Cây dâu tằm vốn gắn liền với đời sống nông thôn Việt Nam - nơi có lịch sử trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Nhưng ít ai biết, dâu tằm còn là một cây thuốc với tất cả các bộ phận như cành, lá, vỏ rễ cây dâu, quả dâu... đều có thể sử dụng để chữa bệnh.
Loại cây này rất dễ trồng, chỉ cần bạn đem cắm một đoạn cành xuống đất, giữ cho đất ẩm trong vài tuần, sau vài tháng cây dâu mọc tươi tốt. Vậy là bạn đã có sẵn một tủ thuốc xanh ở ngay trong vườn nhà.
Nếu ở thành phố không có không gian đất trống, bạn có thể trồng cây dâu trong chậu ở ban công. Cây dâu có công dụng rất quý, đặc biệt đối với phụ nữ, có thể sánh ngang với nhiều loại mỹ phẩm đắt tiền.
1. Dược tính:
- Quả dâu, còn gọi là tang thầm, thang thực, tang táo, tang quả, ô thầm, hắc thầm...
Quả dâu có tác dụng tư âm dưỡng huyết, trừ phong (trừ gió độc), an thần tích trí, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng thông tiện, minh nhĩ mục (thính tai sáng mắt) và ô tu phát (làm đen râu tóc).
Đông y sử dụng tang thầm để chữa trị nhiều chứng bệnh như hoa mắt, chóng mặt do âm huyết hư suy, người mệt mỏi, ngực bồn chồn, tim đập dồn loạn nhịp, mất ngủ, hay quên, bí đại tiện, da khô nhiều nếp nhăn, râu tóc bạc sớm...
- Cành dâu (tang chi): Vị đắng, tính bình, vào kinh can. Có tác dụng khứ phong thấp, lợi quan tiết (khớp xương), dùng chữa phong hàn thấp tì, đau nhức, thủy khí, cước khí, chân tay co quắp.
- Vỏ rễ cây dâu (tang bạch bì): Vị ngọt, tính hàn, vào kinh phế, có tác dụng tả phế hành thủy, chỉ thấu bình xuyễn, dùng chữa phế nhiệt sinh ho, ho ra máu, thủy thũng, bụng trướng. Những người phế hư nhưng không hỏa và ho hàn không dùng được.
- Tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu diêu): Có vị ngọt, mặn, tính bình, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng ích thận, cố tinh, dùng chữa di tinh, đái són, đái nhiều lần, kinh nguyệt bế, những người âm hư nhiều hỏa, bàng quang nóng không dùng được.
- Cây ký sinh trên cây dâu (tang ký sinh): Vị đắng, tính bình, vào 2 kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, làm an thai, làm cho xuống sữa. Dùng chữa gân xương đau nhức, động thai, đẻ xong không có sữa, lưng mỏi đau.
2. Trà tang thầm, vị thuốc dùng quanh năm:
Tang thầm là một vị thuốc có rất nhiều công dụng chữa bệnh và làm đẹp cho chị em phụ nữ. Có nhiều cách chế biến tang thầm như ngâm đường lấy nước cốt, nấu cháo tang thầm...
Có một cách để lưu trữ tang thầm dùng quanh năm là làm trà tang thầm.
Cách chế biến như sau:
Chọn những quả dâu đã chín, lành lặn, loại bỏ các tạp chất, dùng nước sạch rửa thật kỹ (chú ý nhẹ tay để tránh dập nát), đem phơi hoặc sấy thật khô rồi đựng trong lọ kín (tốt nhất là lọ sành) để dùng dần.
Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần lấy 10-15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng của trà tang thầm:
- Giải khát, chữa táo bón: Uống 2 ly nước trà tang thầm /ngày có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Với 3 ly nước dâu/ngày hàm lượng vitamin C trong nước dâu sẽ trị căn bệnh táo bón rất hiệu quả.
- Kích thích ăn ngon, ngủ tốt, tăng cường sức khỏe: Uống 1-2 ly nước dâu nhỏ trước khi ăn có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp bữa ăn thêm ngon miệng, sức khỏe được cải thiện.
Sau bữa tối, uống một ly nước dâu sẽ khiến giấc ngủ đến sớm, ngủ say và sâu giấc hơn.
- Chữa chứng nhức mỏi cơ, khớp: Uống đều đặn mỗi ngày ba ly nước dâu vào buổi sáng, trưa và tối sẽ chữa được chứng nhức mỏi cơ, khớp, giúp da dẻ hồng hào, máu huyết lưu thông, kinh nguyệt đều đặn.
Uống liên tục trong 3 tháng sẽ thấy da dẻ hồng hào, máu huyết lưu thông, kinh nguyệt đều đặn...
- Giảm đau họng: 500g dâu rửa sạch và ép thành nước. Dùng nước quả dâu để súc miệng (từ 3 đến 5 ngày) chữa các chứng đau ở miệng, họng.
- Chữa bỏng: Chọn những quả dâu chín tươi, không dập nát, rửa sạch. Ép dâu lấy nước sau đó bôi, rửa, đắp vào vết bỏng.