Phương pháp chữa gãy xương có phần lạ và độc đáo của thầy lang Bùi Văn Thuận (SN 1970) trú tại thôn Niếng (xã Hưng Thi, Lạc Thủy, Hòa Bình) khiến nhiều người vô cùng tò mò.
Lạ và độc đáo bởi thầy Thuận không đắp thuốc trực tiếp vào chỗ xương bị gãy mà cách xa cả gang tay. Để tìm rõ thực hư, phóng viên đã tìm về thôn Niếng để “mục sở thị” cách chữa bệnh kỳ lạ của lang y miền sơn cước này.
Bó thuốc cách vết thương cả gang tay
Trong chuyến công tác tại Hòa Bình vừa qua, chúng tôi nghe người dân nơi đây bàn tán về một thầy lang sử dụng phương pháp chữa gãy xương rất kỳ lạ. Tuy không treo biển khám chữa bệnh hay quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào, thầy lang này vẫn nhận được nhiều sự tin tưởng của người bệnh.
Anh Thuận chỉ cho PV một số vị thuốc trong bài thuốc gia truyền được anh trồng tại vườn nhà
Tiếp chúng tôi, anh Thuận vui vẻ nhớ lại quãng thời gian hành nghề chữa bệnh cứu người: “ Gia đình tôi làm nghề thuốc đã nhiều đời. Tôi là truyền nhân đời thứ 3 của bài thuốc chữa xương này, trước đó là ông nội và cha tôi.
Tuy nhiên, chỉ ai biết thì tìm đến thôi chứ chúng tôi không giới thiệu hay quảng cáo rộng rãi. Trong xã hễ người nào không may bị gãy xương chân, tay, vai… mà chưa kịp hoặc không có điều kiện đến bệnh viện, họ lại đến đây nhờ chúng tôi giúp.
Cứ thế, mọi người quanh vùng ngày càng tìm đến nhiều hơn. Làm cái nghề này không biết thì thôi, đã biết mà thấy người bệnh không cứu thì bài thuốc cũng chẳng mấy mà không còn tác dụng. Sở dĩ mọi người hiếu kỳ vì bài thuốc gia truyền của gia đình tôi không bó trực tiếp vào vùng xương bị gãy mà lại bó phía trên vết thương một đoạn cả gang tay”.
Thấy chúng tôi chưa hiểu lắm, anh Thuận giải thích tiếp: “Bài thuốc chữa gãy xương của gia đình tôi tuy có phần lạ lùng nhưng thực sự rất hiệu quả.
Tôi cũng không biết phương pháp này có từ bao giờ, chỉ biết thực hiện đúng theo những gì cha tôi truyền lại. Đó là giã thuốc ra rồi bó cách xa vết thương cả gang tay, bởi nếu bó càng gần bệnh nhân càng có cảm giác đau nhức.
Đặc biệt, nếu gãy xương vai thì không cần đắp thuốc trên cơ thể. Chỉ cần lấy lá của các cây thuốc đem giã nhỏ rồi buộc lại treo lên đầu giường, cách đầu bệnh nhân tầm 20-30 cm. Ban đầu, ai đến cũng bày tỏ sự ngạc nhiên đến nghi ngờ.
Nhưng những bệnh nhân sau khi được tôi chữa khỏi lại giới thiệu người không may gãy xương tìm đến. Không chỉ bệnh nhân, nhiều lang y ở các tỉnh thành khác khi hay tin tôi nắm giữ bài thuốc chữa gãy xương đặc biệt này cũng tới để chứng kiến tận mắt và học hỏi.
Nhưng dù tôi nhiệt tình chỉ dẫn và họ đã rất cố gắng nhưng không ai thành công bởi phương pháp chữa gãy xương này kén chọn người truyền thụ lắm”.
Giải thích về cơ chế làm lành xương khi đắp thuốc cách vết thương cả gang tay, anh Thuận cho rằng, các loại lá thuốc sau khi được giã nát sẽ truyền ra một loại hơi khí đến chỗ đau, giúp vết thương mau lành hơn.
“Ưu điểm của bài thuốc bó xương này là thời gian phục hồi rất nhanh. Vì không phải đắp thuốc trực tiếp lên vết thương nên người bệnh sẽ không cảm thấy đau rát, cũng không phải vất vả trong khi thay thuốc. Nếu gãy tay thì chỉ 4 ngày sau là hết đau. Trẻ em 12 ngày là có thể hoạt động trở lại gần như bình thường, người lớn thì cần nhiều thời gian hơn, từ 15-20 ngày. Nếu gãy chân thì cần hơn một tháng để xương lành lại”, anh Thuận cho hay.
Về thành phần bài thuốc, anh Thuận cho biết: “Nó gồm hơn 10 vị, trong đó có một số cây chúng tôi gọi theo tiếng dân tộc như: bóng hôi, cỏ măng, cỏ xước, cỏ sáp… Những thảo dược này tôi đều lấy trên rừng về trồng xung quanh nhà để tiện bề sử dụng”.
Bài thuốc nổi tiếng
Theo lang y Thuận, phương pháp chữa gãy xương gia truyền của gia đình anh không chỉ hiệu nghiệm với các bệnh nhân gãy xương chân, tay. Với các ca vỡ xương chậu, xương bả vai, xương cổ... nó cũng có tác dụng chỉ trong thời gian ngắn.
Anh Thuận chia sẻ về phương pháp nối xương lạ lùng của mình.
Thấy phóng viên vẫn bày tỏ sự ngạc nhiên về phương pháp chữa bệnh đặc biệt của mình, anh Thuận liền dẫn chúng tôi sang nhà bà Bùi Văn Hòa, người cùng thôn vừa được anh giúp nối xương đùi. Bà Hòa chứng nhận: “Cách đây hơn một tháng khi cố trèo lên cây lấy cành củi khô, tôi bị ngã và gãy xương đùi. Vì trong thôn ai bị gãy xương cùng tìm đến nhà chú Thuận nhờ chữa giúp nên cũng nghĩ ngay đến chú ấy khi bị ngã. Phương pháp của chú Thuận quả thật là rất kỳ lạ nhưng với người dân trong thôn thì nó lại trở nên bình thường rồi. Tôi bị gãy ở giữa đùi nhưng thuốc lại đắp dưới đầu gối. Đến nay tôi đã đi lại bình thường được rồi”.
Rời nhà bà Hòa, chúng tôi tìm tới nhà ông Bùi Văn Khiên (61 tuổi) ở xóm Mới (xã Sào Báy, Lạc Thủy) – một bệnh nhân từng được anh Thuận bó xương. Ông Khiên kể: “Trong một lần sửa lại đống rơm, tôi chẳng may bị ngã từ trên xuống gãy xương vai. Anh Thuận giã thuốc, ngoài bó trực tiếp trên cơ thể, cách vết thương tầm một gang tay thì một số vị gói lại, treo lên xà nhà cách vai tôi hơn 20 cm, mỗi ngày thay một lần. Thật lạ lùng là sau hơn một tháng, tôi thấy vết thương đã gần lành hẳn. Nhiều người mới nghe về phương pháp nối xương của anh Thuận thường không tin, còn nói là lang băm, sử dụng tà thuật. Lúc đầu tôi cũng “bán tín bán nghi” nhưng chỉ thực sự trải qua mới chứng thực được.
Các vị thuốc khi giã nát treo lên xà nhà thường tỏa mùi vị đậm đặc. Theo tôi hiểu thì có lẽ đó chính là con đường để thuốc ngấm vào cơ thể, làm lành vết thương”.
Hơn 20 năm chữa gãy xương, lang y Thuận cho biết anh chưa bó tay trước một bệnh nhân nào. Anh cũng không nhớ mình đã chữa cho bao nhiêu người, chỉ biết rằng cuốn sổ ghi chép tên tuổi, số điện thoại người bệnh đã dày cộm.
Tuy nổi tiếng như vậy nhưng hầu như anh Thuận không bao giờ đòi hỏi người bệnh tiền công. Bệnh nhân chữa khỏi biếu anh cái gì thì anh nhận cái đó, tuyệt nhiên không bao giờ đề cập đến vấn đề giá cả. Vì thế, nhiều người còn bảo anh là “khùng”, là “khác người”.
Về điều này, anh Thuận chia sẻ: “Mình có được bài thuốc gia truyền tốt, có thể giúp được người dân là mừng rồi. Bao đời nay, gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mang bài thuốc của mình ra bán lại công thức hay mở mang kinh doanh . Riêng với tôi, chữa khỏi bệnh cho ai đó là một thành quả rồi. Nó làm cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn”.
Một vị thuốc trong bài thuốc gia truyền của anh Thuận.
Về phương pháp chữa bệnh kỳ lạ của anh Thuận, ông Bùi Văn Dư - trưởng thôn Niếng cho biết: “Bài thuốc cũng như phương pháp chữa bệnh của gia đình anh Thuận đã nổi tiếng quanh vùng nhiều năm nay. Nhiều người tò mò về cách chữa lạ lùng này nhưng trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị gãy xương được anh Thuận chữa trị đã phục hồi lại bình thường. Hầu như trong thôn, ai không có điều kiện đi bệnh viện đều tìm đến anh Thuận nhờ bó xương. Từ trước đến nay chưa có trường hợp nào đến thôn thắc mắc hay tố cáo về phương pháp chữa bệnh của lang y này”.
Vẫn nên đến cơ sở y tế để chữa trị Khi các bệnh nhân đến nhờ chữa trị, anh Thuận vẫn khuyên họ nếu có điều kiện nên đến các cơ sở y tế để được chữa trị bằng công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ . Bởi vì với y học hiện đại thì các các gãy xương, y tế hiện đại không mấy khó khăn để chữa trị dứt điểm. Bản thân anh khi bó xương cũng thường xem qua ảnh chụp phim ">phim X-quang của bệnh nhân (nếu có) xác định chỗ gãy để chọn điểm đắp thuốc phù hợp.
Hơn nữa, có một điều điều đặc khác trong bài thuốc chữa gãy xương gia truyền của anh Thuận là trong quá trình điều trị bằng những loài thảo dược trên, người bệnh không được dùng thêm thuốc Tây. Nếu dùng kết hợp hiệu quả sẽ không tốt, thậm chí chúng còn kháng nhau ảnh hưởng đến vết thương.
Ngoài ra, người bệnh buộc phải kiêng các thực phẩm như cá mè, mẻ, cơm nếp… Nếu bệnh nhân ăn những thực phẩm này khi đang chữa trị thì vết thương sẽ sưng lên và rất lâu khỏi.