Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đã cảnh báo điều này khi có một bệnh nhân bị liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh dê ở Ninh Bình.
Theo bác sĩ Cấp, về khoa học thì không có bất kỳ lý do gì khiến vi khuẩn liên cầu lợn có thể xuất hiện ở dê. Tuy nhiên, bệnh nhân kể trên lại bị viêm màng não do liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh dê, chứng tỏ đã có tiết canh giả tiết canh dê.
Bác sĩ Cấp cũng cảnh báo thú vui ăn tiết canh, đặc biệt ở các ông thích nhậu, thích bát tiết canh với chén rượu trắng mỗi sáng. “Bình thường mỗi đàn lợn có thể có một vài con mang vi khuẩn liên cầu lợn, khi đàn lợn khỏe mạnh, vi khuẩn này chung sống hòa bình với lợn (nhưng vẫn có thể gây bệnh cho người). Nhưng khi đàn lợn yếu đi hoặc mắc bệnh gì đó như bệnh lợn tai xanh chẳng hạn thì vi khuẩn nhân lên, trở thành tác nhân gây bệnh cho lợn. Ngoài sống ở vùng hầu, họng lợn, vi khuẩn liên cầu lợn có thể xuất hiện cả ở phổi hoặc máu lợn. Người ăn tiết canh hoặc làm nghề giết mổ, vận chuyển thịt lợn có thể nhiễm bệnh” - bác sĩ Cấp cho biết.
Trở lại bệnh nhân ăn tiết canh dê giả kể trên, bác sĩ Cấp cho biết bệnh nhân đã được điều trị lui bệnh viêm màng não và đã được ra viện. Tuy nhiên cách đây hai ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lại tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Thống kê cho thấy có 30-40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn vào viện từ đầu năm là do ăn tiết canh, số còn lại không xác định được nguyên nhân hoặc làm nghề giết mổ, vận chuyển thịt lợn bệnh và nhiễm bệnh do có vết thương hở, vết trầy sướt trên da. Ngoài viêm màng não, bệnh liên cầu lợn còn gây xuất huyết dưới da dữ dội và có nhiều trường hợp phải cắt bỏ ngón tay, ngón chân do hoại tử sau xuất huyết do nhiễm liên cầu lợn.