Từ thời cổ đại, người Trung Hoa đã ví “phòng trung thuật” (nghệ thuật phòng the) như “thiên hạ chí đạo” (tức là thứ đạo tối cao của trời đất) vì trên hòa hợp với âm dương trời đất, dưới hòa hợp vợ chồng là phép dưỡng sinh, giúp sức khỏe tăng cường và kéo dài tuổi thọ. Lịch sử và ngoại sử Trung Hoa cũng ghi nhận nhiều nhà chính trị, quân sự kiệt xuất với tham vọng “sống thọ, sống khỏe” đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu phép dưỡng sinh nói chung và “thuật phòng trung” nói riêng. Trong đó, Tào Tháo - Đại gian hùng thời Tam Quốc còn chiêu mộ hàng ngàn phương sĩ khắp nơi để nghiên cứu “phòng trung thuật”, sau đó dùng các mỹ nhân thu nạp làm “vật thí nghiệm”.
Tào Tháo đã kỳ công theo học “phòng trung thuật” để giữ gìn sức khỏe. Ảnh minh họa
Học “thuật phòng trung” để thỏa mãn đam mê sắc dục
Khán giả Việt Nam thường biết đến nhân vật Tào Tháo qua tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung với hình ảnh một gian hùng đa nghi, độc ác và háo sắc. Tính cách của nhân vật có thật trong lịch sử này qua văn học và điện ảnh đã được tô vẽ, điển hình hóa khá nhiều. Nhưng theo các nhà sử học Trung Quốc thì sự phong lưu, thói ham mê sắc dục của nhân vật này không phải chỉ là hư cấu. Những tài liệu còn lưu lại đều khẳng định Tào Tháo bộc lộ sở thích “trêu hoa, ghẹo nguyệt” từ rất sớm. Có chuyện ghi lại rằng lúc còn nhỏ, một lần Tào Tháo cùng bạn đồng niên là Viên Thiệu đi xem lễ rước dâu. Hai người rủ nhau lẻn vào khuôn viên trong nhà rồi đợi tới nửa đêm thanh vắng cất giọng hô hoán: “Có trộm!”. Gia chủ nghe thấy vội chạy tán loạn khắp nơi. Tào Tháo nhân lúc đó đã mò vào hỷ phòng, dùng dao găm hù dọa để trêu ghẹo tân nương.
Về sau, khi đã công danh vinh hiển, Tào Tháo càng lộ rõ niềm đam mê sắc dục. Năm 197 (tức năm Kiến An thứ hai), Tháo đem quân thảo phạt Trương Tú. Trương Tú run sợ trước thế lực hùng mạnh của quân Tào vội xếp giáo quy hàng. Nhưng sau đó, thói phong lưu, đa tình đã làm hại vị tướng quân đa mưu nhiều kế. Vì mê mẩn nhan sắc của thím dâu Trương Tú, Tháo công khai tư thông với người phụ nữ này rồi nạp làm thiếp yêu, khiến Trương Tú nổi cơn tam bành, giữa đêm dẫn quân đánh úp. Trận ấy, Tào Tháo phải bẽ mặt bỏ lại ba quân tháo chạy. Trong cuộc chiến giữa họ Tào và họ Trương, trưởng nam của Tháo, tức Tào Ngang, đã mất mạng. Cháu của Tào Tháo là Tào An Dân cũng hy sinh. Đến vị tướng tài Điển Vi cũng vì mắc mưu họ Trương mà bỏ mạng. Trước thói phong lưu của phu quân, Đinh phu nhân – người vợ cả của Tào Tháo có thể nhẫn nhịn cho qua, nhưng khi hay tin con trai chết trận, bà như “hóa điên hóa dại” và nhất quyết trở về nhà mẹ đẻ, cắt đứt tình phu thê. Sau này, Tháo thừa nhận đây là sai lầm khiến ông ta hối hận nhất: “Người ta không nỡ rời xa chính là Đinh phu nhân. Trước sau ta không phụ bạc nàng, chỉ là làm điều sai nên khiến mọi thứ chẳng thể như xưa…”.
Càng về sau, cùng với sự bành trướng thế lực quân sự, Tào Tháo cũng xây dựng cho mình chốn khuê phòng hết sức “náo nhiệt”. Ông có tổng cộng 15 thê thiếp (cả Đinh phu nhân) và 31 người con (25 con trai, 6 con gái).
Là kẻ ham mê sắc dục nhưng Tào Tháo cũng là nhân vật “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Bởi thế, đại gian hùng này rất ý thức trong việc giữ gìn, chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu “thuật phòng trung” để không “tổn thọ” vì “quá sức” khi nạp quá nhiều thê thiếp. Để học phép dưỡng sinh nói chung với mục đích “trường sinh” và “thuật phòng trung” nói riêng nhằm thỏa mãn thú vui “chăn gối”, Tào Tháo cho mời tất cả các phương sĩ hàng đầu thời bấy giờ. Các phương sĩ họ Tào mời tới để thỉnh giáo có Cam Thỉ ở Cam Lăng, Tả Từ ở Lư Giang, Khích Kiệm ở Dương Thành, tương truyền đều sống đến 300 tuổi. Cam Thỉ giỏi về thuật đạo dẫn hành khí. Tả Từ giỏi về “thuật phòng trung”. Khích Kiệm giỏi về tịch cốc không ăn (luyện công không ăn uống).
Xây lâu đài nuôi mỹ nữ thử nghiệm
Đổng Tước Đài – nơi Tào Táo thử nghiệm “thuật phòng trung” với hàng trăm mỹ nữ. Ảnh minh họa
Tả Từ là một nhân vật huyền thoại sống vào cuối thời nhà Hán và kỷ nguyên Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Người đời sau chỉ biết ông lưu trú tại Lư Giang nhưng năm sinh, năm mất đều không rõ ràng. Tả Từ tu trên đỉnh núi Thiên Trụ, luyện tập nội đan thuật, nuôi dưỡng tinh khí bằng khí công và tập luyện “Phòng trung thuật”, một phương pháp luyện khí công tình dục của Đạo giáo. Là phương sĩ nổi tiếng nhất về “Phòng trung thuật” thời bấy giờ, Tả Từ dĩ nhiên được một kẻ ham mê sắc dục như Tào Tháo dành “biệt nhãn” và bằng mọi cách mời về thỉnh giáo. Bí quyết phòng the Tả Từ dạy cho Tào Tháo gồm 5 nguyên tắc cơ bản được diễn dịch như sau:
Thứ nhất là chăm sóc năng lượng của cơ thể. Sau khi ngủ dậy, Tháo phải tập luyện thể dục thể thao để rèn luyện sự dẻo dai của xương sống, xương chậu và thả lỏng vùng cơ thể phía sau. Tả Từ dạy Tháo cách tập luyện vùng hậu môn để tăng sự co bóp khiến cho năng lượng có thể chuyển xuống phần phía dưới. Thứ hai là nuốt nước bọt. Nuốt nước bọt của chính mình một cách đều đặn và điều tiết hơi thở đều đặn và thư thái. Thứ ba là chọn đúng thời điểm “quan hệ” và cả hai cảm thấy dễ chịu trước khi bắt đầu. Thứ tư là tích trữ năng lượng. Khi “quan hệ”, cả hai phải thả lỏng, thư giãn phần cơ thể phía sau và co bóp phần hậu môn. Thứ năm là khi người phụ nữ cảm thấy gần đạt “đỉnh”, người đàn ông nên cong người về phía sau. Sau khi xuất tinh, người đàn ông không vội rút “cậu nhỏ” ra. Ngoài ra, việc “quan hệ” phải nhẹ nhàng, chậm rãi, thỉnh thoảng ngừng lại và không bắt ép.
Không chỉ chịu khó học lý thuyết, Tào Tháo đặc biệt “đầu tư” cho việc thực hành. Họ Tào được cho là đã xây dựng Đổng Tước Đài, sau đó tuyển mỹ nữ nức tiếng trong thiên hạ đem về hưởng lạc, qua đó thử nghiệm “thuật phòng trung” học được từ các phương sĩ. Trong sách Lâm chương chí có đoạn: “Năm Kiến An thứ 15, Tào Tháo cho xây dựng Đổng Tước Đài tại phía Tây Bắc Nghiệp Thành. Đài này cao 57 trượng, có hơn trăm gian nhà chính, cửa sổ đều bằng đồng, chạm rồng, ánh nắng chiếu rọi. Bên trên có con chim bằng đồng, cao một trượng năm thước, mở rộng đôi cánh tựa như đang bay”. Một số tài liệu khác thì cho rằng Đổng Tước Đài nằm tại huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo cho xây dựng ba đài Đổng Tước, Kim Hổ (còn có tên gọi khác là Kim Phượng), Băng Tỉnh. Đó chính là “Nghiệp tam đài” được chép lại trong sử sách Trung Quốc. Tới cuối thời nhà Minh, Đổng Tước Đài về cơ bản đã bị phá, chỉ còn lại chút ít tàn tích.
Đổng Tước Đài xây xong, mỗi gian đều có một mỹ nữ tuyệt sắc được tuyển chọn từ khắp nơi. Khi còn sống, Tào mặc sức hoan lạc tại đây. Tới phút lâm chung, Tháo vẫn trăn trối cho đám mỹ nhân vào ngày rằm, mùng một hàng tháng phải lên trên Đổng Tước Đài cất cao giọng hát, cốt cho kẻ gian hùng dưới suối vàng được thưởng thức. Tiếc thay, phần lớn mỹ nhân trên Đổng Tước Đài sau này lại bị Tào Phi (con cả của Tháo – PV) thu nạp về cung. Trải bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, Đổng Tước Đài – chốn ăn chơi, hưởng lạc một thời của Tào Tháo đã bị chôn vùi.
Tào Tháo qua đời năm 66 tuổi. So với các tướng lĩnh suốt ngày chinh chiến trên lưng ngựa, đêm về lại lao lực chốn “phòng the” thời bấy giờ thì dương thọ của họ Tào đã là một kỳ tích. Hơn nữa, đại gian hùng trong “Tam Quốc diễn nghĩa” còn bị bệnh đau đầu trong nhiều năm, nếu không nhờ phép dưỡng sinh thì hẳn đã sớm quy tiên. “Thuật phòng trung” mà Tào Tháo học được của Tả Từ sau này được các đạo sĩ, danh y khác kế thừa và phát triển thành bí kíp gối đầu giường của các bậc đế vương. Nhiều nhà tình dục phương Tây cũng thừa nhận rằng, “phòng trung thuật” có tính ứng dụng cao, bao gồm một hệ thống thực hành bài bản, mô tả kỹ lưỡng, chi tiết những hành vi tưởng như là rất tầm thường trong chuyện “chăn gối”. Khi thực hành hoàn hảo những kỹ năng đó, con người sẽ cảm nhận được đầy đủ hạnh phúc, đạt tới trạng thái khoái cảm cực độ, đồng thời khỏe mạnh và trường thọ.