Rắn thường được chế biến các món ăn hay dùng để ngâm rượu. Theo y học cổ truyền, rắn là một vị thuốc. Vì thế, ăn thịt rắn rất tốt, có lợi cho sức khỏe của con người.
Ăn thịt rắn để chữa bệnh
Thịt rắn là một vị thuốc quý với tên gọi là xà nhục. Thịt rắn có vị ngọt, mặn, mùi tanh, tính ấm, vào kinh can, có tác dụng khử phong, giảm đau, trừ thấp, tiêu độc chữa các bệnh thần kinh đau nhức, bán thân bất toại, khớp xương sưng đau, chân tay tê mỏi, kinh phong, nhọt độc, lở loét, giang mai, tràng nhạc.
Những món ăn chế biến từ thịt rắn để chữa bệnh
Từ thịt rắn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, và các tác dụng chữa bệnh.Người ta thường dùng thịt rắn (đã bỏ da) để làm ruốc hoặc băm với lá lốt, mùi tàu và xương sông rồi nướng ăn. Cũng có thể rim thịt rắn lên để ăn. Những thành phần trong món ăn từ thịt rắn có nhiều chất như leucin, lysin, arginin, valin, chất mỡ và chất saponosid, là những chất rất cần thiết cho cơ thể.
Thịt rắn xào hoàng kỳ có tác dụng chữa đau lưng mạn tính. Cách làm như sau: Thịt rắn 200g, hoàng kỳ 50g, gừng tươi 3 lát. Cho vào nồi xào chín, ăn nóng.
Rắn tiềm thuốc bắc có tác dụng chống đau nhức xương khớp. Cách làm như sau: rắn bỏ đầu, lột da, mổ bỏ nội tạng cho vào nồi cùng chín vị thuốc bắc đun to lửa cho sôi rồi hạ nhỏ lửa, sôi liu riu. Hương thuốc bắc tỏa nghi ngút, vị hơi ngọt, thịt rắn đủ mềm. Ăn thịt và uống nước.
Rắn là vị thuốc quý của y học phương Đông nếu dùng đúng thì âm cũng bổ và dương cũng lợi. Tuy nhiên, thịt rắn chỉ mới là một vị thuốc trong một bài thuốc. Nếu là chế phẩm để trị chứng phong thấp thì phải kết hợp với các vị thuốc khu phong, tán hà, trừ thấp, hành khí, bổ huyết thì mới có công hiệu.