Nơi nhiều người khóc được cười trở lại
Bé Đinh Thị Hồng Nh., trú tại thành phố Nam Định bị ung thư túi noãn hoàng nguyên phát từ năm 20 tháng tuổi. Cho đến nay bé đã sống khỏe mạnh gần 10 năm.
Trong suốt thời gian ấy, gia đình bé không bao giờ quên hình ảnh người bác sĩ nhỏ nhắn ngày đêm quan tâm và chăm sóc tới cháu.
Bé Nh. có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi bố mẹ cháu đều bị câm điếc bẩm sinh. Cuộc sống của cháu chỉ nhờ vào ông nội. Bé nhập khoa Nhi, viện K với chẩn đoán u túi noãn hoàng nguyên phát ở trung thất, với khối u rất lớn, di căn cả hai bên phổi gây khó thở.
Tính mạng của cháu bé thời điểm đó rất nguy kịch. Ông nội cháu cho rằng hết đường cứu chữa.
Các bác sĩ đã tư vấn về phác đồ điều trị và thuyết phục ông của bé Nh. Nhưng ông vẫn xin bế cháu về quê trì hoãn điều trị để suy nghĩ thêm.
Những ngày ông cháu của bé Nh. ở quê suy nghĩ cũng là những ngày các y bác sĩ đều ra ngóng, vào trông mong Nh. lên nhập viện điều trị sớm.
Sau 2 tuần về quê suy nghĩ, tình trạng của Nh càng nặng nề hơn. Bé khó thở nhiều hơn, không ăn được, yếu ớt. Ông nội của bé đã bế cháu lên bệnh viện điều trị với niềm hy vọng mong manh.
Trải qua những tháng ngày gian khổ, dù không có tiền nhưng ông vẫn quyết tâm chữa bệnh cho cháu.
Gần một năm gắn bó với bệnh viện, cháu Nh. đã khỏi bệnh và đến nay bé đã hết học lớp 4.
Bác sĩ Hương cho biết từ khi khỏi bệnh, ông nội của cháu Nh. lúc nào cũng muốn bác sĩ nhận cháu là con nuôi còn cháu Nh. lần nào gặp bác sĩ cũng quấn quýt gọi là mẹ.
Ông nội cháu N. đã làm một bài thơ tặng bác sĩ để bày tỏ lòng cảm ơn và công sinh thành ra bé lần thứ hai.
Trường hợp của bé N.Q.C. trú tại Thường Tín, Hà Nội cũng được bác sĩ cứu sống khi ông nội và bố cháu kiên quyết không cho bé đến viện.
Bé C. bị bạch cầu cấp. Khi đó bác sĩ Phạm Thị Việt Hương đã tư vấn cho ông nội của cháu về bệnh tình và phương pháp điều trị.
Do không tin tưởng vào y học hiện đại nên ông nội cháu cho rằng bệnh của cháu C không thể chữa được. Gia đình tuyệt vọng không cho cháu đến viện.
Bác sĩ Hương đã gọi điện thuyết phục mẹ cháu mãi, sau đó mẹ của cháu mới đưa con quay lại viện. Hơn hai năm điều trị tại bệnh viện, mẹ con C. ở viện sống dựa vào tiền từ thiện của các tổ chức và giúp đỡ của các cán bộ y tế trong bệnh viện.
Thật may mắn, bé C. đã lui bệnh hoàn toàn và sống khỏe thêm được 7 năm nữa. Giờ đây, người mẹ trẻ hễ nhắc đến bác sĩ Việt Hương lại cảm động nói: “Bác là ân nhân cứu con cháu”.
Khi bác sĩ đi tìm bệnh nhân
Bác sĩ Hương tâm sự, rất nhiều bệnh nhân biết mình mắc ung thư chỉ muốn về nhà chờ chết và với ung thư nhi cũng thế. Bố mẹ các cháu sợ bệnh không khỏi và điều ai cũng lo lắng về chi phí điều trị.
Hiện nay, trẻ em dưới 6 tuổi được bảo hiểm hỗ trợ 100%, trẻ em là học sinh cũng được bảo hiểm hỗ trợ đến 80%.
Song vẫn có những phụ huynh khi thấy con tiên lượng không tốt đã bế trộm con trốn viện và đánh mất cơ hội được sống sót của trẻ. Nhiều lần bác sĩ Hương phải theo ra tận cổng bảo vệ để thuyết phục bệnh nhân ở lại.
Sau 15 năm gắn bó với khoa Nhi, Bệnh viện K đến nay có rất nhiều bệnh nhân gọi bác sĩ Hương với cái tên âu yếm “mẹ Hương”. Giữa họ không có khoảng cách nào ngăn cản bởi họ chung nhau niềm vui kéo dài và chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân.
Những tình cảm như vậy được chị hết sức trân trọng và coi đó như động lực để tiếp bước trên con đường đây chông gai mà mình đã chọn.
Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.
Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!