GS đầu ngành lên tiếng về 2 phụ nữ uống sữa đậu nành bị ung thư

Lệ Nam |

Chuyện 2 người phụ nữ uống nhiều sữa đậu nành và mắc bệnh ung thư đang đặt ra nhiều dấu hỏi. Các chuyên gia đầu ngành ung bướu ở Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này.

2 người ung thư vú có uống sữa đậu nành

Mới đây tại Trung Quốc, bác sĩ Tôn Nhất Hồng, Chủ nhiệm khoa Xét nghiệm đặc biệt, Bệnh viện thành phố Ninh Ba, cảnh báo trên tờ Health rằng uống sữa đậu nành tự xay tại nhà theo phương pháp thực dưỡng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại. 

Đậu nành rất giàu estrogen thực vật. Đối với phụ nữ có lượng estrogen thấp, uống sữa đậu nành với một lượng vừa phải sẽ rất tốt cho cơ thể.

Nhưng ở chị em có lượng estrogen tương đối cao, nếu uống liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ung thư.

Bà Lý 45 tuổi, là bệnh nhân của bác sĩ Hồng. Người phụ nữ này rất quan tâm đến phương pháp thực dưỡng nên tự chế biến sữa đậu nành và uống liên tục trong gần 3 năm.

Khi thấy trong người có nhiều biểu hiện lạ, bà đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe phát hiện bị ung thư vú. Kết quả đo estrogen của bà cao gấp mấy lần so với người bình thường.

Bác sĩ Hồng nhìn nhận, con người hiện đại rất chú trọng ăn uống dưỡng sinh, mọi người đều biết ăn thực vật nguyên sinh là một trong những phương pháp thực dưỡng hiệu quả.

Đặc biệt, sữa đậu nành có chứa nhiều chất estrogen, rất tốt cho dưỡng sinh và tăng hấp thụ tiêu hóa. Trong những ngày đông giá lạnh, uống một ly sữa đậu nành nóng vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể cảm thấy sảng khoái.

Thế nhưng thứ nước uống ngon mát, bổ dưỡng này cũng cũng như các thực phẩm khác, dùng nhiều sẽ vô cùng nguy hiểm, như Khổng Tử nói “vật cực tất phản”, tức là bất cứ thứ gì lạm dụng cũng gây ra tác dụng ngược lại.

Bác sĩ Hồng nhắc nhở chị em rằng bệnh ung thư vú ngày càng tăng cao có liên quan mật thiết đến thói quen bồi bổ cơ thể một cách mù quáng.

Trước khi có thông tin này, bà Lê Thị Hanh (54 tuổi, ở Hải Phòng), một bệnh nhân bị ung thư vú đã điều trị cách đây 4 năm, tâm sự bà cũng từng là tín đồ của sữa đậu nành.

Bà Hanh kể cách đây 6, 7 năm bà Hanh bước vào tuổi tiền mãn kinh. Bà thấy mình hay mệt mỏi, chán ăn nên bà Hanh thường bồi dưỡng cơ thể bằng sữa đậu nành.

Để đảm bảo sức khỏe, ngày nào bà cũng tự xay sữa đậu nành. Không những dùng cho riêng mình, bà Hanh còn mang đến cơ quan cho các chị em cùng tuổi mãn kinh với mình uống.

Bà Hanh thừa nhận công dụng tuyệt vời của sữa đậu nành khiến bà bớt cáu kỉnh hơn, làn da không còn sạm như trước. Một lần, bà Hanh thấy ở ngực của mình có một nốt nhỏ như hạt lạc.

Ban đầu bà nghĩ đó chỉ là nốt muỗi đốt nhưng càng ngày bà thấy khối u cứng lại. Ngoài ra không có biểu hiện gì khác. Bà đến khám tại bệnh viện Việt Tiệp, bác sĩ cho biết về theo dõi thêm. Bà Hanh thấy không yên tâm nên xuống Bệnh viện K chụp nhũ ảnh.

Kết quả, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư vú phải phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bà Hanh điều trị hóa chất và đến nay đã hơn ba năm bà sống không bệnh khỏe mạnh.

Ba tháng bà lại đi kiểm tra sức khỏe một lần và lúc nào bà Hanh cũng nghĩ là do mình sử dụng sữa đậu nành trong thời gian quá dài có thể là nguyên nhân gây ung thư vú cho bà.

Chuyên gia nói gì?

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết sữa đậu nành là nguyên nhân gây ung thư vú là một thông tin chưa có chứng cứ khoa học. Sữa đậu nành có giá trị dinh dưỡng rất là tốt, không phải là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.


GS Nguyễn Bá Đức khẳng định không có cơ sở nói sữa đậu nành gây ung thư vú.

GS Nguyễn Bá Đức khẳng định không có cơ sở nói sữa đậu nành gây ung thư vú.

Một vài nghiên cứu cho rằng mầm đậu nành có chứa một chất tương tự như estrogen. Người ta gọi là estrogen sinh học nhưng nó không thể gây ra bệnh ung thư.

Hiện nay, nguyên nhân của ung thư vú cũng như phần lớn các loại ung thư khác người ta chưa tìm được nguyên nhân trực tiếp gây ung thư vú.

Nhiều nghiên cứu ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau người ta chỉ thấy mối liên quan chặt chẽ giữa một số yếu tố như môi trường xung quanh cũng như nội tại cơ thể với ung thu vú gọi là yếu tốt nguy cơ ngoại sinh và yếu tốt nguy cơ nội sinh.

PGS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết ung thư vú có thời kỳ tiền lâm sàng kéo dài tới 8 - 10 năm, thời gian để một tế bào ung thư vú đầu tiên trở thành một khối u có đường kính 1 cm tương đương 1 tỷ tế bào để có thể sờ thấy được.

Thời kỳ này phải thường xuyên khám sàng lọc mới có thể phát hiện được. Từ khối u 1cm thành khối u 2cm chỉ cần 4 tháng đây là thời gian cả bệnh nhân và thầy thuốc có thể phát hiện được bằng sờ nắn. Khám tuyến vú đúng quy cách.

Từ khối u có đường kính 2cm phát triển thành 4cm cần thời gian ngắn hơn nữa tùy thuốc có bao nhiêu % tế bào ung thư tham gia vào quá trình phân chia (quá trình nhân đôi) và các nhà nghiên cứu cho rằng tế bào ung thư phân chia theo hàm số mũ.

80 - 90 % bệnh nhân ung thư vú phát hiện có khối u. Khi khối u to xâm lấn xuống sâu vào cơ thành ngực, thành ngực làm khối u cố định không di động được khi thăm khám. Khối u ở xung quanh núm vú sẽ kéo tụt núm vú.

Khối u xâm lần ra ngoài da, dính vào da làm da thay đổi màu da hoặc hình sần da cam. Ung thư vú có thể viêm gây tình trạng xưng nóng, đỏ, đau một vùng hay toàn bộ tuyến vú.

Thể này có tiên lượng rất nặng có thể tử vong trong một vài tháng nếu không được điều trị đúng phương pháp. Ngoài ra, có thể phát hiện tình trạng chảy dịch núm vú, đặc biệt dịch màu hống hoặc dịch máu.

Trong một số trường hợp u vú có thể nhỏ nhưng hạch nách khá to, gây chèn ép thần kinh gây đau dọc mặt trong cánh tay lan xuống ngón tay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại