Kỳ 1: Kinh hoàng những nguyên liệu “vài năm vẫn dùng tốt”
Chè thập cẩm là món ngon ngày hè mà bất cứ ai cũng không thể kiềm lòng trước sự ngon ngọt và mát thơm của nó. Những quán chè bình dân mọc lên như nấm ở các khu dân cư, nhất là nơi tập trung nhiều công nhân lao động và sinh viên.
Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), các quán chè nằm san sát, lúc nào cũng chật ních thực khách ở rất nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó, nhiều nhất là học sinh, sinh viên.
Từ cốc chè thập cẩm giá rẻ
Để mục sở thị những nguyên liệu và cách chế biến món chè thập cẩm giá rẻ tại các chợ sinh viên, những khu tập trung nhiều lao động, chúng tôi đã vào vai một người có ý định mở quán chè và nhận ra những sự thật kinh hoàng sau những cốc chè giá rẻ.
Những bát tô lớn đựng đậu xanh, đậu đen, trân châu, thạch dừa với đủ màu sắc sặc sỡ bắt mắt, được người chủ quán thoăn thoắt tay múc múc, đảo đảo, miệng không ngừng cười nói phục vụ “thượng đế”.
Bắt chuyện với một người bán chè thập cẩm trong khu chợ Nhà Xanh khi quán đã vãn khách, PV không khỏi ngạc nhiên trước những điều được chia sẻ.
Chị N.T.T mở quán chè được hơn 2 năm. Vào mùa hè, cửa hàng của chị mở cửa từ 8h sáng đến 23h tối. Khách hàng chủ yếu là sinh viên các trường lân cận trong khu vực quận Cầu Giấy.
Khi được hỏi cách nấu những món chè ngon miệng, đẹp mắt mà PV vừa được thưởng thức, chị T tỏ ra khá dè dặt.
Chị cho biết, nguyên liệu nấu chè chủ yếu là các loại đậu, thạch, trân châu, ngoài ra còn có các loại khác được nấu từ ngô non và dừa.
Khi PV tỏ ý thắc mắc tại sao chè có nhiều nguyên liệu đến vậy mà giá rất rẻ (10.000 - 15.000 đồng/cốc tùy loại), chị T nói: “Vì bán hàng cho sinh viên nên phải đảm bảo được giá cả, đắt quá không có người ăn, mà rẻ quá thì lỗ vốn”.
Khi PV bày tỏ ý định muốn mở quán chè ở khu trọ sinh viên nằm trong khu vực Mỹ Đình, chị T đã “vẽ đường”cho PV nơi nhập hàng đường, đậu và tất cả các loại “thập cẩm” có giá rẻ.
Chị cho biết, những nguyên liệu làm chè thập cẩm được chị nhập từ phố Hàng Khoai và chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), còn đường nấu chè được nhập từ một người bán hàng khô ngay tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy).
Muốn nhanh, cho bột “ninh nhừ”
Tìm đến chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu (Xuân Thủy, Cầu Giấy) nơi tập trung hầu hết những mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, thịt các loại, gia vị, các loại ngũ cốc, đồ khô..., chúng tôi thấy, những thực phẩm ở đây được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các chợ khác, các mặt hàng cũng đa dạng và phong phú hơn.
Tại kiốt bán đồ khô của anh N.V.A - địa chỉ mà chị T (ở chợ Xanh) giới thiệu, PV nhanh chóng được anh A bày vẽ một cách nhiệt tình.
Anh A là đại lí phân phối đường cho rất nhiều quán chè trên khu vực Pháo Đài Láng, Xuân Thủy, Cầu Giấy.
PV tỏ ý thắc mắc, tại sao khi nấu chè đậu, mặc dù được hầm với thời gian khá đáng kể nhưng đậu vẫn còn nguyên hạt, lại có hiện tượng bị sống sượng chứ không nhừ bở như mong muốn.
Anh A tỏ ra sành sỏi: “Đấy là bởi em nấu bằng đậu cũ, càng ninh càng cứng chứ không bở, nếu muốn ngon em có thể nấu bằng đậu mới, thứ đậu đó có thời gian ninh hầm ngắn hơn mà hạt đậu vừa thơm, nhừ mà không nát”.
Nghe PV chia sẻ rằng, do đã mua quá nhiều loại đậu cũ, không thể vứt đi bởi giá rẻ hơn đậu mới nhiều thì anh A đã chỉ cho cách khắc phục là: Cho một ít “bột chì” vào, đậu nhừ rất nhanh.
Nhưng anh cũng dặn kỹ: “Nhiều nơi bán chè thập cẩm cũng thường dùng cách này.
Nhưng nếu làm cho sinh viên, tốt nhất em đừng cho thứ bột đó vào bởi nó rất độc, khi ninh đậu có bột chì, hạt đậu sẽ nhừ nát chứ không còn nguyên hạt, không đẹp mắt, bán hàng cho khách cũng khó khăn hơn.
Đấy là anh nói thật, thà nấu bằng đỗ mới còn hơn cho bột chì”.
PV ngỏ ý muốn được mục sở thị thứ gọi là “bột chì” khi cho vào chè, anh A cho hay, anh không bán loại bột đấy bởi nó rất độc, không chỉ cho người ăn mà người bán cũng bị ảnh hưởng không kém.
Anh A giới thiệu cho PV một vài địa chỉ khác có thể dễ dàng mua được những nguyên liệu rẻ tiền cho món chè thập cẩm.
Được biết, hầu hết các chợ thực phẩm lớn trên địa bàn Hà Nội đều bày bán những nguyên liệu này và có thể mua được một cách dễ dàng.
Tiếp tục hỏi thăm một kiốt bán hàng khô ở chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu về thứ bột ninh nhừ đậu trong một thời gian ngắn, chị H cho hay:
“Chị có bán thứ bột đấy, người ta còn gọi là bột soda, ninh nhừ đậu, xương, nhất là những người bán hàng phở, cháo, muốn ninh nhừ nhanh chỉ cần cho bột này vào là xong…”.
Nói rồi, chị với tay lên quầy hàng của mình lấy một cái lọ màu xanh, có in hình chữ nước ngoài, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng. Khi PV hỏi xuất xứ của loại bột ở đâu, chị trả lời ngay:
“Nó là hàng tàu ấy mà em…?!” Thắc mắc tại sao hàng tàu mà lại có chữ nước ngoài, chị H giải thích: “Thế chắc là nhập khẩu nước ngoài em ạ…?!.
Chính người bán hàng còn không biết nguồn hàng mình bán được nhập từ đâu thì liệu chất bột này có được coi là an toàn khi sử dụng?
Theo quan sát của PV, vỏ hộp mà người bán hàng đưa có màu xanh, nhìn trông rất đơn giản, nắp không hề có niêm phong hay tem nhãn, chỉ cần cậy nhẹ là bật ra. Bên trong có một thứ bột màu trắng, khá mịn và không có mùi.
Thạch chế biến sẵn vài năm vẫn dùng tốt
Là một trong 3 khu chợ ẩm thực độc đáo nhất Hà Nội, chợ Nghĩa Tân (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) tập trung rất đông những quán hàng ăn vặt như chè, cháo, thịt xiên, bánh giò, bánh mì chảo, tào phớ…
Tìm hiểu một số gian hàng khô bày bán những nguyên liệu làm chè thập cẩm, PV bất ngờ khi tất cả những nguyên liệu đều không có bao bì, nhãn mác rõ ràng và hơn hết là người bán hàng còn chẳng biết những nguyên liệu ấy được nhập về từ đâu?
Gian hàng của bà N.T.D nằm ngay đầu chợ - một vị trí rất đắc địa để bán hàng - bày bán rất nhiều loại hàng khô đa dạng, phong phú và là một trong những kiốt lớn nhất ở chợ.
Thạch khô mà bà D đưa ra cho chúng tôi có 2 loại, một là thạch khô răng cưa, thứ nữa là thạch khô 3 màu. Theo bà D, những loại thạch khô này được làm từ bột sắn phơi khô.
Để chế biến, phải ngâm thạch vào nước cho đến khi miếng thạch mềm đi, nở ra. Sau đó luộc lên với một lượng nước vừa đủ để miếng thạch nở to ra, ăn sẽ có độ dai.
Với trân châu khô, bà D cũng khuyên nên làm giống với thạch khô. Miếng trân châu sau khi được luộc lên ăn có độ dẻo, giòn và đặc biệt là rất ngon.
“Thạch này được làm từ bột sắn, phơi khô, mỗi lần chỉ lấy độ mấy cân thôi, khi nở ra thì được nhiều lắm”, bà D cho hay.
Nhìn những miếng thạch khô có màu sắc sặc sỡ, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ về những nguyên liệu nấu chè thập cẩm này.
Thạch khô và trân châu khô mà bà D giới thiệu có giá rất rẻ, chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/lạng. Túi đựng thạch và trân châu không có giấy tờ hay tem nhãn.
Thắc mắc về điều này, chính bà D cũng không biết chúng được sản xuất từ đâu, chỉ biết rằng có người đến nhập hàng, còn nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc của những thứ được bày bán chính bà cũng “mờ tịt”.
Lấy cớ chỉ cần một ít về làm thử, PV mua một ít các nguyên liệu “sặc sỡ” ấy để tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ và thành phần của chúng.
Bà D còn cho hay, những nguyên liệu này để chẳng bao giờ hỏng, thế nên nếu có lấy để bán chè, nên lấy nhiều một, chút bán mùa này không hết thì để đến… mùa sau bán cũng rất vô tư...
Kỳ sau: Bát nháo những nguyên liệu thạch khô đốt cháy như nhựa không rõ nguồn gốc trong chè thập cẩm