Ăn nộm dưa chuột không đúng cách có nguy cơ gây hại cho sức khỏe
Dưa chuột là một loại quả thuộc họ bầu bí, là loại rau quan trọng và được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Đông y, dưa chuột có vị ngọt, mát, hơi có độc, đi vào tỳ vị. Dưa chuột không chỉ là một món ăn ngon mà còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy…
Trong 100g dưa chuột gồm có 95g nước, 0,8g protid, 3g glucid, 0,7g cenluloza, cung cấp được 16 calo.
Trong dưa chuột còn có nhiều loại vitamin và muối khoáng cần thiết cho cơ thể như caroten 0,30mg /100g, vitamin B1 0,03mg, vitamin B2 0,04mg, vitamin PP 0,1mg, vitamin C 5mg, canxi 23mg, phospho 27mg, sắt 1mg.
Những kết quả nghiên cứu gần đây cho biết, nước ép dưa chuột có thể hòa tan acid uric và muối urat nên có tác dụng lợi tiểu, bài sỏi, phòng chống bệnh thấp khớp, thống phong, đồng thời còn là vị thuốc an thần, giảm sốt, chữa một số bệnh ngoài da như nứt nẻ da, tàn nhang, nếp nhăn... nên có giá trị như một loại mỹ phẩm.
Tuy nhiên, nhiều người vì không biết hết đặc tính của nó nên đã vô tình làm mất công dụng của dưa chuột, không những thế còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Những cách ăn dưa chuột sai lầm nhiều người mắc:
Theo thông tin trên Sức khỏe đời sống, những người tỳ vị hư hàn, người thận hư, da lạnh không nên ăn dưa chuột.
Ngoài ra không ăn dưa chuột cùng lạc (đậu phộng) vì rất dễ gây tiêu chảy, nhất là dưa chuột trộn lạc luộc hay rang vàng.
Đây là món ăn nhiều gia đình thường làm để ăn cho đỡ ngán, nhưng kỳ thực có thể khiến bị đau bụng, tiêu chảy.
Những ai có bệnh đau dạ dày, lúc đói không nên ăn dưa chuột khiến cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn.
Không dùng dưa chuột phối hợp với cần tây hay dưa chuột với ớt vì sẽ làm các enzyme trong dưa chuột bị phá hủy vitamin C có trong những loại rau này.
Tuy không gây nguy hại nhiều cho cơ thể, nhưng sẽ làm giảm sự hấp thụ vitamin C của cơ thể. Tương tự, rau cải, mướp đắng, tiêu sọ xanh… không nên ăn cùng với dưa chuột.