Đó là thông tin mà Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội mới đưa ra. Theo đó, trẻ em sinh từ ngày 1/1/2011 đến 31/5/2011 sẽ được tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản miễn phí.
Dự kiến, đợt một vào ngày 22-23/6 sẽ tiêm mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên.
Đợt hai vào ngày 29-30/6 tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 và tiêm vét cho các bé còn sót trong đợt 1. Đợt tiêm sẽ được tiến hành tại các trạm y tế xã, phường trên toàn quốc.
Ngoài Hà Nội, 62 tỉnh thành khác cũng sẽ đồng loạt triển khai kế hoạch trên thay vì chỉ tiêm ở khu vực có nguy cơ cao như trước đây.
Theo các chuyên gia, đã số các ca viêm não đều do virus gây nên nhưng để xác định cụ thể do virus nào thì không hề dễ. Ở nước ta, dạng viêm não thường gặp hơn cả là viêm não Nhật Bản.
Ngay cả khi xác định được chủng virus gây bệnh cũng chỉ với virus Herpes mới có thuốc đặc trị. Ngay cả với những trẻ bị viêm não được phát hiện, điều trị muộn có thể để lại biến chứng nặng nề như phù nào, hoại tử, bại não, suy giảm các chức năng hô hấp để lại các di chứng, đặc biệt về thần kinh, liệt vận động, tâm thần, cảm giác…
Vì vậy các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ trong độ tuổi tiêm chủng. Đồng thời phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp thông thường như chế độ dinh dưỡng, đảm bảo tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, với trẻ dưới 5 tuổi, nên tiêm cho trẻ khi được 12-15 tháng tuổi. Mũi 1 lúc 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản thì tiêm ngay càng sớm càng tốt, theo lịch tiêm đủ 3 mũi cơ bản, mũi tiêm nhắc sau 5 năm. Đối với người lớn, nếu chưa từng tiêm thì nên tiêm ngay, theo lịch tiêm 3 mũi cơ bản. Nếu đã tiêm liều cơ bản thì chỉ cần tiêm nhắc 1 mũi.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận 258 trường hợp mắc viên não Nhật Bản và các viêm não khác, trong đó đã có 4 ca tử vong. Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não là: Bệnh nhân thường sốt 1 - 2 ngày rồi có nôn khan, đau đầu. Trẻ nhỏ chưa nói được thường quấy khóc, kém ăn rồi có biểu hiện chậm chạp. Trường hợp nặng có thể co giật, động kinh, sốt cao 39 – 40 độ C. Vì thế, khi có dấu hiệu trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương thần kinh, cần đưa trẻ đi khám ngay.