Theo Đông y, dưa chuột vị ngọt, mát, hơi có độc; vào tỳ vị. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, miệng khô khát nước, đau sưng họng, phù nề. Xin giới thiệu một số món ăn và cách dùng dưa chuột làm thuốc.
Trị bỏng: dưa chuột 200g, rượu 40 độ 200ml. Rửa sạch, để ráo, thái lát cho vào bình; đổ rượu vào và bịt kín. Khi bị bỏng, lấy nước trong bình bôi vào chỗ bỏng
Chữa ngộ độc: lá dưa chuột tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt cho uống.
Trẻ em có hội chứng lỵ (đau quặn mót nặn, đại tiện nhiều lần nhưng số lượng ít...): dưa chuột non 10 quả nhỏ, cho chấm với mật hoặc ướp mật cho ăn.
Người bị phù thũng toàn thân (bụng trướng, chân tay phù): dưa chuột 1 quả cả cuống, bổ ra, không bỏ hạt, cho thêm một phần giấm, một phần nước, nấu chín, ăn khi đói vào buổi sáng.
Người bị vàng da phù nề: dưa chuột 250g, mã đề tươi (bỏ rễ) 30g. Rửa sạch, thái lát, nấu dạng canh.
Trị viêm họng, đau rát cổ họng, miệng khô, khát nước: quả dưa già (lão hoàng qua) 1 quả, mang tiêu 10 - 20g. Loại bỏ hết hạt trong quả dưa, cho mang tiêu vào, phết cho đều; phơi trong râm cho đến khô. Khi dùng, cắt từng miếng để ngậm.
Hoặc: dưa chuột mới hái, ngày ăn 100-200g, thêm chút đường hoặc muối.
Nhuận tràng, phòng chống u bướu đường tiêu hóa: ăn dưa chuột trong khẩu phần hàng ngày cùng các rau xanh khác.
Ở Ấn Độ, hạt dưa là chất làm mát, thuốc bổ và lợi tiểu; dùng kết hợp với thân rễ chuối tiêu, thân cây thần thông, măng tre, tro của cây vừng và một số dược liệu khác để làm thuốc chữa sỏi đường niệu và tiểu tiện đau.
Ở Indonesia, nước ép quả già trộn với nhục đậu khấu trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Y học dân gian Italia, dùng nước sắc hạt dưa để trị giun sán.... Các kinh nghiệm này nên học tập và ứng dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn nên hạn chế. Người thận hư và da lạnh không nên ăn.