Theo GS D. Maxwell Parkin - Đại học Oxfoxd (Vương quốc Anh), một chuyên gia hàng đầu về ung thư trên thế giới - ung thư đang là gánh nặng toàn cầu. Sự tấn công mạnh mẽ của căn bệnh này với nhiều nguyên nhân khác nhau thực sự là áp lực đối với những nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều báo cáo về ung thư khiến người ta không khỏi giật mình.
Các ca ung thư tử vong chủ yếu ở các nước nghèo
Theo báo cáo của các chuyên gia ung thư, mỗi năm trên thế giới có tới 12,7 triệu ca mắc ung thư mới được phát hiện và 7,6 triệu bệnh nhân này tử vong. Điều đáng nói là 2/3 số ca tử vong tập trung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đứng đầu danh sách mắc/tử vong lần lượt là ung thư phổi, vú, đại tràng...
Nhận định về hiện trạng này, GS D.Maxwell Parkin cho rằng, vấn đề môi trường sống ô nhiễm, ô nhiễm nguồn nước, thức ăn... đang là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng ung thư ở các quốc gia kể trên. Nhiều khu công nghiệp được xây dựng nhưng không được kiểm soát chặt chẽ về nguồn khí thải, nước thải. Các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng vô tội vạ trong trồng trọt. Nhiều thói quen trong sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu... ngày càng gia tăng ngay cả ở lớp trẻ.
Những hạn chế về mặt truyền thông, tiếp cận thông tin đã khiến người dân không có những hiểu biết cần thiết về đầy đủ về căn bệnh ung thư. Người bệnh thường đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn, làm cho hiệu quả điều trị rất hạn chế.
Một thực tế mà các nhà chuyên môn cũng nhấn mạnh đó là hệ thống y tế để kiểm soát và điều trị ung thư ở các nước đang phát triển còn nhiều hạn chế. Trên thực tế 50% bệnh nhân ung thư có thể được cứu sống bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác, nhưng điều đó thật không dễ dàng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Các nước có thu nhập cao chiếm khoảng 15% dân số thế giới nhưng lại có tới 80% các thiết bị tiên tiến điều trị ung thư, điều này cho thấy cần phải tăng chi phí để nâng cao năng lực điều trị ung thư ở các nước nghèo là vô cùng cần thiết.
Thuốc lá gây ung thư ở cả những bộ phận không có chức năng hô hấp
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Ung thư Hoa Kỳ, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 21,6 % trường hợp ung thư. Hơn 70% người bệnh ung thư có ít nhiều liên quan đến thuốc lá (kể cả người đang hút, ngừng hút và sống chung với môi trường có khói thuốc lá).
Không chỉ có các bộ phận hô hấp bị ung thư như phổi, vòm họng mà các cơ quan tưởng chừng không liên quan cũng bị ung thư vì thuốc lá. Mới đây nhất, người ta thấy rằng ảnh hưởng của thuốc lá có tác động mạnh mẽ đến ung thư đại trực tràng và ung thư cổ tử cung. Hơn 30% các ca ung thư cổ tử cung được chứng minh có liên quan đến thuốc lá.
Mặc dù đây là nguyên nhân khủng khiếp nhất của ung thư, song theo các nhà chuyên môn đây lại là yếu tố dễ dàng loại bỏ nhất nếu tự mỗi con người ý thức được tác hại của thuốc lá đối với chính mình và cộng đồng mà từ bỏ nó.
Khám vú để phát hiện ung thư vú.
Các bệnh lây nhiễm đang là yếu tố quan trọng gây ung thư
GS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ung thư được xếp ở nhóm bệnh không lây nhiễm nhưng trên thực tế các bệnh lây nhiễm lại đang thuộc những tác nhân hàng đầu gây ung thư.
Căn bệnh loét dạ dày có nguyên nhân phần lớn từ vi khuẩn HP, sự tấn công âm thầm dai dẳng của vi khuẩn này qua thời gian đã làm gia tăng nhiều trường hợp ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, virut HPV đang là lý do hàng đầu gây ung thư cổ tử cung. Đây là loại ung thư rất phổ biến ở Việt Nam, các týp 16 và 18 là những týp gây ra tới 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Tỉ lệ nhiễm HPV ở Hà Nội 6,13% và thành phố Hồ Chí Minh là 8,27%. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình và sử dụng thuốc tránh thai trên 2 năm là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ lây lan của virut này.
Theo GS D.Maxwell Parkin, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virut viêm gan B cao nhất thế giới (khoảng 15- 20% dân số), đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng rất nghiêm trọng, bởi virut viêm gan B, C là những nguyên nhân gây ra xơ gan, ung thư gan sau này. Sự lây nhiễm qua đường truyền máu, tình dục và đặc biệt là từ mẹ sang con đang làm gia tăng các bệnh viêm gan do virut ở nước ta.
Còn nhiều hiểu biết sai lầm về ung thư
GS. Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam cho hay, mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng thì vẫn có nhiều cơ hội tốt cho người bệnh ung thư, thậm chí là chữa khỏi. Tuy nhiên khó khăn của việc kiểm soát và điều trị căn bệnh này không chỉ về phía năng lực y tế mà nhận thức của cộng đồng về bệnh còn có nhiều hạn chế.
Trong một nghiên cứu khảo sát về kiến thức và thực hành phòng chống ung thư của GS. Đức và cộng sự cho thấy, chỉ có 35% số người được hỏi có hiểu biết đúng về ung thư. Trong khi đó có tới 67,2% số người cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm hay muộn cũng không thể chữa trị được và 35,8% cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn và chóng chết. Hàng nghìn người được phỏng vấn cho biết, họ chưa từng bao giờ nghe nói về tự khám vú để phát hiện sớm ung thư vú. Trong khi đây là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi. Thông tin về biện pháp đơn giản, thiết thực nhất để phát hiện sớm là tự khám vú vẫn chưa đến được với số đông người dân.
Tại nhiều nước việc xét nghiệm tế bào cổ tử cung được làm định kỳ hằng năm với phụ nữ trên 30 tuổi. Trong khi đó ở Việt Nam còn rất nhiều phụ nữ chưa có kiến thức về phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Các hình thức chế biến thức ăn có nguy cơ gây ung thư cao như dưa muối, cà muối vẫn còn tương đối phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Đây là thói quen ăn uống có từ lâu đời của người dân, do đó cần có các biện pháp tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng hiểu và thay đổi cách chế biến thưc ăn có lợi cho sức khỏe.