Thời gian qua, các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc của Bệnh viện (BV) Bạch Mai (TP Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc mật cá trắm do nuốt hoặc uống sống để trị bệnh.
Phần đông là nam giới
Gần đây nhất, vào mùng 3 Tết Giáp Ngọ, một bé trai 14 tuổi từ tỉnh Bắc Ninh được chuyển đến Trung tâm Chống độc vì ngộ độc mật cá trắm. Khi nhập viện, cháu bé trong tình trạng vàng da, mệt lả, đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, tiêu chảy, mất nước. Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan của cháu tăng gần 200 lần so với mức bình thường.
Một ca cấp cứu tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai do ngộ độc mật cá trắm
Thông tin từ gia đình bệnh nhân cho biết người mẹ đã bóc túi mật của cá trắm và hòa với đường trắng cho con uống. Sau khoảng 3 giờ, cháu bé có dấu hiệu ngộ độc, được đưa vào BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh nhưng tiên lượng xấu nên phải chuyển tiếp lên tuyến trên. Sau 2 ngày điều trị tích cực, men gan của cháu bé đã giảm đáng kể, sức khỏe tạm ổn định. Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính ở Trung tâm Chống độc cho biết rất may là cháu bé chỉ bị tổn thương gan, không suy thận.
Trước đó, một bệnh nhân nam (hơn 50 tuổi, ngụ TP Hà Nội) do nghe nói mật cá trắm như “thần dược” nên đã pha mật này vào rượu để uống. Gần 2 giờ sau thì ông nôn nao, choáng váng, vã mồ hôi nên người nhà phải vội vàng đưa đến BV Bạch Mai.
Theo bác sĩ Chính, tháng nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc mật cá trắm. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng. “Có bệnh nhân sau khi được cấp cứu cho biết do nghe người khác nói mật cá trắm chữa được bệnh đường ruột nên lấy nguyên túi mật cho vào miệng nuốt trọn. Một số người khác thì nghe đồn uống mật cá trắm sẽ giúp tăng cường sinh lực nên cũng muốn thử. Thực tế, không ít trường hợp sau khi uống đã bị suy thận, phù phổi, phải lọc máu trong thời gian dài” - bác sĩ Chính lo ngại.
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết mỗi năm, trung tâm này tiếp nhận khoảng 10-20 ca ngộ độc do nuốt mật cá trắm, phần đông là nam giới và có những ca tử vong do nhập viện quá muộn. Bệnh nhân ngộ độc do nuốt mật cá trắm thường có các biểu hiện như: nôn, đau bụng, tụt huyết áp, tiêu chảy, có trường hợp mất nước do tiêu chảy liên tục. Trường hợp nặng thì bệnh nhân phù toàn thân, tổn thương gan, không tiểu được do suy thận cấp, chất độc ứ trong người…, phải lọc máu liên tục nhiều ngày, rất tốn kém nhưng có khi vẫn mất mạng.
Kinh nghiệm chết người
Theo TS Phạm Duệ, nguyên nhân của hầu hết các vụ ngộ độc này là do nhiều người cho rằng ăn sống hoặc uống mật cá trắm sẽ giúp trị bệnh và giúp tăng cường sinh lực nam giới. Thực tế, chưa có căn cứ khoa học nào cho thấy công dụng trị bệnh của mật cá trắm.
“Các loại mật của động vật đều có thể gây độc vì trong thành phần có chứa nhiều độc chất. Trong đó, nguy hiểm là axít mật và các muối mật. Thông thường, trong cơ thể người, mật tiết ra đủ giúp tiêu hóa thức ăn. Việc sử dụng lượng lớn mật với nồng độ đậm đặc rất dễ bị nhiễm độc. Ngoài ra, nếu mật nhiễm vi khuẩn thì việc dùng chúng chính là đưa nguồn bệnh vào cơ thể. Khi nuốt nguyên cả túi mật cá trắm vào cơ thể, có khác gì tự đưa vào người một lượng độc chất có thể gây nguy hiểm tính mạng?” - TS Duệ cảnh báo.
Ngay cả dưới góc độ y học cổ truyền, nhiều lương y cũng khẳng định không có chuyện mật cá trắm sẽ giúp các quý ông “yêu” khỏe hay chống suy nhược cơ thể, giúp da dẻ chị em hồng hào, mịn màng hơn.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền BV Quân y 108, khuyến cáo người uống mật cá trắm pha rượu có thể mất mạng. “Không biết căn cứ vào đâu, người ta truyền nhau kinh nghiệm chết người này. Tự cổ chí kim, không hề có sách thuốc nào nói đến việc uống mật cá trắm tươi để cải thiện sức khỏe, nâng cao sinh lực” - ông băn khoăn.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh trong y học cổ truyền, mật cá trắm chỉ được nhắc đến với công dụng tả nhiệt, làm sáng mắt, chữa mắt sưng đỏ đau, đau họng, lở loét do nhiệt. Cách sử dụng chủ yếu là dùng ngoài (bôi ngoài da, nhỏ, ngậm) với mật đã được sấy khô và thường kết hợp với nhiều thành phần khác.
Tuyệt đối không nuốt sống
Theo lương y Vũ Quốc Trung (TP Hà Nội), trong đông y, một số loại mật của động vật có thể được dùng để làm thuốc chữa bệnh nhưng phải tuân thủ chỉ định, liều lượng và cách chế biến của thầy thuốc với từng trường hợp cụ thể. Người dân tuyệt đối không nuốt sống mật cá trắm, mật cóc, mật nhím… như lời đồn thổi trong dân gian để chữa bệnh.