ngoài ra có một tỷ lệ vô cùng nhỏ (khoảng 1 /1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc phản vệ) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi :

Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình TCMR.

- Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:

-    Mũi 1: càng sớm càng tốt

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng như thế nào? Trẻ em ở độ tuổi nào được tiêm miễn phí vắc xin phòng viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Vắc xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997, ban đầu ở một số tỉnh, thành phố nguy cơ cao và hàng năm mở rộng dần ra các địa phương khác. Đến năm 2013 đã triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố và năm 2014 triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện nay vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng mới chỉ áp dụng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi là nhóm trẻ có nguy cơ mắc và biến chứng cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại