Chuyên gia mách mẹo rửa rau sạch thuốc trừ sâu không cần sục ôzôn

BBT |

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã có những chia sẻ hữu ích với độc giả cách phòng bệnh qua chế độ ăn uống hàng ngày.

Chúng tôi xin được lược trích một số câu hỏi của độc giả và phần trả lời của bác sĩ Trần Thị Anh Tường trong buổi giao lưu trực tuyến với báo Điện tử Trí thức trẻ ngày 12/11:

Sục ozone có tác dụng giải độc thực phẩm không? (Thanh Giang - Hà Tây)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Sục ozone không giải độc được hoàn toàn nhưng giảm được lượng thuốc trừ sâu và chất bảo quản.

Đối với rau, quả và trái cây, để hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản khi chế biến cần lưu ý:

Thứ nhất, rửa sạch dưới vòi nước ba lần. Thứ hai, đối với rau củ có vỏ dày có thể dùng bàn chải để chà dưới vòi nước.

Đối với những rau củ phải ăn cả vỏ như dâu tây, sơri có thể ngâm trong nước muối loãng hoặc dấm loãng hoặc nước ấm 40 độ C trong 15 phút.

Thưa bà, có phải ăn quá nóng, quá lạnh cũng dễ mắc ung thư?

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Thức ăn quá nóng có thể ảnh hưởng tới niêm mạc của vùng miệng, thực quản trong quá trình nhai và nuốt sẽ làm biến đổi một số tế bào như cơ chế bị phỏng dẫn tới nguy cơ gây ra ung thư vùng miệng, hầu và thực quản.

Thức ăn lạnh thì không có nguy cơ gây ra ung thư nhưng không tốt ở những người bị viêm họng mãn tính.

Bệnh nhân ung thư thời gian gần đây thường ăn chay để hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư, điều đó có đúng không? (Công Tráng - Ninh Bình)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Chế độ ăn tốt cho bệnh nhân ung thư là vẫn ăn đủ các chất và cân bằng nhưng hạn chế lượng đạm động vật. Hạn chế là ăn ít chứ không phải không ăn.

Khi ăn đạm động vật nhiều và chế biến thịt ở nhiệt độ cao thì sẽ tạo ra những tiền chất gây ung thư.

Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với người bệnh, tuy nhiên đối với người mắc bệnh ung thư dạ dày thì khả năng tiếp nhận cũng như hấp thụ dinh dưỡng rất hạn chế.

Vậy theo bác sỹ, chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư dạ dày cần chú ý những gì? (Bích Hường - Thái Bình)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Chế độ cho bệnh nhân ung thư dạ dày còn tùy thuộc vào bệnh nhân có cắt được dạ dày hay không. Chắc chắn rằng khi bị ung thư dạ dày sẽ có ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa thức ăn.

Trong trường hợp bạn đã được phẫu thuật cắt toàn phần hoặc gần toàn phần dạ dày, chế độ ăn sau phẫu thuật cần phải ăn ít cho mỗi bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày, hạn chế những thức ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều chất tinh bột, nhiều chất đường.

Như vậy, người bệnh cần phải ăn nhiều thức ăn có chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu để cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho người bệnh.

Nếu trong trường hợp bướu lớn không thể phẫu thuật cắt dạ dày được, diễn tiến sau đó sẽ làm cho bệnh nhân bị hẹp môn vị, làm cho thức ăn không thể đi xuống ruột non được, bệnh nhân sẽ bị nôn ói hết tất cả những thức ăn vừa ăn vào.

Khi đó, cần phải mở hổng tràng (ruột non) ra da để nuôi ăn. Khi nuôi ăn với ống thông hổng tràng cần phải lựa những thức ăn dễ hấp thu, phải truyền nhỏ giọt, việc chế biến cần được hướng dẫn từ các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo bà, việc thanh lọc cơ thể thường xuyên có thể đào thải được tế bào ung thư không? (Kim Tú - Hải Phòng)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Thanh lọc cơ thể trong những sách vở của thế giới không đề cập tới nhiều. Cái quan trọng người ta đề cập tới là sự lựa chọn thực phẩm khi ăn vào để cân bằng và có lợi cho sức khỏe, chứ không phải là ăn những thực phẩm không có lợi rồi thanh lọc.

Theo tôi, phương pháp thanh lọc cơ thể không thực sự hiệu quả. Nếu thực sự có hiệu quả, nó đã được đề cập đến trong các tài liệu khoa học.


Bác sĩ Trần Thị Anh Tường trả lời các thắc mắc của độc giả trong buổi giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Trí thức trẻ

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường trả lời các thắc mắc của độc giả trong buổi giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Trí thức trẻ

Xin bác sĩ hãy chia sẻ bữa ăn cho người bị ung thư hợp lý nhất ? (Kim Anh - Yên Bái)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Đối với người bệnh sẽ trải qua hai giai đoạn, giai đoạn đang điều trị và giai đoạn sau điều trị. Khi đang điều trị do những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị nên người bệnh thường chán ăn, mệt mỏi và hầu như không ăn đủ so với nhu cầu.

Chuyện sụt cân trong quá trình điều trị là chuyện thường gặp, có thể xảy ra đến 90% bệnh nhân.

Do đó, bệnh nhân cần phải ăn uống đầy đủ năng lượng và đặc biệt là chất đạm để ngăn ngừa sụt cân trong quá trình điều trị, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhanh lành vết thương.

Để làm được chuyện đó, người bệnh cần ăn nhiều lần trong ngày, lựa chọn những thức ăn giàu năng lượng, giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đa dạng cách chế biến.

Khi bị nôn ói do hóa trị, người bệnh hãy nói với bác sĩ để được kê toa chống ói, gừng là một thực phẩm có thể giảm nôn ói cho bệnh nhân sau hóa trị, có thể dùng gừng tươi hoặc nước gừng, hoặc mứt gừng trong và sau khi hóa trị.

Giai đoạn sau điều trị sẽ tùy theo bệnh có trị khỏi được hay không. Nếu bệnh đã được trị khỏi hoàn toàn, người bệnh cần có một tinh thần lạc quan, ăn uống đầy đủ, tập thể dục hàng ngày, kiếm soát cân nặng để ngăn ngừa bệnh tái phát và ung thư thứ hai xuất hiện.

Nếu như bệnh không trị khỏi, dinh dưỡng lúc này cũng có vai trò quan trọng ở mức độ tạo chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.

Do đó, ăn uống ở mức độ bệnh nhân dung nạp được, lựa chọn những thức ăn bệnh nhân thích và phù hợp với tình hình bệnh hiện tại.

Lúc này, nếu bệnh nhân được chăm sóc tại nhà, các bác sĩ có thể kê toa để bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Tuy nhiên, không phải dinh dưỡng tốt sẽ giúp bệnh nhân hết bệnh, người nhà và bệnh nhân cần cân nhắc giữa chi phí và hiệu quả của việc dinh dưỡng tĩnh mạch đem lại.

Chế biến thức ăn thế nào cho đúng cách, thưa bác sĩ? (Thanh Uyên - Nghệ An)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Cách chế biến thực phẩm cũng là yếu tố góp phần sinh ra một số các chất sinh ung. Ví dụ, khi dùng dầu chiên quá lâu, nhiệt độ quá cao sẽ tạo ra chất andehyt là yếu tố nguy cơ của ung thư.

Khi chiên hay nướng thịt với nhiệt độ trên 220 độ C cũng là nguy cơ gây ra ung thư. Do đó, đối với cách chế biến hấp, chưng, cách thủy được xem là an toàn cho sức khỏe. Hơn nữa, với hai cách này, chất dinh dưỡng trong thực phẩm được bảo toàn tối đa.

Những thức ăn muối chua, làm mắm, làm khô cũng nên hạn chế vì trước hết quá nhiều muối so với nhu cầu hàng ngày. Ngoài ra còn có một lượng nấm mốc nếu như không sơ chế kỹ cũng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại