Mất mạng vì 'thần dược' rao trên mạng

Khánh Ngọc |

Mua thần dược trên mạng, sau một tháng điều trị, chị Th. bị suy gan cấp. Chị được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi được.

Tử vong khi bỏ viện chữa Đông Y

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị suy gan, suy thận vì các bài thuốc được quảng cáo là thần dược.

Trường hợp của chị Lưu Thị Th. trú tại Thường Tín, Hà Nội bị viêm gan siêu vi C. Chị Th. đã được các bác sĩ điều trị tạm ổn. Khi ra viện chị còn được tư vấn chu đáo về loại bệnh này cũng như các nguy cơ của nó.

Nôn nóng với bệnh tật, chị Th. bỏ qua hết dặn dò của bác sĩ và tìm kiếm các bài thuốc chữa bệnh này.

Được bạn bè giới thiệu có thể chữa khỏi bằng đông y, chị Th. vui như bắt được vàng và không ngần ngại đi lấy thuốc về uống. Kết quả sau một tháng điều trị, chị Th. bị suy gan cấp. Chị được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi được.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn H. trú tại Hải Phòng cũng là bệnh nhân đang điều trị tại khoa cấp cứu của bệnh viện này.

Tuy nhiên, ông H. bỏ viện về nhà mua thuốc bột dạng bào chế từ nam dược uống. Kết quả, ông phải vào viện trong tình trạng nguy kịch. Sau 1 tuần cấp cứu tích cực, bệnh nhân đã tử vong.

Trên mạng các trang quảng cáo về công dụng thần dược của nhiều loại thảo dược trong điều trị các bệnh viêm gan A, B, C, xơ gan.

Thậm chí nhiều trang còn khẳng định như đinh đóng cột nếu kiên trì uống thuốc đó có thể khôi phục lại chức năng gan đã xơ trở lại như ban đầu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại khoa cấp cứu thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân từng là bệnh nhân của bệnh viện nhưng do lên mạng tìm các bài thuốc được quảng cáo rầm rộ nên họ đã bỏ bệnh viện về nhà điều trị bằng những bài thuốc kia.

Đến khi bệnh nặng lại quay về viện xin điều trị tiếp.

Đánh giá về các bài thuốc đông y hay cổ truyền được quảng cáo là thần dược, bác sĩ Cấp cho rằng nếu thực sự những thầy lang tìm ra bài thuốc đặc trị mà y học hiện đại bó tay thì các công ty dược sẵn sàng mua các bài thuốc ấy.

Các bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đang cấp cứu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đang cấp cứu cho bệnh nhân.

Nói về việc chữa bệnh từ các bài thuốc trên mạng, bác sĩ Cấp kể, cách đây cả chục năm có một thầy lang tuyên bố chữa được bệnh dại.

Khi ấy bệnh viện có các bệnh nhân bị dại và mời ông thầy lên viện để cùng điều trị. Cuối cùng các bệnh nhân đều tử vong và thầy lang này thì rút khỏi những biệt danh thần y chữa dại…

Không chỉ thể, ở các bệnh viện còn ghi nhận nhiều trường hợp thầy lang hoặc người thân của họ tử vong do chính bài thuốc của mình. Dù trước đó họ quảng cáo có thể chữa được bệnh này, bệnh khác.

Bài học từ bỏ viện điều trị bằng thảo dược

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại bệnh viện của ông cũng có nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư theo các phương pháp hiện đại.

Bệnh nhân cũng nghe trên mạng rồi nghe người này rỉ tai người kia về các bài thuốc cổ truyền và bỏ bệnh viện về uống thuốc. Kết quả chỉ thời gian sau họ nhập viện cấp cứu vì bệnh nặng hơn. 

Bác sĩ Dũng cho biết lúc này các bác sĩ chỉ can thiệp giảm đau cho bệnh nhân vì bệnh nhân đã bỏ qua các giai đoạn điều trị mà trong ung thư các bác sĩ thường gọi đó là giai đoạn “vàng”.

Các bài thuốc hay cây nấm lim xanh có tác dụng hỗ trợ và bản thân của các thảo dược này cũng có thể chứa các độc tố.

Các nhà sản xuất dược phẩm có thể chiết xuất thành phần của nó để làm thuốc và phải sàng lọc các độc tố.

Trong khoa học ung thư, cây dừa cạn đã được công nhận là bài thuốc quý tuy nhiên không phải cứ nấu nước dừa cạn lên uống là điều trị được bệnh mà các nhà khoa học phải lấy cả tấn dừa cạn chiết xuất được thành phần tá dược của nó để đưa vào các thuốc trong điều trị ung thư. Với các bệnh khác cũng thế.

Còn bác sĩ Trần Văn Công, khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương cho biết ông cũng gặp nhiều câu chuyện đau lòng khi bệnh nhi không được cha mẹ cho điều trị ở bệnh viện mà đưa về nhà chữa bằng bài thuốc này, bài thuốc khác.

Một thời gian sau vào viện thì bệnh đã nặng, các phác đồ điều trị đều không áp dụng được. Lúc này, các bác sĩ chỉ còn điều trị giảm đau cho các bé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại