Ung thư đã trở thành gánh nặng và áp lực đó đang gia tăng nhanh chóng lên toàn xã hội. Ung thư đang gây đau đớn cho hàng trăm nghìn người bệnh, hàng triệu người thân của họ.
Và ung thư cũng đang là nỗi ám ảnh của hàng triệu gia đình người Việt khác khi mà môi trường sống bị nhiễm độc. Từ không khí đến đồ ăn thức uống - đang bị đầu độc bởi những người vô trách nhiệm, những kẻ hám lợi bất chấp hậu họa cho bản thân và người khác.
Ung thư biết sớm trị lành, nhưng phòng tránh ung thư bằng việc thải độc cơ thể là một trong những cách tốt nhất cho mỗi người chúng ta và gia đình.
Từ 9h đến 11h sáng nay (9/12), Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: THẢI ĐỘC CƠ THỂ, PHÒNG TRÁNH UNG THƯ.
Khách mời giao lưu là Thầy thuốc Ưu tú, Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai.
Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Khai đã gây dựng nên và hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long nổi tiếng, uy tín.
Ông cũng chính là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim Đường đời - bộ phim truyền hình dài tập nhân văn, từng là món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả truyền hình Việt Nam.
NỘI DUNG GIAO LƯU
Hỏi: Thưa lương y Nguyễn Hữu Khai, cháu có đọc các bài báo thì bảo uống nước nhiều rất tốt cho sức khỏe, là cách thải độc trong cơ thể hiệu quả.
Nhưng hôm nọ cháu lại đọc 1 bài bảo không nên uống nhiều nước mà tùy người thôi, và không uống nhiều một lúc, uống ít một và uống liên tục nhiều lần.
Vậy cho cháu hỏi bây giờ uống nước lúc nào, uống thế nào mới là tốt, và chỉ uống nước lọc thì có thải độc được không? (haiha7985@yahoo.com)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Trước hết chúng ta phải hiểu, khi nước uống vào trong dạ dày rồi nó sẽ đi đâu. Nhiều người không hiểu điều đó mà tưởng nước đi giống như là đồ ăn. Có người hỏi tôi: Tại sao tôi bị táo bón một ngày uống 5 lít nước mà phân vẫn khô táo?
Bởi người ta tưởng rằng uống nước vào dạ dày, nước sẽ qua ruột non rồi xuống đại tràng. Hoàn toàn không phải vậy. Muốn đưa nước vào đại tràng làm cho phân khỏi khô táo thì phải thụt từ hậu môn lên. Còn khi chúng ta uống nước vào dạ dày thì nước dừng lại ở đó (không xuống ruột).
Nước sẽ ngấm qua niêm mạc dạ dày rồi chuyển vào khắp cơ thể để tưới tắm cho toàn bộ các tế bào, sau đó thu gom “rác thải” đưa về thận, thận có nhiệm vụ lọc và đưa những thứ không cần dùng vào bàng quang rồi đi tiểu ra ngoài.
Ngoài ra, nước còn được tiết ra ngoài cơ thể qua các lỗ chân lông, đó là mồ hôi. Nhiệm vụ chính của nước là như vậy.
Xin trả lời câu hỏi của cháu: Chúng ta chỉ nên uống nước khi khát. Cơ thể của chúng ta khi cần đến nước là thông tin bằng cảm giác khát. Khi không cần nước thì sẽ không có cảm giác khát (loại trừ những người lớn tuổi mắc bệnh mất cảm giác khát thì phải chú trọng đến định lượng nước hàng ngày để uống vào cơ thể).
Lượng nước vào cơ thể không chỉ bằng nước uống mà chúng ta ăn cơm, ăn trái cây và nhiều thứ khác đều đã có nước. Vì thế, người ta chỉ cần uống nước trà sau bữa ăn là đã đủ lượng nước cần cho cơ thể.
Khi lao động nặng, mồ hôi tiết ra nhiều mất nhiều nước thì cũng phải uống nước để bù vào. Một cơ thể bình thường thì không cần quan tâm đến việc định lượng nước cho mình mà cơ thể cần là nó đòi mình phải uống bằng cảm giác khát.
Vì thế, nếu ta cố tình đưa nhiều nước vào thì sẽ gây nên quá định lượng làm cho thận phải vất vả lọc một cách vô ích.
Hỏi: Hiện nay nhiều người áp dụng phương pháp uống nước ấm (có thể pha với chanh và mật ong) vào buổi sáng lúc chưa ăn gì để thanh lọc cơ thể. Phương pháp này có tốt và có cơ sở khoa học không? (Hiền Nguyễn, Thái Bình)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Trước hết, tôi xin trình bày ý nghĩa của bốn chữ “thanh lọc cơ thể”.
Thanh có nghĩa là làm mát cơ thể, lọc có nghĩa là làm trong sạch những dòng chất lỏng trong cơ thể. Vậy muốn thanh lọc thì bằng biện pháp ăn uống và nhiều biện pháp khác làm sao cho cơ thể mát và các chất lỏng trong cơ thể lưu thông. Giống như nước, nếu ở ao tù thì sẽ ô nhiễm nhưng ở dòng suối thì luôn trong veo.
Trong cơ thể chúng ta có những dòng suối lớn đó là hệ tuần hoàn và hệ bài tiết. Nếu như máu không bị ngưng trệ, luôn lưu thông bình thường thì máu đã tự sạch và không bị nhiễm bệnh.
Đông y có câu: “Huyết hành thì phong tự hết”, mọi chứng bệnh Đông y đều quy do Phong, thế mà Phong tự hết tức là đã thanh toán được rất nhiều loại bệnh tật.
Dòng suối lớn thứ hai đó là đường đi tiểu. Nếu như chúng ta đi tiểu bình thường (lượng nước tiểu bình thường và khi đi cũng cảm thấy bình thường) thì dòng chảy coi như là lưu thông, chứng tỏ nước đã gom “rác thải” về thận rồi được thận lọc một cách bình thường.
Như vậy, muốn thanh lọc thì chúng ta phải tìm cách làm cho cơ thể mát và 2 dòng suối nói trên lưu thông.
Câu hỏi của cháu dùng nước ấm pha mật ong và chanh có thanh lọc được hay không thì qua phân tích trên cháu đã tự trả lời được rồi. Muốn thanh lọc cơ thể là phải quan tâm đến việc lưu thông huyết mạch và lưu thông niệu đạo (hệ bài tiết).
Hỏi: Cháu nghe nói ăn đu đủ thường xuyên rất tốt cho gan. Điều đó có đúng không ạ? Ngoài đu đủ có thể dùng loại thực phẩm nào có sẵn trong thiên nhiên để giải độc gan nữa ạ? (Trịnh Quý Nam - Hà Nội)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Tôi xin được phân tích ý nghĩa của việc giải độc gan. Tại sao người ta không tính đến chuyện giải độc phổi, giải độc tim, giải độc tụy,.. mà chỉ nói đến giải độc gan là có cơ sở của nó.
Một trong những nhiệm vụ của gan là làm một cái kho để chứa máu, đồng thời, làm nhiệm vụ điều tiết máu hài hòa với mọi hoạt động của cơ thể.
Trong cơ thể của chúng ta có khoảng 6-7 lit máu. Không phải lúc nào toàn bộ số máu cũng được đưa vào các đường mạch của hệ tuần hoàn. Khi chúng ta nằm ngủ, hầu hết máu được dồn về cái kho chứa đó là gan. Chỉ có một số ít máu được duy trì ở các mạch máu để phù hợp với hoạt động của cơ thể trong khi ngủ.
Khi chúng ta ngồi dậy, gan lập tức đưa thêm một lượng máu phù hợp vào mạch để thực hiện hoạt động ngồi. Khi chúng ta đi, gan lại tiếp tục đưa thêm một lượng máu nữa đủ cho hoạt động đi.
Khi chúng ta chạy hoặc làm việc hết sức thì gan đưa hầu hết lượng máu trong kho chứa vào các đường mạch. Khi ấy, mạch máu của chúng ta phải giãn hết cỡ để ổn định áp lực (hay còn gọi là huyết áp).
Mạch máu của ai kém đàn hồi thì không làm được việc nặng, bởi, áp lực trong thành mạch tăng lên làm mệt mỏi chịu không nổi.
Thế mà, máu cũng có nhiệm vụ là đi vào tới từng ngóc ngách của các tế bào để đem “hàng hóa” của mình cung cấp cho sự sống, trong đó, thứ hàng hóa cần thiết nhất đó là ô xi. Máu đi vào cả các vi mạch vô cùng nhỏ bé mà chiều dài của nó chỉ bằng thiết diện của một sợi tóc, thậm chí, tế bào hồng cầu còn phải uốn cong để đi qua ngã ba các vi mạch.
Sau khi giải phóng “hàng hóa”, máu gom “rác thải” trong đó có cả các độc tố mà chúng ta đưa từ đồ ăn nước uống vào cơ thể. Khi gom hết ‘rác thải’ và độc tố, máu sẽ chuyển về gan để gan làm nhiệm vụ giải độc và ‘xử lý rác thải”.
Vì thế, trong đồ ăn nước uống mà có nhiều độc tố thì làm khả năng xử lý và bài độc của gan bị quá tải, gan sẽ tự nhiễm độc vào mình. Ngoài ra, khi máu “không sạch” thì cũng làm kho chứa là gan cũng bị “bẩn” lây. Chính vì vậy mà người ta rất quan tâm đến việc thải độc gan.
Muốn giải độc cho gan thì việc cần thiết ban đầu là thanh lọc cơ thể như tôi đã trình bày ở trên. Nếu gan nhiễm độc nặng (tức là có rất nhiều cặn bẩn và độc tố tàng tích trong gan tạo thành các u, các cục lẫn trong tế bào gan, nó làm cho bề mặt gan xù xì, không còn láng bóng) thì rất cần phải tăng cường biện pháp giải độc.
Trường hợp này nên nhờ chuyên môn hỗ trợ. Nếu vì không có điều kiện gặp gỡ chuyên môn thì chúng ta dùng các phương thuốc cổ đã trải qua hàng ngàn năm kinh nghiệm điều trị để giải quyết.
Phương thuốc rất đơn giản và dễ kiếm, tôi xin được trình bày sau đây:
- Nhân trần 20g (khô)
- Diệp hạ châu 15g (khô)
- Cà gai leo 15g (khô)
- Bông mã đề 15g (khô)
Bài thuốc trên có tác dụng thanh nhuận gan, bài độc, tiêu u, lợi tiểu và có khả năng giải độc cho gan. Mỗi ngày chúng ta dùng liều lượng như trên xay thô sau đó cho vào ấm như hãm trà tươi và uống thay nước trong ngày hoặc có thể sắc uống như một thang thuốc.
Chúng ta có thể uống duy trì để giải độc hàng ngày mà không hề có phản ứng phụ hoặc có thể dùng trong liệu trình 2-3 tháng để phục hồi chức năng gan.
Ngoài ra, chúng ta có thể dùng các loại đồ ăn thức uống thông dụng: Bột sắn dây, nước rau má, nước râu ngô, nước rễ cỏ chanh, nước lá đậu ván, ...
Câu hỏi của cháu là ăn quả đu đủ giải độc gan rất tốt có phải không, nếu theo nguyên lý như trên thì có thể được nhưng chưa chắc đã là rất tốt. Trong dân gian có rất nhiều phương thuốc mà nhân dân tự phát hiện qua kinh nghiệm.
Việc khẳng định đu đủ giải độc gan tốt hay không muốn biết thì phải có một đề tài khoa học để làm lâm sàng thì mới khẳng định được. Theo nhận định của cá nhân bác thì thấy không hay bằng những phương pháp vừa nói trên.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Khai trả lời câu hỏi: vì sao mỗi người cần tự thải độc cơ thể, và việc thải độc này có giúp gì cho việc phòng chống các loại ung thư?
Hỏi: Có 1 dạo người Hà Nội rộ lên phong trào vẩy tay 3000 cái để phòng và chữa bệnh. Nghe nói đây là 1 động tác nhỏ trong 72 phép khác nhau của Dịch cân kinh. Tôi có làm theo nhưng không biết rõ bài tập này có hiệu quả hay không? Xin ông cho biết cách này có thể dùng để phòng và chữa bệnh được không? (Lan Anh – Hà Nội)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Tôi xin được trả lời như sau: Phương pháp vẩy tay để phòng bệnh và chữa bệnh là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, khi vẩy tay sẽ tăng cường khả năng lưu thông của huyết mạch. Nó có thể giải quyết được một số ứ trệ và tắc nghẽn trong mạch máu. Giống như cái chối khi ẩm ướt cầm nó lên không thấy nước nhỏ xuống nhưng khi vẩy nước sẽ vung ra.
Vì thế, vào những giờ trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, ngoài các động tác thể dục thông thường, chúng ta nên tập bài vẩy tay để lưu thông huyết mạch. Bản thân tôi cũng thường làm như vậy. Đêm nào không tập động tác vẩy tay là tôi cứ thấy buồn bực trong người, rất khó ngủ. Vì thế, vẩy tay đã trở thành một thói quen.
Cần quan tâm đến động tác vẩy tay thế nào cho hiệu quả. Tôi xin chia sẻ động tác vẩy tay mà tôi thường tập và cảm thấy hiệu quả rõ rệt.
Tôi hướng dẫn cho bệnh nhân của mình tập cũng rất hiệu quả cho những chứng bệnh tê tay, đau mỏi vai gáy, đau mỏi cột sống. Nhiều bạn bè của tôi còn cho biết, họ tập vẩy tay thường xuyên và dài ngày còn khỏi được nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
Tôi xin trình bày động tác vẩy tay mà tôi thường tập như sau:
Đứng hai chân bằng vai cho vững. Mắt nhìn thẳng. Giơ hai tay lên và hướng hết cỡ ra phía sau. Đồng thời hít vào (hít căng lồng ngực). Sau đó, vẩy mạnh xuống và hướng ra phía sau. Đồng thời, thở mạnh ra (thở hết khí trong lồng ngực). Khi hai tay ra hết phía sau thì niễng hai gót lên.
Sau những buổi mới tập, chúng ta thấy đau tức bắp chân là đúng. Làm như thế khoảng 100 lần nếu có sức khỏe có thể vẩy đến nghìn lần. Với những người không đủ sức khỏe vẩy nhiều lần một lúc thì khi mệt, hãy nghỉ rồi lại vẩy tiếp.
Theo kinh nghiệm của tôi chỉ vẩy 100-200 cái trong mỗi lần là đã có hiệu quả.
Hỏi: Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao chuyện một phụ nữ chữa ung thư bằng lá đu đủ. Thêm vào đó, nhiều người cũng truyền nhau rằng dùng lá đu đủ phơi khô, nấu nước uống có thể điều trị bệnh ung thư. Đó có phải sự thật không? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? (Laduonghoangxuan@gmail.com)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Trong bài thuốc điều trị ung thư của tôi cũng có một vị là lá đu đủ. Tôi có gặp một vài bệnh nhân bị ung thư mà hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tôi có hướng dẫn họ một phương thuốc tự kiếm và tự điều trị. Sau quá trình điều trị các bệnh nhân đều phản hồi là có hiệu quả rõ rệt.
Trong phương thuốc đó, lá đu đủ là chủ quân và kèm theo, cỏ nọc sởi (có địa phương gọi là cỏ lưỡi rắn, lưỡi đòng. Sách thuốc gọi là Bạch hoa xà thiệt thảo) và cây thồm bốp ( cây này trông gần giống cây ớt, hay mọc vào mùa xuân, quả của nó có màng bên ngoài, bên trong có hạt tròn, trẻ chăn trâu hay dùng quả đó đập vào trán để gây tiếng nổ “bốp”, sách thuốc gọi là Đả pháo tử).
Lá đu đủ lấy loại lá không già không non (lá bánh tẻ) thái nhỏ như thái bắp cải muối, sau đó, xao từ từ cho khô như xao chè rồi khử thổ (tức là: quét một chòm đất sạch, khi xao xong thì đổ lên mặt đất rồi dùng một cái chậu hoặc cái chảo úp lên. Mục đích là để khử độc tố nếu có).
Cỏ nọc sởi và cây thồm bốp thì chỉ cần rửa sạch, phơi khô, băm nhỏ. Ba loại trên mỗi loại 1 nắm tương đương với 20-30g sắc nước uống hoặc hãm như nước chè tươi uống hàng ngày.
Bạn có thể tham khảo trên google, gõ ký tự “Lá đu đủ trị ung thư” sẽ có cả một đề tài khoa học của một lão y sư đã từng làm việc ở bệnh viện 108 thực hiện rất kì công với nhiều bằng chứng chữa ung thư phổi bằng lá đu đủ.
Lương y Nguyễn Hữu Khai đang trả lời giao lưu trực tuyến.
Hỏi: Vừa rồi tôi có đọc bài báo nêu trường hợp bị bệnh ung thư bị bệnh viện trả về nhưng khi chữa thuốc nam kết hợp với mật, da cóc lại khỏi bệnh. Ông có tin câu chuyện này không? Về Đông y thì da cóc, mật cóc có lợi ích gì, có chữa được bệnh ung thư không?
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Với một căn bệnh có rất nhiều phương pháp chữa. Có những phương pháp được tìm ra từ cơ sở nghiên cứu khoa học, có phương pháp theo kinh nghiệm dân gian, có phương pháp bắt chước cách tự chữa bệnh của các con vật và có cả những phương pháp vô tình mà phát hiện.
Vì thế, cũng không thể phủ nhận một cách đơn giản những phương pháp nhiều người đã dùng.
Tuy nhiên, cũng có phương thuốc người này khỏi nhưng áp dụng cho người khác lại không hiệu quả. Bài thuốc mà bạn hỏi muốn biết chắc chắn thì phải thông qua một đề tài khoa học một cách nghiêm túc.
Có nghĩa là muốn thực nghiệm phải làm đủ quy trình: Trước hết phải kiểm tra độc tố cấp tính và độc tố trường diễn của nguyên dược liệu, còn phải thử trên động vật, và nhiều nguyên tắc khắt khe khác mới được thử nghiệm cho người.
Bài thuốc này tôi chưa từng kinh qua sử dụng. Xin lỗi không dám trả lời bạn một cách cụ thể. Theo như tài liệu mà tôi đã nghiên cứu thì độc tố ở cóc chính là trứng của nó. Khi con cóc đẻ trứng xuống nước không con nào dám ăn bởi trong đó có những độc tố phòng vệ. Độc tố này là nguyên nhân gây chết người khi sử dụng.
Có trường hợp: Người ta làm thịt cóc bỏ hết da, nội tạng nhưng khi ăn lại ngộ độc chết. Qua những lần như thế đã phát hiện ra nguyên nhân là bởi khi làm thịt cóc cái có trứng, dù đã bỏ hết trứng đi nhưng vẫn còn một vài quả trứng dính trong lỗ hậu môn đã gây nên tử vong cho người dùng. Ở da cóc cũng có độc tố, bởi thế không có con vật nào dám ăn con cóc.
Tuy nhiên, trong sách thuốc dạy rằng: “Hữu cố vô vẫn” (với hàm ý là: khi bị một chứng bệnh mà dùng một loại nguyên dược liệu có độc với hàm lượng phù hợp để chữa thì không có hại). Tôi đơn cử một thí nghiệm: Lấy hai con chó trưởng thành có cân nặng bằng nhau, thể trạng tương đương nhau. Một con bị cố ý làm cho suy kiệt không còn đứng nổi chỉ nằm thở. Con kia không tác động gì. Sau đó, nấu nước mã tiền cho cả hai con uống với liều lượng 5ml.
Ngay sau đó, con bị hành hạ đang nằm liệt thì đứng lên đi lại bình thường còn con kia thì lăn ra chết. Sở dĩ như vậy là bởi mã tiền (Tây y gọi là strisning) có tác dụng tăng trương lực cơ vì thế khi con chó bị hành hạ tới nhược cơ thì được mã tiền làm tăng cơ để hồi phục còn con kia vốn đang rất khỏe thì bị mã tiền làm cho cơ tim cứng lại và chết.
Điều này để nói lên việc người ta dùng da cóc để cho ngưỡi bị bệnh ung thư uống thì có thể không gây độc.
Lương y Nguyễn Hữu Khai đang trả lời câu hỏi: Nếu đã bị ung thư, ngoài áp dụng liệu pháp tiên tiến Tây y, thì có cần hoặc nên điều trị bằng Đông y không, và việc điều trị đó thiên về hướng nào: Là chữa tận gốc, hay là bồi bổ cơ thể, hay là chỉ giảm nhẹ đau đớn?
Hỏi: Cháu chào bác Nguyễn Hữu Khai, cháu có nghe nhiều người quý mến bác kể nhiều về bác.
Cháu bị viêm gan B mãn tính, bác sỹ nói đã tới giai đoạn phải dùng thuốc Tây khoảng 2 năm để lượng virut ổn định. Nhưng do nhiều lý do, cháu chưa dùng thuốc Tây. Cháu rất sợ đến một ngày mình bị ung thư gan.
Vậy bác có thể cho cháu vài lời khuyên để "sống chung" với viêm gan B mà không lo tiến triển thành ung thư? Trong đồ ăn, thức uống hàng ngày, cháu cần tuyệt đối kiêng cữ cái gì?
Cháu cũng muốn hỏi bác: Dùng cây chó đẻ để điều trị viêm gan B, có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ không ạ? (Hoàng Hồng - Hà Nội)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Bác xin chia sẻ với nỗi niềm bệnh tật của cháu! Bệnh viêm gan siêu vi B là rất khó chữa (cũng giống như bệnh lao phổi) phải chữa dài ngày, vài tháng mới dứt điểm.
Tuy nhiên, nó lại rất lành khi chúng ta hiểu về nó và khống chế nó bằng cách thường xuyên dùng dược liệu không độc tố để uống hoặc phải để ý khi cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, da xanh vàng là phải khám và điều trị ngay.
Thường khi như thế là virut viêm gan B đang trỗi dậy để hành hạ. Nó biểu hiện trong xét nghiệm huyết học là men gan tăng cao quá mức cho phép. Khi men gan tăng cao thì không khó khăn để giảm xuống mức bình thường và nếu cứ giữ được men gan ở mức bình thường thì có thể để virut viêm gan B “sống chung” với mình.
Muốn được như vậy thì phải sinh hoạt ăn uống điều độ và kiêng một số thứ thường hay làm tăng bệnh: thịt chó, thịt trâu, thịt mèo, rượu và một số chất kích thích. Ngoài ra phải làm việc vừa sức, không thức khuya, không hoạt động tình dục quá độ.
Cháu có thể dùng bài thuốc hạ men gan như bài giải độc gan mà bác đã giới thiệu ở trên, nếu thêm cây chó đẻ răng cưa ( sách thuốc gọi là Hi thiên thảo) và thêm cả lá đinh lăng thì càng tốt.
Theo tài liệu đã công bố, những dược liệu trên không có độc tố và uống dài ngày cũng không gây ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, khi bị bệnh thì uống hàm lượng nhiều nhưng khi ổn định thì có thể giảm hàm lượng còn phân nửa hoặc tạm thời ngưng nghỉ.
Hỏi: Xin hỏi thầy thuốc Nguyễn Hữu Khai là hàng ngày ông làm gì để thải độc cho các thức ăn mình buộc phải ăn để sống? Liệu có thể dùng thức ăn thải độc cho thức ăn không? Cảm ơn. (Độc giả Trương Lương)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Trời sinh ra chúng ta là đã ban cho cả một số bản năng để phòng chống sự bất thường của thời khí, môi trường và những phương hại khác. Trong cơ thể của một người khỏe mạnh đã có thể tự giải độc rồi. Khi hàm lượng độc tố quá mức thì mới bị ngộ độc và khi ấy mới tìm biện pháp giải độc.
Thế nhưng, tại sao nhiều người lại bị nhiễm độc với hàm lượng nhỏ lẫn trong đồ ăn nước uống? Đó là bởi các “nhà máy” giải độc của chúng ta bị trục trặc.
Trong Đông y có 8 phương pháp chữa bệnh gọi là Bát pháp thì chủ yếu cũng chỉ là để giải độc. (8 phương pháp chữa bệnh của Đông y là: Hãn, thổ, hạ, hòa, thanh, ôn, tiêu, bổ).
- Hãn là làm cho ra mồ hôi (cũng là làm cho độc tố thoát ra qua đường mồ hôi)
- Thổ là làm cho nôn ói ( cũng là làm cho độc tố thoát ra theo đồ nôn ói)
- Hạ là làm xổ độc theo đường đại tiện (cũng là làm cho độc tố tháo ra theo phân)
- Hòa là làm trung hòa (cho bệnh nhân uống một thứ dược liệu nào đó để nó trung hòa độc tố, giống như dùng ba zơ để làm trung hòa, mất tác dụng của a xít)
- Thanh là làm mát cơ thể (cũng là hỗ trợ cho việc giải độc)
- Ôn là làm ấm nóng ( Phương pháp này mang tác dụng giải độc ít)
- Tiêu là làm cho tiêu mất đi (cũng là để tiêu độc tố đi)
- Bổ là bồi bổ cơ thể ( Phương pháp này tuy không tham gia giải độc trực tiếp nhưng vẫn hỗ trợ giải độc bởi “Nhân cường tật nhược” )
Một người khỏe mạnh bình thường thì dĩ nhiên không cần đến 8 phương pháp trên và đồng nghĩa với việc người đó đã tự giải độc. Độc tố bị giải trừ chủ yếu qua đường đại tiện, đường tiểu tiện và qua đường mồ hôi.
Thực tình, trong hoàn cảnh thực tại, tôi cũng không có cách nào để thải độc cho các thức ăn mình buộc phải ăn để sống. Nhưng, tôi lại có biện pháp khác là: Tôi quan tâm đến vấn đề tự giải độc của cơ thể mình.
Ví dụ: Khi làm việc nặng hoặc trong môi trường nóng nực lẽ ra phải toát mồ hôi nhưng mồ hôi mình không thoát ra được là tôi phải tìm cách điều chỉnh (có thể phải uống thuốc).
Xin lỗi nếu mỗi ngày tôi không đại tiện được ít nhất là một lần và phân không thành khuôn, hoặc không đại tiện được một cách dễ dàng là tôi phải tìm cách điều chỉnh.
Khi tiểu tiện không thông (tiểu rắt, tiểu nóng, áp lực dòng nước tiểu yếu, tiểu đục, nước tiểu vàng,... có nghĩa là tiểu tiện bất bình thường) là tôi phải chăm lo điều chỉnh.
Khi những vấn đề trên bình thường là tôi yên tâm các “nhà máy’’ thải độc trong cơ thể tôi đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tôi.
Dĩ nhiên, tôi cũng không lơ là trong việc quan tâm đến vệ sinh ăn uống và thận trọng khi cho đồ ăn thức uống vào bụng mình.
Trường hợp không may bị ngộ độc thì tôi dùng 1 trong 8 biện pháp như trên (với quý vị không có chuyên môn thì vui lòng tới gặp thầy thuốc để hỗ trợ).
Câu hỏi: Xin cảm ơn anh Khai đã cho những thông tin quí báu vể cơ chế hoạt động của cơ thể!
- Em muốn biết nhiều hơn thì có thể tìm hiểu ở đâu?
- Làm thế nào để thanh lọc 2 dòng suối lớn là hệ tuần hoàn & hệ bài tiết, và hơn nữa kiểm soát và điều tiết nó?
- Ba em được bác sĩ kết luận là ung thư đại tràng và đã di căn. Em có cho Ba uống 2 vị bạch hoa xà & và bán chỉ liên nhưng ít. Chủ yếu là em chữa bằng pháp Phật trong vô vọng. Tuần trước thấy cũng có xẹp bớt . Bụng đã mềm hơn .
Em ở TPHCM, khó có cơ hội gặp được anh, nên anh có thể hướng dẫn em giúp Ba em được không?
Làm sao để được anh chữa bệnh? Hiện Ba em bị suy kiệt sức khỏe, người nóng nhưng chân lạnh. Em cho Ba uống thang nào để hối phục sức khỏe.
- Em biết anh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mong anh vượt qua. Tử rất lâu em rất mong có cơ hội được anh hướng về Đông y. Mong có cơ hội gặp anh. Em sợ hết giờ nên nói cụt lủn . Xin thông cảm! (Bùi Thị Trúc Chi)
Xin được chia sẻ về hoàn cảnh gia đình và thân phụ của em. Tôi có thể tư vấn cho em được dài và kĩ lưỡng thông qua điện thoại số 0948049388 hoặc email: baolongnguyenhuukhai@gmail.com (nếu điện thoại vui lòng gọi sau 20h).
Nếu em ở TP. HCM thì gặp con trai của tôi là BS Đông y Nguyễn Hữu Trường, có phòng mạch tại đường Phan Văn Hớn, Sơn Thới Thượng, Hóc Môn TP. HCM. Cháu đã được tôi kèm cặp và chỉ dẫn khá kĩ lưỡng. Cháu Trường có thể thay tôi hầu hết những việc về chuyên môn. Điện thoại của cháu 0909521686. Chúc em cùng gia đình gặp nhiều may mắn!
* Do thời lượng chương trình có hạn, nhiều câu hỏi khác của quý độc giả sẽ được chúng tôi chuyển đến Thầy thuốc ưu tú, Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai trả lời sau. Trân trọng!