Chuyên trị các bênh về xương
Trong một lần đi công tác ở tỉnh Bình Phước, chúng tôi được người dân địa phương cho biết có vị lương y tên Đỗ Văn Chính (55 tuổi) chuyên chữa trị các bệnh về xương rất giỏi. Tại ngôi nhà ở đồng thời cũng là phòng khám bệnh của ông tại thôn 6 (xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), chúng tôi đã có dịp trò chuyện với lương y Đỗ Văn Chính về bài thuốc chữa các bệnh liên quan tới xương. Ông Chính cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Gia đình ông có nhiều đời hành nghề y, trong đó nổi tiếng nhất là ông nội và cha của ông. Sau này, thấy ông Chính có nhiều tố chất, cha và ông nội quyết định truyền dạy nghề thuốc cho ông Chính.
Lương y Đỗ Văn Chính bên những vị thuốc trong phòng khám
Từ đó, cái nghiệp bốc thuốc chữa bệnh theo ông Chính cho tới bây giờ. Tâm sự với chúng tôi, ông Chính chia sẻ: “Cuộc đời tôi gắn liền với từng thang thuốc, tấm lòng của tôi gắn liền với từng bệnh nhân. Vì thế, kim chỉ nam của tôi khi hành nghề là phải biết đặt mình vào sự đau đớn, cảm nhận được nỗi đau của bệnh nhân. Ở hoàn cảnh ấy, người thầy thuốc mới thấu hiểu hết được tâm can của người bệnh mà chữa trị cho họ bằng hết khả năng, hết tấm lòng của mình”.
Ông Chính cười hiền chia sẻ thêm: “Tôi sinh ra chỉ để làm thầy thuốc. Bởi, nếu không làm thầy thuốc thì tôi chẳng biết phải làm nghề gì cả. Có những lúc khó khăn gian khổ tưởng chừng phải bỏ nghề, nhưng may mắn là mình vẫn còn duyên phận với người bệnh”.
Trong những năm hành nghề, bệnh nhân khiến ông nhớ nhất đó là bà Đỗ Thị Liễu (50 tuổi, ngụ xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Bệnh nhân Liễu tìm tới ông Chính với chứng xẹp vị đĩa đệm và gai cột sống. Với căn bệnh quái ác mang trong thân thể hơn 20 năm, bà Liễu đã phải gồng gánh một khoản nợ không nhỏ để chữa trị. Cuối cùng, kinh phí chữa bệnh cũng cạn, suốt nhiều năm bà Liễu phải cắn răng chịu đựng sự hành hạ của căn bệnh này. Gia đình bà Liễu nghe thông tin về ông Chính nên gom góp tiền bạc tìm đến để cầu cứu. Cảm thông cho hoàn cảnh của bà Liễu, ông Chính tận tâm chữa trị cho đến khi bà Liễu khỏe mạnh, mới nhận một ít thù lao để trang trải chi phí.
Bà Liễu trải lòng với chúng tôi: “Suốt 2 năm trời, tôi bị bệnh tật hành hạ, không thể đi lại được, ăn uống thì một chỗ. Cuộc sống rất khổ sở, tù túng. Đến nhà ông Chính chữa trị, sau khi khám bệnh, ông Chính bảo tôi không chỉ bị xẹp vị đĩa đệm mà còn bị triệu chứng dư đạm. Sau đó, ông Chính bốc thuốc và khuyên tôi nên điều trị châm cứu cho mau khỏe. Hơn 2 tháng sau, tôi đã bình phục sức khỏe. Đến bây giờ, tình trạng bệnh của tôi đã hoàn toàn dứt hẳn. Bên cạnh đó, trong thời gian tôi điều trị bệnh, ông Chính còn thường xuyên lui tới giúp đỡ gia đình tôi. Ân tình này, không biết khi nào gia đình tôi mới trả được”.
Kết hợp nhiều vị thuốc có sẵn
Nhớ lại thời trai trẻ chữa bệnh cứu người, ông Chính nheo mắt: “Ngày còn làm ở nông trường 6 (tỉnh Bình Phước), điều kiện kinh tế còn khó khăn, những người bạn đồng nghiệp của tôi thường hay mắc bệnh. Lúc ấy, tôi đã trèo núi, băng rừng cao su đi tìm thuốc chữa cho họ. Thuở ấy kiếm chén cơm còn khó huống chi có tiền mà đi chữa bệnh. Áp dụng các kiến thức từng được cha truyền đạt, tôi về làm theo và thành công”. Khi điều kiện kinh tế khá hơn một chút, ông Chính chuyên tâm tầm sư học hỏi nâng cao tay nghề chữa bệnh.
Nhâm nhi bên tách trà, tay ông lật cẩn thận cuốn sổ tay ghi chép hồ sơ bệnh nhân đã được ông chữa trị. Với ông, cuốn sổ này không phải để chứng minh bản thân mình tài giỏi mà đơn giản đó chỉ là trách nhiệm của một lương y. Vị thầy thuốc này ghi chép lại cẩn thận thông tin bệnh nhân, ai bị bệnh như thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao để biết cách theo dõi bệnh và giúp đỡ họ. Chia sẻ về bài thuốc tâm đắc chữa các bệnh về xương của mình, ông Chính cho biết: “Bài thuốc của tôi là sự kết hợp rất nhiều vị thuốc với nhau. Không có vị thuốc nào chuyên trị nhưng khi kết hợp chúng với nhau thì thành ra thang thuốc quý. Thành phần của bài thuốc cũng khá đơn giản. Trong đó, cây lá lốt và mắc cỡ tía là hai vị thuốc chủ lực”. Ông Chính lưu ý, khi đã dùng thuốc của ông, người mắc bệnh phải kiên trì uống thuốc. Đặc biệt không được dùng đồ tanh, cay, thịt chó, măng và giá đỗ.
Không chỉ là bậc thầy chữa các bệnh về xương, nổi tiếng ở nơi rừng núi bạt ngàn, ông Chính còn chữa được di chứng của căn bệnh tai biến. Ông Đỗ Văn Viên (61 tuổi, ngụ huyện Bù Nho, tỉnh Bình Phước) mắc chứng bại liệt do tai biến cho biết: “Mặc dù tôi đã đi nhiều bệnh viện chữa trị nhưng vẫn không khỏi, tình trạng bệnh ngày một nặng thêm. Sau một thời gian chữa trị trong bệnh viện, bác sĩ trả tôi về nhà. Được người quen giới thiệu, người nhà của tôi tìm đến ông Chính cầu cứu với hy vọng “còn nước còn tát”. Sau khi bắt mạch chẩn đoán, ông Chính bốc cho tôi 7 thang thuốc”.
Ông Viên cho biết thêm: “Ông Chính nói với gia đình tôi, nếu uống hết 7 thang này mà không hết thì xem như hết đường cứu chữa. Uống thuốc được vài ngày không thấy có tác dụng, gia đình tôi mất kiên nhẫn, tỏ ý bất mãn và tới nhà ông Chính hỏi nguyên do. Lúc đó, ông Chính chỉ giải thích: “Muốn khỏi bệnh cần phải kiên trì uống thuốc dài lâu, tôi cũng chỉ là một người thầy thuốc bình thường không phải là Hoa Đà tái thế. Thuốc của tôi cũng không phải là thuốc tiên nên không thể uống vài thang là có thể khỏe được. Đúng như lời ông Chính nói, sau 7 ngày uống thuốc, tôi có thể ngồi dậy đi đứng được. Uống đến thang thuốc thứ 18 tôi đã có thể chạy xe được”.
Theo ông Chính, đối với một lương y không có gì quý hơn là được khám bệnh, tìm tòi các loại cây cỏ thảo dược. Đất nước ta rừng núi nhiều, đó là cả một kho thuốc khổng lồ vô giá. Nhưng do người dân không biết giá trị thật của những loại cây ấy, chặt phá đi khiến càng ngày chúng càng cạn kiệt. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của ông Chính nói riêng và có lẽ cũng là của nền y học Việt Nam nói chung. Hiện nay, ông Chính đang chủ động trồng các vị thuốc hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương, nhất là các vị thuốc quý.
Thường xuyên chữa bệnh miễn phí cho người nghèo
Không chỉ khám chữa bệnh tại nhà, hằng năm, lương y Đỗ Văn Chính cùng với Hội Đông y xã Long Hà kết hợp với Hội Đông y huyện Bù Gia Mập, khám và cấp thuốc miễn phí cho các hộ nghèo và dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. “Dù người thầy thuốc có giỏi giang, uyên thâm đến đâu cũng phải không ngừng nỗ lực học hỏi và đừng ai mong sẽ làm giàu bằng nghề này. Phải có cái tâm thì mới cảm thông, thấu hiểu được với người bệnh. Đó chính là con đường nhanh nhất để trở thành một thầy thuốc giỏi”, lương y Chính chia sẻ.