Suốt cuộc đời mình, anh Trần V. Th. (31 tuổi, ngụ xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chỉ có duy nhất một tinh hoàn bên phải, nằm đúng vị trí của nó giống như bao người đàn ông khác, còn tinh hoàn bên trái thì biến đâu mất biệt, mà anh cũng chẳng hề biết.
Sau khi lấy vợ và sinh con, vợ anh cũng không phát hiện ra sự khác biệt này. Mãi đến gần đây trong lúc làm đồng, anh Th. bị đau bụng dữ dội, vào bệnh viện thăm khám, mới biết mình chỉ có một tinh hoàn bên ngoài…
Vất vả xử lý tinh hoàn khủng “đi lạc” vào ổ bụng
Ngày 20/8, bác sĩ Phạm Tấn Bay, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (An Giang) cho biết, vừa phát hiện một người đàn ông có tinh hoàn “đi lạc” đã rất nhiều năm vào trong ổ bụng, phát triển thành bướu gây ung thư.
Đây là một trường hợp vô cùng hiếm gặp ở các vùng nông thôn ĐBSCL.
Theo bác sĩ Bay, bệnh nhân tên Trần V. Th. (31 tuổi, ngụ xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nhập viện ngày 15/8 trong tình trạng bị đau quặn ở vùng bụng.
Thấy bệnh nhân vật vã nên các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Bình Dân (An Giang) phối hợp cùng bác sĩ Vũ Văn Ty, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) khẩn trương thăm khám, chẩn đoán bệnh tìm nguyên nhân gây đau.
Sau khi thực hiện các khâu cần thiết, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân Th. chỉ có một tinh hoàn bên phải là nằm đúng vị trí, còn tinh hoàn bên trái thì “đi lạc” nơi nào không rõ.
Bằng các biện pháp chuyên môn, cuối cùng các bác sĩ cũng tìm thấy tinh hoàn trái của bệnh nhân Th. lạc vào trong ổ bụng đã rất lâu và phát triển thành khối gây đau đớn cho anh này.
Để xử lý tinh hoàn đi lạc, kíp mổ được thành lập với sự phối hợp của bác sĩ Vũ Văn Ty, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) và bác sĩ Phạm Văn Bay, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (An Giang).
Sau hơn một giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra cục bướu nặng hơn 250 gram, đo chiều dài cục bướu khoảng 10 cm, chiều rộng khoảng 8 cm.
Theo Bệnh viện Bình Dân, đây là ca bệnh rất hiếm gặp ở vùng nông thôn ĐBSCL, bệnh nhân Th. đã nuôi cái “bướu khủng” trong thời gian dài mà không hay biết.
Bác sĩ Vũ Văn Ty cho biết: “Sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân Th. thì chúng tôi phát hiện đây là loại bướu “ung thư” tinh hoàn, loại tinh bào, một trường hợp hiếm gặp và khá nguy hiểm.
Vì vậy, phải chờ bệnh nhân hồi phục sức khỏe mới tiến hành bước tiếp theo là xạ trị hay hóa trị”.
Thiếu mà “hổng biết”
Trao đổi với phóng viên trên giường bệnh của Bệnh viện Bình Dân (An Giang), anh Trần V.Th. bộc bạch: “Thật lòng thì 31 năm nay bản thân không hề để ý và chẳng biết mình không có tinh hoàn bên trái.
Hồi còn nhỏ thì cha mẹ và người thân cũng không để ý đến điều này. Khi lớn lên vẫn sinh hoạt, đi đứng, lao động… bình thường, không thấy đau hoặc “lệch lạc” gì cả.
Mãi cho tới giữa tháng 8/2015, trong khi đi ruộng bỗng dưng bị đau bụng dữ dội, buộc phải vào bệnh viện thăm khám thì tôi mới té ngửa mọi chuyện”.
Chị Nguyễn Thị Ch., vợ anh Th., nhìn nhận: “Vợ chồng tui lấy nhau đã nhiều năm, nhưng bản thân tui cũng không hề phát hiện anh ấy “lạc” mất một tinh hoàn.
Sau thời gian chung sống thì tui đã sinh được một đứa con trai đã 8 tuổi, bình thường như bao cặp vợ chồng khác, nên nghĩ anh vẫn là người đàn ông khỏe mạnh, đầy đủ các bộ phận trong cơ thể.
Mặt khác, cũng do công việc đồng áng lu bù, hàng ngày phải chạy vạy làm ruộng, làm thuê kiếm sống nên đâu ai để ý mấy chuyện “tế nhị” đó.
Ngoài ra, lâu nay cũng không nghe ai nói về tinh hoàn đi lạc và cũng không hiểu về nó ra sao, nên không có “kiến thức” để mà kiểm tra”.
Theo gia đình bệnh nhân Th., sau khi các bác sĩ ở Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật thành công, nghe bác sĩ nói tinh hoàn bị ung thư nên gia đình cậy nhờ các bác sĩ cố gắng trị dứt điểm một lần để đảm bảo sức khỏe cho anh Th.
“Đến nay, chúng tôi chỉ mới đóng viện phí có 3 triệu đồng và chưa nghe Bệnh viện Bình Dân hỏi thêm các khoản nào nữa. Song, dù tốn kém, miễn sao điều trị ổn thỏa cho chồng tui là mừng lắm rồi”, chị Ch. bộc bạch.
Bác sĩ Vũ Văn Ty cảnh báo, từ trường hợp của bệnh nhân Th., đối với các bé trai khi sinh ra, các bậc cha mẹ nên kiểm tra xem con mình có đầy đủ 2 tinh hoàn không, trường hợp chỉ có một tinh hoàn hoặc không có tinh hoàn nào thì gấp rút đưa đi kiểm tra sớm, để “kéo” tinh hoàn ẩn hay đi lạc về đúng chỗ.
Nếu vô tình không phát hiện sớm và để lâu sẽ không tốt, bởi có thể gây nguy hiểm cho các bé về sau này, như tinh hoàn mắc kẹt trong ổ bụng lâu ngày dẫn đến ung thư hoặc vô sinh...
Bác sĩ Phạm Tấn Bay cho biết thêm: “Đã hàng chục năm nay, bệnh viện này mới tiếp nhận một ca bệnh có khối u bướu tinh hoàn “khủng” như bệnh nhân Th.
Với những tiến bộ của y học hiện nay thì nhiều chứng bệnh khó đã được ngành y xử lý thành công. Vấn đề là bệnh nhân cần được phát hiện kịp thời để giải quyết ổn thỏa”.
Cẩn trọng không thừa
Theo các nhà chuyên môn, tinh hoàn lạc chỗ có thể nằm ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể như ở ổ bụng, bẹn, gốc dương vật, tầng sinh môn, trong ống đùi và thậm chí ở ngực…
Đối với những trường hợp nếu phải phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu thì thời điểm can thiệp tốt nhất là trước năm đầu, vì khi đó gần 100% các trường hợp sẽ khôi phục lại được khả năng sản xuất tinh trùng.
Nếu phẫu thuật trước 2 tuổi thì khả năng thành công còn trên 70%. Sau 2 tuổi, tỷ lệ này sẽ giảm xuống rất thấp, còn sau 6 tuổi thì hầu như không sản xuất được tinh trùng nữa.
Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiết lộ, gần đây đã xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân nam đã trưởng thành và khi lấy vợ thì mới phát hiện mình bị khiếm khuyết, lạc mất tinh hoàn. Khi kiểm tra mới biết 2 tinh hoàn nằm ở ổ bụng.
Về chuyên môn thì có thể xử lý đưa 2 tinh hoàn xuống bìu thành công, nhưng bệnh nhân nam này sẽ vô sinh do cả 2 tinh hoàn “đi lạc” quá lâu mà không phát hiện. Đây là những trường hợp cần cảnh báo để mọi người chú ý.
Các bác sĩ khuyến cáo, tất cả những tinh hoàn lạc chỗ hay tinh hoàn ẩn nằm trong ổ bụng, nếu phẫu thuật sau 10 tuổi thì nên cắt bỏ.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đưa con đi khám sớm ngay khi phát hiện thấy trẻ không có tinh hoàn trong bìu để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi.
Do nhiều người không biết và không nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh này nên không cho trẻ đi khám để can thiệp kịp thời. Đây là vấn đề khiến cho trẻ bị thiệt thòi sau này, bởi ảnh hưởng đến khả năng sinh sản…
Thạc sĩ bác sĩ Võ Hoàng Tâm, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, lưu ý: “Tinh hoàn ẩn là một bất thường, đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ 1 - 3%.
Về chuyên môn, các trường hợp này khi mổ hở để hạ tinh hoàn xuống thì tỷ lệ thành công là 70%, còn mổ nội soi hạ tinh hoàn tỷ lệ thành công sẽ lên đến 96%”.