Đối phó với “Siêu bão” viêm não Nhật Bản

Ngoài dịch sởi đang được khống chế, thời điểm tháng 5 hiện nay đang là thời điểm “vào mùa”, có nguy cơ bùng phát của bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản được các bác sĩ, chuyên gia đánh giá là bệnh vô cùng nguy hiểm. Vì cho đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị và khi đã mắc bệnh, có đến 70-80% trường hợp để lại di chứng nặng nề về thần kinh.

Tiêm ngừa vaccine là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

“Nỗi ám ảnh”viêm não Nhật Bản

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Hùng – Trưởng bộ môn nhiễm , trường Đại học Y dược TPHCM, cứ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm được xem là mùa của căn bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là thời điểm kéo dài mùa mưa ở Việt Nam – mùa sinh sản của các loại muỗi, trong đó có muỗi Culex. Muỗi Culex là vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Khởi đầu từ các ổ chứa virus mà lợn là động vật đóng vai trò chính. Khi muỗi hút máu của lợn và sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đây là con đường duy nhất khiến lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản.

Mỗi năm, trên cả nước, có hàng trăm ca viêm não Nhật Bản. Con số đó chưa thể xem là khốc liệt so với các bệnh truyền nhiễm do vius khác như sởi, thủy đậu, tay chân miệng… Thế nhưng, bệnh viêm não Nhật Bản lâu nay trở thành nỗi ám ảnh của người dân, y bác sĩ. Theo bác sĩ Hùng, tử vong chưa hẳn là “nỗi ám ảnh” khủng khiếp nhất của bệnh viêm não Nhật Bản. Dù tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 20-30%. Nỗi ám ảnh lớn hơn mà bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải đối mặt là những di chứng thần kinh nặng nề do viêm não Nhật Bản để lại. Một đứa trẻ đang học giỏi, thông minh, xinh như mộng sẽ mất đi tương lai vĩnh viễn vì liệt chi và trí tuệ suy giảm, không thể đi học. Một người lớn đang làm việc bình thường, giao tiếp xã hội tốt bỗng trở thành ngớ ngẩn hoặc tệ hơn là nằm một chỗ, không điều khiển được hành vi của mình… do biến chứng từ bệnh này gây ra.

Tỷ lệ biến chứng lên đến 70%

Như đại đa số những căn bệnh do virut gây ra, bệnh viêm não Nhật Bản không có thuốc chữa và khi đã mắc bệnh, rất hiếm bệnh nhân có thể xuất viện trong một thể trạng lành lặn (con số này chưa bao giờ vượt quá 10-12%).

Bệnh viêm não Nhật Bản thường tự diễn tiến vào những di chứng, biến chứng thần kinh. Đó là di chứng do siêu vi tấn công vào não, không có cách nào cản trở được đường đi của loại virus này. Do đó, dù có phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân phải đối mặt với những di chứng nặng nề. Di chứng này có thể là liệt tứ chi, mù mắt, điếc, suy giảm trí tuệ và những di chứng thần kinh khác như: động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn. Hiện nay, tỷ lệ biến chứng của bệnh lên đến 70-80%. Sốt, hôn mê, co giật là triệu chứng xuất hiện tương đối sớm và dễ phân biệt bệnh viêm não Nhật Bản với những bệnh khác. Các phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm để điều trị.

Tiêm ngừa là giải pháp tối ưu nhất

Tuy nhiên, việc đưa trẻ tới bệnh viện và xử lý kịp thời sẽ chỉ giảm thiểu các di chứng của bệnh. Dù có phát hiện sớm, bệnh viễm não Nhật Bản vẫn dễ để lại những di chứng nặng nề về thần kinh. Do đó, việc phòng bệnh sẽ là giải pháp tối ưu hơn cả.

Bệnh viêm não Nhật Bản có tác nhân gây bệnh là do virus viêm não Nhật Bản và cơ chế truyền bệnh là do loại muỗi Culex truyền từ súc vật (thường là lợn) nhiễm virus qua cơ thể người. Do đó, có 2 cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Cách thứ nhất là phòng ngừa muỗi đốt bằng việc ngủ trong mùng, bôi thuốc chống muỗi, vệ sinh nhà cửa, diệt muỗi, diệt lăng quăng… Cách thứ hai, đơn giản, hiệu quả hơn là tiêm ngừa vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Cũng có cơ chế truyền bệnh do muỗi giống hai bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Thế nhưng, bệnh viêm não Nhật Bản lý tưởng hơn vì đã có vaccine tiêm ngừa. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong hơn 20 năm qua được Việt Nam tự điều chế từ não chuột. Giá thành vaccine rất rẻ, chỉ khoảng 60.000 đồng/ mũi. Tỷ lệ phòng bệnh đạt từ 90-97% . Khi trẻ được trên một tuổi, các phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm ngừa vaccine mũi thứ nhất. Sau đó, khoảng từ 7-14 ngày, tiêm mũi thứ 2. Mũi thứ 3 được tiêm nhắc lại cách mũi thứ nhất 30 ngày.

Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp ở đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm trẻ từ 2-6 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ nhiễm cao, chiếm 75%. Tuy nhiên, đây là căn bệnh “không chừa cả người lớn”. Những năm trước, các bệnh viện vẫn thường tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn (trên 15 tuổi). Do đó, “dù là người lớn, để ngừa viêm não Nhật Bản, nếu chưa chắc mình đã tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cũng nên đi tiêm ngừa đầy đủ 3 mũi loại vaccine này” – bác sĩ Hùng khuyên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại