Quan niệm này mang lại nhiều hy vọng cho các bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, khi được hỏi ý kiến về điều này, các chuyên gia ung thư đều phủ nhận.
"Ung thư biết sớm trị lành": Đừng tự điều trị mà bỏ lỡ giai đoạn vàng chữa bệnh
Mới đây, theo chia sẻ của facebooker Trang Lân một người quen bị ung thư cuống phổi, cục u bướu ác tính bác sĩ đã nói chỉ chờ chết.
Nhưng người đó đã tự điều trị bệnh cho mình bằng cách: Không ăn đường, không ăn thịt, cá, cơm, chỉ uống nước xay bằng rau, củ như củ cà rốt, của cải, củ dền, cam, táo …
Sau ba tháng uống liên tục cục bướu to bằng cái chén thu nhỏ lại chỉ còn bằng cái khu chén, sau chín tháng bướu ung thư biến mất. Bây giờ anh ta khoẻ mạnh làm việc và ăn uống bình thường.
GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam.
Thông tin này nhanh chóng được lan rộng, chia sẻ trên cộng đồng mạng. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam - nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì việc điều trị như thế là không đúng khoa học.
Giáo sư Hùng cho biết có rất nhiều bệnh nhân ung thư, sau khi điều trị ở viện hoặc họ bỏ điều trị về nhà điều trị bằng những thứ thuốc quảng cáo trị ung thư. Một thời gian thấy bệnh đỡ, không đau đớn và tưởng bệnh ung thư đã hết.
Nhưng sau đó một thời gian bệnh bùng phát trở lại lúc ấy đã sang giai đoạn nặng mới nhập viện điều trị thì đã quá muộn.
Vị giáo sư đầu ngành về ung thư cho biết đến nay phương pháp điều trị ung thư chính thống được các chuyên gia đầu ngành áp dụng vẫn là phẫu trị, xạ trị, hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích (hay còn gọi là liệu pháp điều chỉnh xáo trộn gel).
Theo Giáo sư Hùng ông luôn khuyên người bệnh "ung thư biết sớm trị lành" tức là luôn luôn lắng nghe thay đổi trong cơ thể để có thể rà tìm được bệnh sớm nhất.
"Ăn cho lành, uống cho sạch": Dinh dưỡng rất cần cho bệnh nhân ung thư
Theo như thông tin lan truyền các tế bào ung thư trưởng thành trong môi trường axit. Một chế độ ăn uống là thịt đỏ có tính axit, tốt nhất là ăn cá, và một chút thịt gà thay vì thịt bò hay thịt heo.
Hơn nữa, thịt chứa kháng sinh, hormon và ký sinh trùng, rất có hại, đặc biệt đối với những người mắc bệnh ung thư. Protein thịt khó tiêu hóa và đòi hỏi nhiều enzym. Thịt không tiêu hóa ở lại và hư hỏng trong cơ thể dẫn tới tạo ra các độc tố nhiều hơn
Về quan niệm ăn thịt bò, thịt lợn tăng môi trường axit làm khối u phát triển giáo sư Hùng cho biết không đúng. Hiện nay, vấn đề dinh dưỡng và các phương pháp đặc trị được xem là liệu pháp toàn diện trong quá trình chữa bệnh.
Quan niệm không ăn thịt bò, thịt lợn, đường sữa sẽ làm tế bào ung thư bị tiêu diệt là sai lầm (Ảnh minh họa: Internet)
Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với người bị bệnh ung thư giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, mau lành vết thương và mau lấy lại sức.
Dinh dưỡng cần đủ 4 nhóm chất đó là chất đạm, chất bột, chất béo, các vitamine và muối khoáng, nước. Người bệnh có thể bổ sung chất đạm bằng cá, thịt gia cầm, thịt nạc, trứng, thức ăn từ sữa, các loại hạt và các loại đậu.
Giáo sư Hùng cho biết không nên ăn quá nhiều thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, thịt cừu vì thịt đỏ còn nhiều chất béo quá cũng không tốt. Bất cứ thực phẩm nào nhiều quá đều không tốt.
Quan điểm của vị chuyên gia này là “ăn cho lành, uống cho sạch”: Ăn lành là ăn nhiều các loại thực vật, rau củ quả, hạt nguyên trạng. Thịt cần thiết cho cơ thể nhưng do thịt chứa nhiều chất béo, lại được chế biến chiên, nướng nhiều không tốt cho cơ thể, dễ sinh u.
Mối liên quan giữa ung thư và đường, sữa
Theo quan niệm, đường là một chất kích thích tế bào ung thư phát triển nuôi dưỡng khối u, các chất nhày trong sữa cũng tương tự.
Về vấn đề này TS Nguyễn Diệu Linh – Khoa khám Bệnh, BV K Trung ương cho biết: Đã có một số xét nghiệm tiến bộ sử dụng các đầu vị phóng xạ gắn với phân tử đường, dùng một máy quét ở đầu dò bên ngoài cơ thể để xem xét độ háo đường của các tế bào ung thư.
Kết quả cho thấy, việc sử dụng đường tinh luyện cũng như các thực phẩm chứa đường (bánh ngọt, sữa, đường tinh luyện) không làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, những bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có mối liên quan chặt chẽ tới việc gia tăng một số bệnh ung thư như ung thư vú.
Nguyên nhân là bởi sự thừa đường trong cơ thể và quá trình chuyển biến được khi insulin không chuyển hóa được sẽ chuyển thành chất nội tiết gia tăng.
Đó cũng chính là lý do vì sao những người thừa cân, béo phì có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn so với những người có chế độ ăn nhiều chất xơ và cân nặng bình thường.