Mới đây, trang Sina Health đã đăng tải câu hỏi của một độc giả nữ đến từ Sơn Đông. Bạn đọc này thắc mắc:
“Tôi năm nay 49 tuổi, bị bệnh cường giáp, dạ dày không thể tiêu hóa thức ăn lạnh. Gần đây, tôi phát hiện ở mắt và mũi có một số nốt ban lấm tấm như hạt gạo.
Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, tôi còn cảm thấy đắng miệng. Tình trạng này đã xuất hiện nửa tháng. Xin hỏi chuyên gia đây có phải là dấu hiệu nguy hiểm hay không?”
Trả lời cho câu hỏi của độc giả trên, ông Thạch Hiển Phương – giám đốc bệnh viện trực thuộc trường Đại học Trung Sơn giải thích: Trung Y cho rằng, người miệng đắng đa phần bị nóng gan và nóng mật.
Ông Thạch cũng cho biết, bệnh cường giáp trạng hay cường tuyến giáp trạng là một bệnh nội tiết. Cuốn “Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận” từng viết: “Chứng cường giáp là do buồn, lo âu, làm khí kết mà thành”.
Khi gặp phải chứng bệnh này, người bệnh thường cảm thấy miệng đắng. Nguyên nhân là bởi khí gan uất kết, lâu ngày hóa nhiệt và xông lên yếu hầu.
Người bị cường giáp lâu ngày dễ gặp phải tình trạng nóng gan, đi kèm với đó là dấu hiệu nóng mật, nóng trong người.
Dễ nổi cáu cũng là dấu hiệu thường bắt gặp ở những người cường giáp. Điều này có thể gây thương tổn cho gan, đồng thời làm giảm khả năng sinh nhiệt ở tỳ vị, khiến người bệnh không thể ăn đồ ăn lạnh.
Không chỉ vậy, bệnh cường giáp là nguyên nhân làm khí gan ứ đọng, khiến máu có xu hướng đông lại. Những vết ban lấm tấm xuất hiện ở mắt và mũi chính là biểu hiện của tình trạng máu lưu thông kém tại các bộ phận này.
Người bệnh mắc chứng cường giáp nên kiêng ăn cay, tránh ăn các món chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ khô nóng, đồ ngọt và thực phẩm nhiều chất béo.
Mặc dù là biểu hiện nổi bật của cường giáp, nhưng đắng miệng cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh về răng miệng khác.
Do đó, các bác sĩ khuyên chúng ta nên tiến hành thăm khám khi bắt gặp các dấu hiệu này để nhận được kết quả chính xác và tiến hành điều trị kịp thời.
*Theo Sina Health