Nhiễm sán lá phổi từ cua
Theo phân tích ngẫu nhiên của nhóm nghiên cứu Đại học Y Hà Nội (do PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trách nhiệm) thì hầu hết các thủy sản nhiễm ký sinh trùng.
Trong đó, cua là loại đáng lo ngại nhất vì mang ký sinh trùng nguy hiểm là ấu trùng sán lá phổi Paragonimus.
Ấu trùng này sống rất lâu, ngay cả ở nhiệt độ cao; nướng cua đến vàng vỏ thì ấu trùng sán này vẫn sống 65%; còn nướng cháy vỏ, ấu trùng vẫn sống 23,3%.
Vì vậy khi ăn các món cua sống nấu chưa kỹ thì rất dễ bị bệnh tiêu chảy, thậm chí làm hại phổi, gây ho khạc ra máu, tức ngực, sốt… Nếu ký sinh trùng lên não thì sẽ gây ra động kinh.
Với trẻ nhỏ những ký sinh trùng này càng nguy hiểm vì chúng dễ xâm vào các cơ quan rồi tồn tại trong cơ thể từ 6-16 năm.
Vì vậy những bài thuốc truyền miệng uống nước cua đồng sống để trị bầm tím, ngộ độc sắn càng làm tăng nguy cơ bị bệnh sán phổi. Tốt nhất bạn nên dùng cua nấu chín kỹ.
Bổ quá hóa độc
Cua đồng là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng nhưng yếu tố dinh dưỡng ấy lại có thể trở thành nguy cơ làm tăng bệnh cho một số đối tượng như:
Bệnh nhân gout: Bệnh nhân gout cần kiêng những thực phẩm giàu protein và sản phẩm có gốc purin và calci.
Trong khi đó 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protid, tương đương với 100g tim lợn và cao hơn trong thịt gà; 5.040mg calci (gấp 3-4 lần nhu cầu calci của người lớn).
Chính vì thế những bệnh nhân gout ăn nhiều cua sẽ làm tăng triệu chứng đau các khớp.
Phụ nữ có thai: Theo Đông y, cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục nên có thể làm sảy thai.
Sách Dược tính chỉ nam của danh y Tuệ Tĩnh cũng ghi: Điền giải (cua đồng) tống được các vật kết đọng trong người, phá được chứng ứ huyết do vấp ngã hoặc bị đánh chấn thương.
Do đó chúng có thể ảnh hưởng tới thai nhi nhất là ở giai đoạn đầu.
Nghiên cứu tại Nhật Bản cũng cho thấy dung dịch trích từ cua đồng làm kích thích tử cung của chuột vì vậy có thể tác động lên thai nhi.
Nhưng xét về thành phần dinh dưỡng thì cua đồng rất giàu calci (5.040mg/100g thịt cua) rất tốt cho việc bổ sung calci cho bà bầu. Vì vậy trong thai kỳ phụ nữ có thể ăn canh cua nhưng không nên lạm dụng.
Người ốm dậy: Cua đồng có tính hàn, tanh nên tác động tới hệ tiêu hóa. Những người mới ốm dậy, hệ tiêu hóa kém dễ bị sình bụng, đau bụng khi ăn cua.
Khi bị tiêu chảy thì ăn cua càng khiến bệnh nặng hơn. Những người tỳ vị hư sợ lạnh, nếu ăn cua đồng thì càng có cảm giác ớn lạnh hơn. Muốn giảm bớt tính hàn của cua, bạn nên dùng thêm gia vị nóng như tía tô, gừng.
Cao huyết áp: Gạch cua có nhiều cholesterol (125mg/100g thịt) cao hơn trong 100g mỡ lợn nước nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng.