Nguyên nhân tổn hại gan
Gan được ví như một nhà máy lọc và tinh chế với vai trò chính yếu trong việc loại bỏ ra khỏi máu các sản phẩm độc hại sinh ra từ ruột hay nội sinh (do cơ thể tạo ra).
Đồng thời, gan chuyển đổi chúng thành những chất mà cơ thể có thể loại bỏ dễ dàng.
Bên cạnh đó, gan cũng tạo ra mật, một chất dịch màu nâu hơi xanh lục cần thiết cho sự tiêu hóa (đặc biệt là tiêu hóa các loại lipid, dầu mỡ).
Gan quan trọng là thế, nhưng đôi khi con người lại không biết cách bảo vệ nó. Trên thực tế, còn một số quan niệm sai lầm cho rằng, chỉ có bia rượu mới gây nguy hại cho gan.
Vậy nhưng, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bia rượu và thuốc lá mới chỉ là nguyên nhân nguy hại đứng thứ hai gây nhiễm bệnh cho gan.
Nguyên nhân hàng đầu là do các tác nhân bên ngoài, trong đó, đầu tiên phải kể đến là do siêu vi trùng hay do các virus gây viêm gan như: A, B, C, D, E…
Thường gặp và nguy hiểm nhất là viêm gan B do virus HBV gây ra, đây là một "sát thủ thầm lặng" vì đa số những người bị nhiễm viêm gan B không biết là mình bị nhiễm và có thể vô tình lây lan qua nhiều người bằng nhiều đường khác nhau.
Ngoài ra, gan cũng có thể bị “đầu độc” bởi các loại thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh khác nhau như: lao, viêm… hay do sử dụng các loại thực phẩm không an toàn.
Bởi gan thực hiện nhiều chức năng cần thiết liên quan đến quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, miễn dịch và lưu trữ các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Do đó, sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn gốc không rõ ràng, chứa nhiều hóa chất độc hại, thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh... là nguyên nhân “thầm lặng” khiến chức năng gan bị suy giảm.
Việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều kim loại nặng như phẩm màu (trong xôi, bánh kem…) hay chế độ thực phẩm dư thừa chất sắt (các loại thịt đỏ…) cũng gây hại cho gan.
Một khi gan bị tổn thương thì dễ dẫn đến men gan cao, viêm gan, xơ gan là những bệnh khó tránh khỏi.
Phương pháp bảo vệ gan
Muốn bảo vệ gan, có 2 việc cần làm: một là hạn chế chất độc tiếp tục xâm nhập vào gan; hai là giải độc cho gan.
Hạn chế chất độc tiếp tục xâm nhập vào gan bằng cách: bỏ hẳn hoặc hạn chế uống rượu, bia; hạn chế ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, chiên nướng; hạn chế dùng thức ăn nhanh, chế biến sẵn, hạn chế tiếp xúc với các chất độc trong không khí như khói bụi, mùi xăng dầu, sơn, dung dịch tẩy rửa, sơn móng tay, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, phân bón…
Giải độc cho gan bằng cách: uống nhiều nước, tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội, tạo dung môi cho cơ thể thải chất độc ra ngoài qua phân, nước tiểu, mồ hôi và hơi thở.
Uống các loại nước ép trái cây và ăn nhiều trái cây các loại để bổ sung vitamin và các chất vi lượng cần thiết cho cơ thể, giúp giảm gánh nặng cho gan.
Tăng cường các chất: lycopene có nhiều trong dưa hấu, cà chua, cam, đu đủ, ổi; vitamin A có nhiều trong cà rốt, đu đủ, gấc, khoai lang , sữa, phô mai, lòng đỏ trứng và gan; vitamin E có nhiều trong các loại hạt, súp-lơ xanh, dưa leo, xoài…; vitamin C có nhiều trong cam, quýt, chanh…; vitamin K có trong các loại rau có màu xanh đậm…