1. Tăng huyết áp (tăng xông) là gì?
Bệnh cao huyết áp còn gọi là tăng huyết áp, một số nơi còn gọi là tăng xông (tension) là căn bệnh mà áp lực trong máu động mạch tăng cao mạn tính.
Lý giải theo y học mỗi nhịp đập của trái tim là để bơm máu theo các động mạch đi nuôi cơ thể. Huyết áp của máu chính là lực đẩy của máu tác động lên thành mạch. Nếu như áp lực này quá cao thì tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác gây ra các cơn đau tim, đột quỵ, suy tim, rối loạn nhịp hoặc là tổn thương thận...
Về chỉ số cụ thể, mức huyết áp bình thường được xác định khoảng 120/80 mmHg (120 là huyết áp tâm thu - áp lực cao nhất trong lòng động mạch, 80 là huyết áp tâm trương - áp lực thấp nhất trong lòng động mạch).
Mức huyết áp từ 120/80 tới 139/89 được coi là tiền tăng huyết áp - tức là có nhiều nguy cơ tăng huyết áp, huyết áp từ 140/90 trở lên được gọi là tăng huyết áp.
Tăng huyết áp có 2 dạng: Tăng huyết áo nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp nguyên phát tức là tăng huyết áp mà không tìm ra được nguyên nhân. Dạng này chiếm tới 95% trường hợp người lớn bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp thứ phát là dạng tăng huyết áp có nguyên nhân trực tiếp ví dụ như bệnh thận, u bướu...
2. Các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp:
Thực ra, bệnh tăng huyết áp không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Khoảng 33% số người bị tăng huyết áp không biết là mình có bệnh. Vì thế, cách tốt nhất để phát hiện bệnh là nên đi khám và đo huyết áp định kỳ.
Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp nặng có thể có những triệu chứng như:
- Đau đầu dữ dội.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Bị nôn.
- Đau ngực.
- Có vấn đề về hô hấp.
- Có vấn đề về thị giác.
- Đi tiểu ra máu.