Phổi đen như than
Anh Trần Văn Huy (47 tuổi, Thanh Hóa) bị ho kéo dài, ngực đau... nhưng anh vẫn chủ quan không đi khám bệnh. Đến khi anh Huy ho khạc ra máu thì gia đình mới vội vã đưa lên Bệnh viện Phổi T.Ư để khám.
Chẩn đoán khiến anh và gia đình kinh hãi- u phổi. Anh lại được chuyển sang Bệnh viện K để phẫu thuật. Các bác sĩ cho biết ngoài khối u đã di căn, hai lá phổi của anh Huy cũng đã đen kịt, các chức năng hô hấp đã giảm sút nhiều.
Không cần hỏi các bác sĩ cũng biết, đây là hậu quả của việc anh Huy đã hút thuốc quá nhiều. Anh Huy sẽ phải trải qua quá trình xạ trị kéo dài, tuy nhiên, do u đã di căn nên tiên liệu của các bác sĩ cũng không khả quan.
Lắc đầu đau khổ, anh Huy cho biết anh đã có “thâm niên” hút thuốc hơn 30 năm, từ lúc 13-14 tuổi. Lúc đầu chỉ do bạn bè rủ rê, lại thấy các đàn anh cầm điếu thuốc trong tay, ngửa cổ lên trời rít rất tay chơi, ra dáng đàn ông nên anh Huy liền bắt chước hút một điếu.
Sau đó, lúc nào cần oai phong, tự tin, anh lại hút một điếu. Liều dùng cứ tăng cần. Trước khi phát hiện bệnh, anh Huy hút mỗi ngày 1-2 bao thuốc. Bạn bè toàn gọi vui anh là “bát hương di động”.
Hút nhiều đến mức viêm nha chu, răng lung lay, miệng hôi, vợ con đều ái ngại nhưng không bỏ được. “Tôi lấy vợ muộn nên hai con vẫn đang học cấp 2. Bác sĩ cũng cho biết nếu trị bệnh cũng hết 500-700 triệu đồng mà chưa chắc đã sống.
Nếu tôi có mệnh hệ gì thì ai sẽ lo cho vợ con. Ai mà ngờ chỉ điếu thuốc bé con con mà đã đốt cả đời như vậy” – anh Huy hối hận.
Chẳng hút điếu thuốc nào nhưng chị Đinh Thu Thủy (39 tuổi, Bắc Giang) cũng bị ung thư phổi. Bác sĩ cho biết lá phổi chị cũng như hun bồ hóng lâu ngày.
Chị Thủy nghẹn ngào cho biết, đời chị ghét cay ghét đắng thuốc lá nhưng lại phải sống trong môi trường toàn khói thuốc. Khi còn nhỏ, ông chị, bố chị đều hút thuốc, hết thuốc lá sang thuốc lào, cả nhà luôn khói um.
Đến khi lập gia đình thì chồng chị cũng nghiện thuốc nặng. “Đời tôi đã khổ nhưng đứa con nhỏ biết dựa vào đâu. Có lẽ vì chồng tôi hút thuốc mà cháu thường xuyên bị lên cơn hen, cứ đi viện suốt, chữa khỏi về nhà lại bị.
Nhưng cứ nói thì chồng tôi lại gạt đi, cho rằng anh ta hút thuốc không bị sao, tôi và con mắc bệnh chẳng can cớ gì đến anh ta” – chị Thủy đau lòng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành một thử nghiệm với 400 điếu thuốc cho thấy tác hại của thuốc lá đến lá phổi của con người. Mỗi điếu thuốc có chứa 18mg nhựa (hay còn gọi là hắc ín).
Khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè loãng.
Đến điếu thứ 380 thì nước chuyển thành màu đen đặc như cà phê; sau 400 điếu, nước đen kịt như nước cống. Chưng cất nước này, các nhà khoa học đã thu được 7,2g nhựa, rất dính và đắng.
Như vậy, nếu anh Huy hút 20 điếu thuốc/ngày thì chỉ cần hơn 20 ngày, phổi đã đen kịt, còn 40 điếu thì chỉ cần 10 ngày.
Lá phổi đen kịt ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, khiến sức khỏe con người càng suy yếu, dễ mắc các bệnh về phổi, viêm đường hô hấp cấp, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính…
Phát hiện bệnh muộn
Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K T.Ư cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca ung thư mắc mới và 7.500 ca tử vong.
Trong đó có khoảng 30% các ca ung thư liên quan đến thuốc lá, trong đó nhiều nhất là ung thư phổi.
Đáng nói trong số các bệnh nhân ung thư có nhiều phụ nữ không hút thuốc lá, nhưng hỏi tiền sử thì các chị đều cho biết đã phải sống trong môi trường khói thuốc lá suốt thời gian dài.
Về nhà thì bố hút, chồng hút, anh em trong nhà đều hút, đi làm thì đồng nghiệp cũng suốt ngày “hun khói”. Các chị chính là nạn nhân của những con nghiện mà không thể bắt đền, kiện cáo ai.
Theo TS Thuấn, không giống như các bệnh ngộ độc gây triệu chứng bệnh cấp tính, khói thuốc gây bệnh ung thư âm ỉ trong một thời gian dài. Có bệnh nhân hút thuốc 20-30 năm mới phát bệnh.
Các triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu cũng không rõ nên nhiều người chủ quan, bất cần, cho dù được nhắc nhở về tác hại của thuốc lá nhưng vẫn hút.
Do đó, khi phát hiện ho nhiều, đau ngực, ho ra máu thì bệnh của nhiều người đã ở giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong lớn. Hơn 80% các ca ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn muộn.
Có cứu chữa được cũng phải “trường kỳ” đấu tranh với bệnh tật, chi phí rất lớn. Lúc đó, nhiều bệnh nhân mới hối hận bỏ thuốc thì đã muộn.
Theo các nghiên cứu về tác hại thuốc lá, trong thuốc lá có chứa đến 7.000 chất độc hóa học, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư.
Các chất này rất độc hại như axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)…
Các chất này khi đi vào cơ thể không chỉ gây bệnh ung thư mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ.
TS Thuấn cho biết, càng hút thuốc có lâu (hít phải khói thuốc lâu) thì nguy cơ bị ung thư càng lớn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người hút thuốc trên 10 năm nguy cơ ung thư gấp trên 10 lần người bình thường.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 47,4% nam giới đang hút thuốc lá, 1,4% nữ giới hút thuốc. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà.
Theo các chuyên gia, trẻ em trong gia đình có người hút thuốc sẽ có nguy cơ lên cơn hen cao hơn gấp 2 lần so với gia đình “sạch” khói thuốc. Trẻ hít phải khói thuốc cũng hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, bị cúm…