Thống kê tại bệnh viện cho thấy từ khoảng cuối tháng 8 đến nay đã cấp cứu trên 20 trẻ bị dị vật mũi là pin đồ chơi, có ngày cấp cứu liên tục 2-3 trường hợp, thường gặp ở trẻ nhỏ 3-4 tuổi.
Bé T.K.C., 30 tháng tuổi (ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng), nhập viện Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ. Cha bé kể mới mua lồng đèn có nhạc về cho bé chơi, trong lúc không chú ý bé gỡ pin ra nhét vào mũi, sau đó la khóc.
Gia đình phát hiện cục pin trong mũi bé bèn tìm cách lấy ra nhưng bé khóc nhiều nên cục pin ngày càng lọt sâu vào trong. Bác sĩ Nhân cho biết nội soi thấy dị vật là cục pin, do thời gian ở trong mũi lâu nên acid ở pin làm phỏng niêm mạc mũi bé.
Các loại dị vật trẻ nhỏ nhét vào mũi hay nuốt đều nguy hiểm, nhưng bác sĩ Nhân đặc biệt cảnh báo tình trạng pin đồ chơi khi nhét vào mũi và để càng lâu (từ 3 tiếng trở lên) chất axit sẽ tiết ra, gây cháy phỏng niêm mạc mũi xoang, niêm mạc cuống mũi, vách ngăn... thậm chí có trường hợp thủng vách ngăn mũi.
Nặng nề hơn là để lại di chứng do phỏng gây phù nề niêm mạc mũi, dẫn đến viêm xoang, để lại sẹo dính hốc mũi gây nghẹt mũi khó thở kéo dài. Vì vậy cần tránh cho trẻ nhỏ chơi các loại đồ chơi có pin loại này.