Hiện nay, giới chức các nước chưa có nhiều hành động trong việc giới hạn đi lại trong khu vực. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) tuần trước nói Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không đưa ra khuyến cáo gì về giới hạn đi lại.
Tuy nhiên, như Reuters cho biết, Hãng hàng không Emirates của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã ngưng các chuyến bay đến Guinea ở châu Phi. Đây cũng là hãng đầu tiên áp đặt việc cấm bay đến khu vực bùng phát Ebola.
Hãng hàng không lớn nhất Nigeria Arik Air, hãng có một số chuyến bay quốc tế đến một số nơi như London, đã ngưng các chuyến bay đến Liberia và Sierra Leone.
Nhân viên UNICEF tuyên truyền cho người lái xe ôm về dịch Ebola ở Liberia - Ảnh: Tuổi trẻ/Reuters
Tìm nguồn gốc lây lan để khống chế
Các chuyên gia bệnh dịch học nói nguy cơ loại virút này lan sang các châu lục khác là thấp. Tuy nhiên, việc theo dõi những ai có thể đã tiếp xúc với nguồn bệnh lại là điều cần thiết để khống chế dịch bệnh trong khu vực Tây Phi.
Ebola bùng phát ở Guinea vào tháng 2, sau đó lan sang Liberia và Sierra Leone với hơn 1.300 ca mắc bệnh và hơn 700 người chết. Theo Reuters, đây là đợt dịch Ebola lớn nhất kể từ khi loại virút này được phát hiện gần 40 năm về trước.
Sự lây lan của bệnh dịch này từ Guinea sang Liberia hồi tháng 3 cho thấy việc theo dõi những khía cạnh thông thường nhất của đời sống con người và các mối quan hệ quan trọng như thế nào trong việc kiềm chế Ebola.
Các chuyên gia dịch tễ học và vi khuẩn tin rằng ca lây lan đầu tiên xuất phát từ một phụ nữ đi chợ ở Guinea, sau đó về nhà ở miền bắc Liberia rồi phát bệnh. Em gái của người phụ nữ này chăm sóc cho cô ta và vô tình nhiễm virút từ chị trước khi người chị qua đời. Thấy không khỏe và sợ bị tử vong như chị, cô em gái này đi tìm gặp chồng là công nhân tại một đồn điền cao su ở Liberia.
Cô em gái này đi taxi đến thủ đô Liberia là Monrovia và từ đây lây nhiễm cho năm người khác. Những người này tử vong sau đó. Ở Monrovia, cô đón xe ôm đến đồn điền cao su. Hiện giới chức y tế không thể tìm ra tung tích người lái xe ôm này.
Chuyên gia vi trùng Derek Gatherer thuộc Trường đại học Lancaster của Anh cảnh báo câu chuyện tương tự có thể đã xảy ra đối với một hành khách đi máy bay từ Liberia đến Lagos (Nigeria) và tử vong ở đó. Số ca nhiễm Ebola ở Liberia giờ đây là trên 300 ca với hơn 150 người chết, mặc dù không phải tất cả ca này đều có liên quan tới ca ở chợ Guinea.
Chuyên gia Gatherer lưu ý mặc dù Ebola không lây lan qua đường không khí và không bị coi là “siêu lây nhiễm”, nhưng sự di chuyển xuyên biên giới của con người có thể giúp virút Ebola lây lan dễ dàng. “Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm” - ông nói.
Nguy cơ lây lan xuyên lục địa thấp
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguy cơ Ebola lây lan từ châu Phi sang châu Âu, châu Á hay châu Mỹ là cực thấp. Bệnh nhân Ebola nguy hiểm nhất là lúc sốt xuất huyết ở giai đoạn cuối, bao gồm cả xuất huyết ngoại và xuất huyết nội, nôn mửa và tiêu chảy. Những người ở giai đoạn này đều đã cận kề cái chết và quá yếu để có thể di chuyển hay đi máy bay.
Chuyên gia Bruce Hirsch thuộc bệnh viện của Trường đại học North Shore (Mỹ) nói: “Có thể có người nghĩ rằng mình mới mắc cúm nhẹ và lên các phương tiện giao thông, sau đó bệnh mới phát nặng. Đó mới là điều chúng tôi quan ngại”. Ông nói nguy cơ Ebola lan sang các châu lục khác không phải là không có nhưng tỉ lệ này rất nhỏ.
Trường hợp nhiễm Ebola duy nhất rời khỏi châu Phi đến châu Âu bằng đường hàng không vào năm 1994 khi một nhà động vật học người Thụy Sĩ bị nhiễm virút này sau khi mổ một con tinh tinh ở Bờ Biển Ngà. Người phụ nữ này đã được cô lập trong một bệnh viện ở Thụy Sĩ và được xuất viện hai tuần sau đó mà không lây nhiễm cho ai.
Ngay cả người mắc bệnh đi trên máy bay thì theo các chuyên gia, nguy cơ virút lây lan bên trong khoang máy bay cũng không cao như chúng ta vẫn nghĩ. Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh dịch ở Atlanta nói ở những nơi có quá đông người như trung tâm mua sắm thì nguy cơ mới cao.
Chuyên gia vi khuẩn học John Oxford thuộc Trường đại học Queen Mary (Anh) đồng ý với quan điểm này. BBC dẫn lời ông nói luồng khí trong khoang máy bay chạy từ dưới sàn lên trần và không khí được lọc vi khuẩn trước khi tái tuần hoàn.
Các chuyên gia đã đặt ra nhiều tình huống giả định về nguy cơ lây lan virút trong khoang máy bay và thấy rằng virút bị khống chế chỉ trong phạm vi vài hàng ghế. Mặc dù vậy, theo nghiên cứu được đăng tải trên chuyên san y khoa British Medical Journal, cơ hội cho chuyện này xảy ra là thấp. Cũng có ý kiến bác bỏ kết quả nghiên cứu kể trên, nói rằng quy mô nghiên cứu là quá nhỏ để có thể đánh giá nguy cơ truyền nhiễm trong máy bay, nhất là những bệnh nguy hiểm như Ebola.
Theo BBC, Ebola thường khó bắt bệnh. Không như những bệnh đường hô hấp khác, Ebola chỉ có thể truyền nhiễm thông qua tiếp xúc với chất dịch của cơ thể như máu, nước bọt và nôn mửa.
Tất nhiên, vẫn có trường hợp hành khách mắc bệnh lên máy bay trước khi họ có triệu chứng đầy đủ. Nhưng cho đến nay, các bằng chứng cho thấy chúng ta không thể bắt bệnh từ họ ở giai đoạn đầu trước khi họ nôn mửa hay chảy máu.
Giáo sư David Heymann, chuyên về an ninh y tế và dịch tễ thuộc Viện Quan hệ quốc tế hoàng gia Anh, nói bệnh dịch có thể được chặn đứng nếu kiểm soát việc lây nhiễm tốt và bản thân người tiếp xúc với các ca lây nhiễm cũng phải có trách nhiệm. Theo AFP, hiện các nước có dịch ở Tây Phi đã đồng ý áp đặt các vùng cô lập để kiểm soát dịch.
Việt Nam đề phòng dịch
Từ ngày 1-8, Bộ Y tế đã có công văn về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh do virút Ebola gửi các lãnh đạo tỉnh thành. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập vào VN.
Bộ Y tế yêu cầu các lãnh đạo cần chỉ đạo sở y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt người nhập cảnh, nhất là từ các quốc gia có dịch bệnh. Đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virút Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong 21 ngày, cần thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu gửi xét nghiệm.