Đừng chủ quan, cảm cúm có thể gây tử vong

N. Huyền |

Nhiều người vẫn chủ quan, cho rằng bệnh cảm cúm nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo bệnh có thể gây ra biến chứng nặng, thậm chí tử vong, đặc biệt lưu ý khi trẻ em mắc.


Trẻ có thể tử vong nếu mắc cảm cúm nhưng không được điều trị đúng cách (ảnh minh họa)

Trẻ có thể tử vong nếu mắc cảm cúm nhưng không được điều trị đúng cách (ảnh minh họa)

Vào mùa cảm cúm

TS Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương cho biết cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên.

Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

BS Lâm cũng lưu ý, bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Do đó, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều đáng ngại là đa phần người dân dễ nhầm lẫn bệnh cúm mùa với cảm lạnh thông thường bởi cũng có những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Cụ thể, với bệnh cảm lạnh thường chỉ ảnh hưởng tới vùng đầu, còn bệnh cúm gây ra các triệu chứng như nhức mỏi người, sốt và cực kỳ mệt mỏi.

Một đứa trẻ bị cảm lạnh thường có thể tiếp tục duy trì các hoạt động bình thường nhưng một đứa trẻ bị cúm thường cảm thấy đau yếu đến mức không thể vui chơi được.

Trong khi đó, cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa lạnh. Trẻ em thường bị cảm cúm 6-7 lần trong một năm, trong có khoảng 10-15% trẻ bị cảm cúm nhiều hơn 12 lần/năm.

Trong năm đầu tiên đi nhà trẻ, trẻ em có tần suất mắc bệnh cao hơn 50% so với trẻ được chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên, tần suất mắc bệnh ở các nhóm trẻ đều giảm theo thời gian trẻ được chăm sóc ở các nhà trẻ. Bệnh cảm cúm xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân.

Tần suất bệnh cảm cúm cao nhất vào đầu mùa thu (tháng 8 đến tháng 10) và khoảng cuối mùa xuân (tháng 4 đến tháng 5).

Tiêm phòng ngăn ngừa dịch bệnh

Các virus gây cảm cúm thường lây truyền bởi các hạt khí dung nhỏ, hạt khí dung lớn hoặc qua tiếp xúc trực tiếp.

Siêu vi cúm ẩn trong nước mũi, nước miếng người bệnh.

Bệnh truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm, khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi họ ho, hắt hơi. Bắt tay, ôm nhau cũng có thể truyền bệnh.

Cảm cúm rất dễ lây lan. Ngay từ một ngày trước khi có triệu chứng, người bệnh đã có thể truyền virus cho người khác và tiếp tục truyền lan trong nhiều ngày kế tiếp.

Thời gian kể từ khi tiếp xúc với siêu vi gây bệnh cúm cho tới khi xuất hiện các triệu chứng là khoảng từ một cho tới bốn ngày, trung bình là khoảng hai ngày.

TS Lâm cho biết, đối với trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thế là: Những cơn sốt bắt đầu xuất hiện,có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho,đau họng, chảy nước mũi,buồn nôn, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực.

Đôi khi còn xuất hiện những cơn đau ở tai, thậm chí một vài trường hợp xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

“Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm: trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; Người già trên 65 tuổi; Phụ nữ có thai; Người lớn mắc các bệnh mạn tính (như đã nêu trên); Suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).

Những trường hợp cúm có biến chứng thì cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt nhằm hạn chế thấp nhất diễn biến xấu có thể xảy ra” – TS Lâm nhấn mạnh.

Theo các bác sĩ bệnh cảm cúm có thể phòng ngừa được bằng cách ngăn chặn đường lây lan của virus qua tiếp xúc.

Tại bệnh viện, việc ngăn chận sự lây lan của virus đường hô hấp có hiệu quả bằng cách mang khẩu trang (hoặc dụng cụ che đầu và mặt) ngăn chận sự lây lan từ tay sang mắt và tay sang mũi.

Ngăn chận sự lây lan của virus qua tiếp xúc trực tiếp có thể đạt hiệu quả cao qua việc rửa sạch tay ở những người đã bị nhiễm virus hay người có nguy cơ bị nhiễm virus.

Với người bị nhiễm cúm cần được vệ sinh hô hấp khi ho khạc, đối với người bình thường cũng nên tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

Người dân- đặc biệt nhân viên y tế, người già, trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, người mắc bệnh mãn tính…nên nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để phòng ngừa dịch bệnh.

Đối với trẻ em, thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cúm là khoảng tháng 10 đến giữa tháng 11 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại