Trứng là loại thực phẩm quen thuộc và bổ dưỡng được nhiều chị em lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Hầu như nhà nào cũng bảo quản trứng ở ngay cánh cửa tủ lạnh, thế nhưng đây lại là thói quen sai lầm.
Mặc dù cánh tủ lạnh luôn làm sẵn giá để cho bạn cất trứng tuy nhiên không nên để trứng ở chỗ này bởi nhiệt độ bình thường làm sinh sôi các vi khuẩn salmonella enteritidi (vi khuẩn này có trong lòng đỏ của trứng).
Mặt khác, cánh cửa tủ lạnh luôn được mở ra thường xuyên vì thế nhiệt độ ở cánh cửa không đều, thay đổi liên tục khiến trứng sẽ rất nhanh hỏng.
Cách bảo quản trứng chuẩn nhất
Rửa sạch trước khi cất trữ: Trứng mua về nên dùng khăn mềm ướt lau sạch sau đó mới đem cất trữ.
Nếu trứng không rửa sạch trước khi bảo quản thì phân gà, vịt còn bám ở ngoài vỏ rất mất vệ sinh, thậm chí có thể gây bệnh.
Đặt trứng đúng vị trí: Nhiều người có thói quen để đầu to của trứng xuống dưới, đầu bé lên trên nhưng làm vậy không đúng.
Theo kinh nghiệm của nhiều chị em chia sẻ, để trứng tươi lâu, lòng đỏ không bám sát vào vỏ trứng, nên lưu ý lúc nào cũng phải để đầu to của quả trứng phía trên, dựng đứng, không nên để nằm hoặc trở ngược đầu lại.
Tốt nhất không cho các quả trứng chạm vào nhau.
Trứng gia cầm không nên để cùng với gừng, hành tây, như vậy trứng sẽ hỏng rất nhanh.
Hãy cất trứng vào trong ngăn tủ lạnh thay vì cánh cửa tủ như thói quen trước đây. Ảnh minh họa.
Bạn có thể bôi lên trứng một lớp dầu thực vật như dầu cải, dầu vừng… trứng có thể để được đến 36 ngày. Cách này thích hợp với nhiệt độ từ 25 – 32oC.
Trứng lưu trữ trong tủ lạnh cũng chỉ nên để từ 3-5 tuần. Trứng đã cho ra khỏi tủ lạnh thì dùng trong 2 tiếng, nếu để lâu trứng sẽ hỏng.
Một số lưu ý khi bảo quản trứng theo mùa
- Để trứng mới (trứng phải còn lành lặn, chưa bị dập vỡ) vào trong vò hoặc bình sạch sẽ khô ráo, đổ nước vôi có nồng độ 2-3% vào bình, nước phải cao hơn trứng 20-25 cm, với cách này ta có thể giữ trứng được 3-4 tháng. Khi cất giữ cần phải bảo đảm được các điều kiện sau:
+ Mùa hè không được để vò hoặc bình đựng trứng ở chỗ có ánh nắng mặt trời chiếu vào mà phải để nơi râm mát, thoáng gió.
+ Mùa đông không để nơi quá lạnh nhưng cũng phải đảm bảo thoáng mát.
Cũng có thể cho trứng vào nước vôi có nồng độ khoảng 5% ngâm nửa tiếng rồi vớt ra phơi khô trước khi cho trứng vào bình hoặc vò cất giữ, làm như vậy có thể bảo quản trứng trong thời gian khá dài.
- Rải một lớp trấu khô, sạch vào đáy thùng đựng, cứ một lớp trấu trải một lớp trứng cho đến khi đầy thùng, cuối cùng dùng bìa bịt kín thùng, để thùng nơi râm mát, làm như vậy có thể bảo quản trứng được trong vài tháng.
Trường hợp không có trấu ta có thể thay bằng mùn cưa gỗ hoặc tro để thay thế, cứ 20 ngày kiểm tra trứng một lần.
- Hòa tan một kg dung dịch silicát natri vào 9 lít nước sôi, sau đó để nguội rồi đổ vào trong bình đựng trứng gà, mặt nước phải để cao hơn trứng từ 5 cm trở lên, bịt kín miệng bình để nơi râm mát, thông gió.
Vào mùa hè bằng cách này ta có thể bảo quản được trứng trong 2-3 tháng.
- Cũng có thể cho trứng vào để cùng với các loại lương thực phụ như: đậu tương, đậu đen... như vậy trứng cũng có thể bảo quản trong một thời gian dài mà không sợ bị hỏng.
- Cất trứng vào trong bã chè khô sạch, để nơi thoáng mát, có thể bảo quản trong vòng 2-3 tháng không bị hỏng.
- Vào mùa hè thời tiết nóng nực, nếu cho trứng vùi vào trong muối, trứng cũng bảo quản được lâu.
- Trứng gà vừa mới mua về nên dùng nilon giữ tươi hoặc loại giấy bóng dùng để nướng thức ăn bọc trứng lại, như vậy trứng cũng để được trong một thời gian dài.