Hãi hùng giòi bò lúc nhúc trong đậu phụ đã rán

Ngô Huyền |

Đậu được rán kỹ, sau một đêm, khi chuẩn bị rim mắm để ăn thì gia chủ phát hiện giòi bò lúc nhúc. Chuyện được cho là xảy ra tại Sông Công (Thái Nguyên) và được chủ nhà quay lại.

Không hiểu giòi từ đâu ra?

Bạn T.M. H. (Thái Nguyên) vừa đăng tải lên facebook clip giòi bò lúc nhúc trong những miếng đậu rán. Theo bạn H, gia đình mua đậu sống từ một chợ ở thị xã Sông Công (Thái Nguyên), sau đó mang về rán.

Ảnh giòi bò trong miếng đậu phụ rán. Ảnh cắt từ clip

Qua một đêm, mẹ H. lấy đậu ra định rim mắm để ăn thì phát hiện có giòi bò ở thành chảo, bám vào đôi đũa.

 Không tin vào mắt mình, bà tiếp tục kiểm tra những miếng đậu trong chảo thì thấy ở rìa miếng đậu có một vài con giòi ngoe nguẩy bò ra. Bà liền bẻ đôi miếng đậu thì thấy bên trong lúc nhúc giòi.

Trước sự việc trên bạn H. và gia đình khá hoang mang, nghi ngại khả năng bị bỏ chất gì vào trong đậu, hoặc trong đậu đã có giòi trước khi được đem rán nhưng gia đình không để ý.

Trao đổi với Infonet  về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Văn Đề, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường ĐH Y Hà Nội khẳng định:

Không thể xảy ra tình huống giòi vẫn sống sau khi miếng đậu đã được rán. Bởi nếu có thì khi rán ở nhiệt độ cao, chắc chắn giòi sẽ chết.

GS Đề cho rằng, tình huống ở đây có thể gặp phải là đậu đã rán xong không được gia chủ bảo quản đúng cách (không đậy nắp, cũng không cất trong tủ lạnh) mà để ở bên ngoài nên  ruồi đã đẻ trứng vào đó.

“Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao là điều  kiện lý tưởng để trứng ruồi phát triển thành giòi. Sau một đêm có thể xuất hiện loại sinh vật này trong miếng đậu” –  GS Đề nói.

Theo GS Đề, nếu ăn phải con giòi cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, có chăng là cảm giác hơi ghê ghê. “Thời xưa, các vua quan còn treo miếng thịt lên để ruồi đẻ trứng và nở thành giòi trên miếng thịt đó.

Sau đó, họ đặt những cái đĩa có sẵn bột gạo nếp để giòi rơi xuống đó. Những con giòi này tiếp tục được lăn trong bột rồi sau đó được đem đi rán, giống như kiểu tôm tẩm bột chiên bây giờ ấy” – GS Đề cho biết thêm.

Tuy nhiên với cụ thể trường hợp này GS Đề khuyến cáo gia đình không nên tiếp tục ăn đậu có giòi nữa (miếng đậu đã bị nhiễm khuẩn, nếu ăn phải có thể gây ngộ độc).

Bởi ruồi với chất bẩn mang trên thân, chân, vòi là mầm bệnh khi chúng kiếm ăn. Mầm bệnh có thể dính bề mặt ngoài cơ thể ruồi và có thể được nuốt vào trong dạ dày với thức ăn.

Cách nào phòng ngừa giòi và ruồi?

Trên thực tế, mầm bệnh đươc truyền đến người khi ruồi tiếp xúc với người và thức ăn. Đa số mầm bệnh do ruồi truyền đều nhiễm trực tiếp qua đường thức ăn, nước uống…

Kiết lỵ, ỉa chảy, thương hàn, tả và một số bệnh giun sán, nhiễm trùng mắt… là những bệnh do ruồi gây ra.

GS Đề cho biết thêm, vòng đời của ruồi trải qua 4 giai đoạn: trứng, giòi, nhộng và ruồi trưởng thành. Tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường mà từ trứng nở thành ruồi trưởng thành thường mất từ  6- 8 ngày. 

Mùa hè, sau 12 – 24h trứng ruồi sẽ nở thành giòi. Giòi sẽ lột xác 3 lần trong vòng 4- 5 ngày rồi chui xuống đất thành nhộng. Sau 2- 3 ngày phát triển thành ruồi trưởng thành.

Ruồi trưởng thành có đời sống khoảng 1- 2 tháng, ở điều kiện thích hợp có thể sống đến 3 tháng. Ruồi nhà có sức sinh sản khá nhanh và mạnh. Ruồi cái có thể đẻ đến 150 trứng trong vòng 5-6 ngày.

Mùa hè là mùa sự sinh sôi và phát triển của ruồi, gây mất vệ sinh cho con người. Vì thế theo GS Đề, có thể diệt ruồi trực tiếp bẳng hóa chất diệt côn trùng hoặc có thể sử dụng một số phương pháp đuổi ruồi mà không cần dùng thuốc.

Theo đó người dân có thể treo túi nilon chứa nước trong lên những khu vực để thức ăn. Do đặc điểm của ruồi thích ánh sáng thường ban ngày, do mắt kép của ruồi có phản xạ nhanh với ánh sáng phản chiếu bởi loại gương cầu.

Khi ruồi bay đi bay lại tìm chỗ trú đậu đã gặp phải ánh sáng phản quang từ các túi nilon chứa nước trong, ruồi sẽ sợ và bay ra nơi khác.

Một biện pháp dân gian đơn giản khác là dùng quạt xua đuổi hết ruồi ra khỏi nhà rồi buông rèm cửa sổ, mành cửa chính ngăn không cho ruồi bay vào nhà.

Cách làm này dựa trên đặc điểm ruồi thích ánh sáng thường ban ngày và sợ tối. Khi chúng ta làm các thao tác trên, trong nhà sẽ bớt ánh sáng thì số lượng ruồi sẽ giảm dần và không bay vào nhà nữa.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do ruồi gây ra, GS Đề khuyến cáo, người dân cần phải ăn chín, uống sôi, đồ ăn phải được bảo quản đúng cách, tránh để ôi thiu.

Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.

Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại