Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ là một trong những bệnh lý có tính lây nhiễm rất cao trong cộng đồng.
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị lây bệnh thủy đậu nhất vì sức đề kháng còn yếu kém và thường tiếp xúc với môi trường sống khá rộng. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính do một loại vi rút có tên khoa học là Varicella - Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất vẫn là trẻ em nhóm tuổi đi học. Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, có tới 90% số bệnh nhân bị nhiễm bệnh là trẻ em có độ tuổi từ 2 - 7 tuổi.
Virút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em. Một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu chúng ta không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu như: bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị bệnh có thể lây truyền sang thai nhi qua rau thai và gây nên những dị tật bẩm sinh như teo chi, dị tật ở mắt, ở hệ thần kinh.
Khi trẻ bị nhiễm thủy đậu, phụ huynh cần chú ý một số đặc điểm quan trọng sau để giúp trẻ mau lành bệnh và giúp phòng ngừa sự lây lan trong cộng đồng một cách hiệu quả.
Bệnh nhân bị mệt mỏi, sốt 37,8 -39,4oC trong 3-5 ngày; ở da có dát sẩn, bọng nước và vảy. Ban đầu là dát sẩn, rồi thành bọng nước từ vài giờ đến vài ngày, xuất hiện ở mặt rồi nhanh chóng lan khắp cơ thể. Ban nhỏ, có đáy màu đỏ đường kính 5-10mm, đám nọ nổi kế tiếp đám kia.
Các nốt phỏng nước vỡ ra, khô lại thành vảy và bong vảy sau 5-10 ngày, các vảy này không để lại sẹo.
Thủy đậu có một số biến chứng như: bội nhiễm ở da, viêm màng não, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp…
Phòng bệnh thủy đậu bằng cách: phát hiện bệnh sớm, cách li bệnh nhân, cho bệnh nhân sử dụng đồ dùng riêng như khăn mặt,chăn, gối, bát đũa, cốc chén… Dùng khẩu trang khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh thủy đậu.