Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng cao, ngày 29-4, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đang xem xét những vùng nào có bệnh nhân đang mắc và có nguy cơ cao để can thiệp ngay, tránh bệnh lan ra diện rộng.
Theo ông Phu, bệnh thường có hai đỉnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận trên 17.000 ca bệnh nhân tay chân miệng, số ca bệnh thấp hơn mọi năm nhưng năm nay bệnh xuất hiện sớm hơn. “Nhận định ban đầu, Hà Nội và TP.HCM được xác định là hai địa phương có nguy cơ cao về bệnh tay chân miệng. Đáng lo ngại nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 giao lưu đi lại tăng cao nên mầm bệnh di chuyển từ vùng nọ sang vùng kia vì vậy rất dễ lây nhiễm bệnh” - ông Phu nói.
Theo ông Phu, khó khăn của việc phòng chống bệnh tay chân miệng là chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường ăn uống, tiêu hóa. Việc phòng bệnh duy nhất là vệ sinh bàn tay cho trẻ, khử khuẩn các đồ chơi, dụng cụ, nhà cửa.