Cưới vợ nhưng không làm chồng
Anh Nguyễn Đình N, đường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang trong bộ veston xuất hiện ở Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trước sự ngạc nhiên của khá nhiều nhân viên nữ.
N cao 1,8m trông khá điển trai, đĩnh đạc, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, theo sau anh là một phụ nữ khá đẹp. Bề ngoài, trông hai người thật xứng đôi nếu không nhìn vào cặp mắt u sầu của chị vợ.
Nói chuyện với tôi, chị H (vợ anh N) thở dài não nuột: “Bọn em lấy nhau đã 5 năm nhưng vẫn chưa thể có con. Vì ngần đấy thời gian mà “chuyện đó” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà số đếm được này nhiều khi còn “hỏng” giữa chừng.
Bọn em đều là con đầu lòng nên các cụ hai bên gia đình rất mong có cháu bế...”. Nguyên nhân chỉ là do anh N mắc bệnh “lực bất tòng tâm”, thường xuyên trong tình trạng “trên” bảo “dưới” không nghe.
Anh Đặng Thế M, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chống nạng đến Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để chữa căn bệnh khó nói này.
Anh M nói chuyện vui nhưng nước mắt ngược vào trong chát mặn: “Tôi là thằng đàn ông bạc phận, một chân thật thì bị một vụ tai nạn giao thông cướp mất, còn cái “chân kia” thì có cũng như không”.
Tại Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, TS. Lê Vương Văn Vệ, GĐ Trung tâm không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có năng khiếu trong việc tạo không khí khám chữa bệnh vui vẻ, khiến bệnh nhân không ngần ngại khi dốc bầu tâm sự.
Anh M vừa kết thúc câu chuyện của mình, anh Nguyễn Văn Ng, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội tiếp lời: “Tôi nhớ nhất là đêm đầu tiên làm chồng phải ngồi thu lu trên ghế xem phim chưởng vợ thì bấm điện thoại gọi cho đám bạn hồn nhiên buôn chuyện: “Tôi đây, “lão ý” chẳng “làm gì” cả, đang xem chưởng” rồi cười nói chuyện rất vô tư”.
Ngày thứ hai, thứ ba rồi hết tuần, đến cuối tháng, sự hồn nhiên đó bay biến. Làm dâu mà không được làm vợ, nước mắt cô ấy âm thầm chảy.
Tôi thì đau khổ nhưng cứ mùa đông tôi mặc complet, mùa hè sơmi - cà vạt, vợ thì chê ỏng chê eo nhưng bố vợ thì suốt ngày khen: “Thằng này tư cách, đứng đắn”.
Những con số giật mình
Theo một nghiên cứu của Viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ, 30 triệu nam giới Mỹ bị RLCD, Tây Âu có 17,5 triệu, khu vực Thái Bình Dương 10,7 triệu, Đông Nam Á 190 triệu.
Tỷ lệ là: Mỹ 18%, châu Âu 17%, Châu Á 14%, Đông Nam Á 10%, Trung Quốc 28% và Việt Nam là 15,7%.
Chỉ tính riêng năm 2005, cả thế giới có 500 triệu nam giới bị RLCD. Nếu tính trên 6 tỷ dân, trừ đi một nửa là nữ giới thì con số 500 triệu thật đáng sợ, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ sinh sản của nhân loại, cũng như vấn đề gia đình toàn cầu sau này.
Anh Mai Xiu, Lục Ngạn - Bắc Giang thì kể câu chuyện ấm ức của mình: “Lấy vợ 10 năm cũng là 10 năm ngày nào tôi phải sắc thuốc uống, nhưng chỉ được đôi ba ngày như ý rồi đâu lại vào đấy.
Tiền làm đến đâu là dồn hết cho “nó”. Lần này, tôi quyết định cắm sổ lương lấy 10 triệu để xuống đây”.
Bệnh nhân có thể bị tâm thần phân liệt
Thường những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này, chỉ sau 7 - 10 ngày chữa trị tích cực là được toại nguyện. Anh Nguyễn Văn Ng hài hước: “Tôi sợ không lâu nữa mình sẽ mất đi hình ảnh đẹp trong mắt bố vợ”.
Anh Mai Xiu cũng cười rằng: “10 năm tôi nhọc lòng nuôi “nó”, bây giờ “nó” mới làm tôi vui”.
Theo giới khoa học, căn bệnh này có tên gọi khoa học là “rối loạn dương cương” (RLCD) là bệnh mang tính xã hội, không gây tử vong, không phải cấp cứu tức thì nhưng nó ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh, có thể dẫn đến chứng trầm uất.
Thậm chí, nỗi mặc cảm bất lực, sợ bị vợ, bạn bè chê cười rất có khả năng dẫn đến bệnh tâm thần phân lập. Sự thật, yếu kém về khả năng tình dục hiện là một trong những thủ phạm nguy hiểm dẫn đến tan vỡ gia đình.
Theo TS. Lê Vương Văn Vệ: Điểm thường thấy ở những bệnh nhân nam bị RLCD là họ luôn muốn che giấu khiếm khuyết ngay cả với vợ... Chỉ khi một mình đối diện thầy thuốc, nỗi niềm mới được bày tỏ.
Không ít bệnh nhân đến khám kể, họ đang li thân hay đã ly hôn, do bản thân xấu hổ hoặc người phụ nữ không chịu được cảnh lấy chồng đã mấy năm mà vẫn... là trinh nữ!!!
Thậm chí, có bệnh nhân trong cơn hoảng loạn đã nghĩ đến cái chết: “Có mỗi nghĩa vụ làm chồng mà không làm được thì sống làm gì?”...
Điều nguy hiểm nữa là nhiều quý ông khi mắc phải căn bệnh tế nhị này, không muốn “phơi bày sự thật”, xuất hiện trước đám đông mà âm thầm đi vái lang băm, khiến bệnh nặng thêm. Họ không biết rằng, loại “yếu kém” này có thể điều trị khỏi hẳn bằng Tây y.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến RLCD. Muốn điều trị hiệu quả phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, vì hiện không có một loại thuốc nào điều trị được tất cả các loại RLCD.
Theo GS, TS. Trần Quán Anh, nguyên nhân chính gây RLCD là do nội tiết tố, thần kinh, tâm thần (công việc căng thẳng, bị stress), hệ thống mạch máu (động, tĩnh mạch) “cậu nhỏ” và nguyên nhân biến dạng hình thể “cậu nhỏ”.
Bên cạnh đó, RLCD còn liên quan đến hoá chất và các loại thuốc sử dụng. Những người nghiện rượu, thuốc lá là đối tượng rất dễ bị RLCD vì chất nicotin, ethylic gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và ngoại vi.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Từ năm 2002, chỉ qua mách nhau rồi đến khám nhưng số người “có vấn đề” ở Việt Nam tìm đến BV Việt Đức, khoa tiết niệu - Bệnh viện Xanhpôn, Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội ngày càng tăng.
Theo GS, TS. Trần Quán Anh, GĐ Trung Nam học, Bệnh viện Việt Đức: Từ năm 1990-1991, ông đã “đơn thương độc mã” mày mò nghiên cứu, khi một người bạn của ông đau khổ đến nhờ vì không thể “hành sự” đã phải ly hôn.
Tận năm 2002, một đơn vị về Nam học mới được phép ra đời trong khoa Tiết niệu, mặc dù số quý ông được các bác sỹ ở BV Việt Đức chữa khỏi đã lên tới hàng nghìn.
Thường xuyên căng thẳng, rất dễ... “ỉu xìu”
Tuổi càng cao, khả năng bị RLCD càng lớn; để càng lâu, bệnh càng khó chữa.
Theo điều tra của Trường đại học Y Hà Nội, trên 764 đàn ông có vợ tại Việt Nam, có đến 10,8% nam giới 18-30 tuổi bị RLCD, từ 40-45 tuổi chiếm 44%, 57% còn lại là ở lứa tuổi trên 60.
Và trong 100 người bị RLCD, 44 người là lao động trí óc, 14 người là cựu chiến binh, 24 người là dân thành phố, công nhân chiếm 14 người và nông dân chỉ có 2 người.
Theo TS. Lê Vương Văn Vệ, RLCD là một bệnh lý biểu hiện dưới dạng: người bệnh không còn ham muốn nên “cậu nhỏ” luôn trong tình trạng ỉu xìu; có ham muốn nhưng không đủ độ; “cậu nhỏ” trỗi dậy không đúng lúc, khi chuẩn bị hành sự lại “ngủ quên” nhưng tự nhiên khi không có đối tác lại “ngóc đầu” dậy; và cuối cùng là “cậu nhỏ” trỗi dậy trong thời gian rất ngắn, khi bắt đầu hành sự thì xỉu hẳn.
Các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, suy thận mãn; quá trình phẫu thuật vùng chậu, xạ trị, gãy xương chậu, chấn thương cột sống, phẫu thuật niệu đạo, cùng với việc sử dụng không hợp lý các loại thuốc lợi tiểu, cao huyết áp, kháng khuẩn, tiêu hoá, các loại nội tiết tố và đặc biệt là các loại thuốc điều trị tâm thần cũng là những nguyên nhân dẫn tới RLCD.
Vì vậy, nam giới cần phải lưu ý để tránh căn bệnh khó nói và rất khó chịu này.