Trên thị trường TPHCM nhiều cửa hàng bắt đầu xuất hiện các loại đồ chơi búp bê hình trái cây với những hình thù rất đẹp nhưng lại chứa chất phthalate có khả năng gây ung thư, vô sinh ở nam giới và gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ mang thai.
Hàng đồ chơi ghi nơi sản xuất Việt Nam nhưng trên sản phẩm toàn là tiếng Trung Quốc.
Những ngày gần đây, các đồ chơi búp bê có dáng đầu hình trái cây như trái táo, dưa hấu, dâu tây… bắt đầu hút hàng bởi hình thức đẹp và giá cả phải chăng. Giá của sản phẩm tùy loại nhưng dao động từ 120- 300 nghìn đồng/con, tùy kích cỡ lớn nhỏ.
Tại cửa hàng Hương Liễu (đường Võ Thị Sáu, quận 3), hỏi mua loại búp bê này, bà chủ cửa hàng cho biết đã hết hàng, muốn mua thì phải đợi nhập về đã. Theo bà Liễu đây là hàng có xuất xứ từ Thái Lan, mới nhập khẩu qua Việt Nam nên rất hút hàng, giá cả cũng phải chăng, muốn mua cuối giờ chiều quay lại. Tuy nhiên, khi khách quay lại người này tỏ vẻ bất ngờ và bảo giờ không còn hàng nữa.
“Nguyên do là hàng trước đây tưởng của Thái Lan, giờ có thông tin là hàng của Trung Quốc, có nhiều chất độc gây ung thư nên đang bị thu hồi để kiểm tra. Em muốn mua thì phải hết đợt thu hồi này đã”, bà chủ này cho hay.
Tại cửa hàng đồ chơi Vân Thảo trên đường Trần Bình (quận 6), cả một dãy đồ chơi được trình bày rất bắt mắt với nhiều màu sắc chói lóa. Hầu hết các món đồ chơi đều ghi dòng chữ “Made in China”. Theo chủ cửa hàng này, hàng Việt Nam chỉ có một vài mẫu thôi, bởi giá cao hơn mà ít mẫu đẹp. Hàng Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá lại mềm nên ai cũng ham mua.
Còn ở cửa hàng Thu Thủy (đường Hai Bà Trưng, quận 3) có bán nhiều loại đồ chơi Noel, ông già tuyết… Đặc biệt, có loại đồ chơi hình người chỉ cao khoảng 40cm và có thể kéo dài ra đến hơn 1 mét nhưng vẫn đứng vững. Khi hỏi về xuất xứ của những loại đồ chơi này, bà chủ cửa hàng cũng không biết xuất xứ từ đâu, chỉ biết là có người đem đến bỏ mối cho bà bán thôi.
Các đồ chơi như búp bê có hình đầu trái cây như cửa hàng trên được bày bán tràn lan tại các cửa hàng ở chợ Bình Tây, Tân Bình, đường Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng… Tuy nhiên, đến ngày 23/12, đa số các cửa hàng đều ngưng bán do sản phẩm bị thu hồi vì nghi sản xuất ở Trung Quốc và có chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt, chặn tình trạng “loạn đồ chơi” không xuất xứ, không tem kiểm định nhằm đảm bảo tính an toàn cho trẻ em, những người tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm.