95% người Việt mang trong bụng "sát thủ" nguy hiểm mà không biết

Quang Hào |

Nếu bạn coi giun đũa là loại ký sinh trùng không nguy hiểm thì phải xem lại bởi theo WHO, trên thế giới có 1,4 tỷ người bị nhiễm giun và 60.000 người chết do giun đũa hàng năm.

Bác sĩ cũng giật mình

Chị Nguyễn Hồng Nhung trú tại Hà Nam, 30 tuổi. Chị đang mang thai 24 tuần tuổi nhưng thấy buồn nôn, xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng lan tỏa ra sau lưng…Chị Nhung đi siêu âm thai mọi thứ rất bình thường. Chị bảo cảm giác đau tức rất khó chịu.

Bác sĩ khuyên chị nên đi nội soi tiêu hóa. Chị Nhung đã đến khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai làm nội soi. Kết quả, khi thực hiện nội soi tá tràng, bác sĩ nội soi đã “giật mình” vì nhìn thấy từng búi giun đũa kết lại, chui chen chúc trong tá tràng.

Các bác sĩ đã cố gắng gắp ra nhưng không xuể bởi giun kết thành búi rất khó gắp, hơn nữa giun cũng chui cả vào ống tụy, đường mật. Do nhiễm giun đũa với số lượng lớn, giun chui cả vào ống tụy gây viêm tụy cấp là nguyên nhân khiến bệnh nhân xuất hiện cơn đau.

Đáng nói, việc tẩy giun với phụ nữ mang thai rất cân nhắc. Nhưng nếu không tẩy giun, sẽ không thể lấy hết giun. Cùng với đó, tình trạng gây viêm tụy cho người bệnh nếu không có hướng điều trị cũng rất nguy hiểm.

Sau đó, khoa Tiêu hóa đã mời Giáo sư Nguyễn Văn Đề - giảng viên môn ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội đến hội chẩn cùng. Kết quả, các bác sĩ vẫn quyết định tẩy giun vì nếu không tẩy giun bằng thuốc thì sẽ rất nguy hiểm gây viêm đường mật, tụy.

Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thành Nam người Nghệ An cũng tương tự. Bệnh nhân đau bụng dữ dội, bụng to bất thường, chán ăn. Gia đình tưởng bệnh gì nặng nên đi khám siêu âm không ra bệnh.

Bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm ký sinh trùng. Đúng như dự tính. Bác sĩ cho bệnh nhân nội soi tiêu hóa và phát hiện búi giun đũa kết vào nhau gây thủng ruột.


Số giun đũa này, bác sĩ từng lấy ra từ bụng một bệnh nhân nhỏ tuổi (Ảnh: Internet)

Số giun đũa này, bác sĩ từng lấy ra từ bụng một bệnh nhân nhỏ tuổi (Ảnh: Internet)

Căn bệnh nguy hiểm nhưng bị bỏ qua

Giáo sư Đề cho biết bệnh nhiễm từ giun đũa vô cùng nguy hiểm nhưng người dân còn bỏ qua, thờ ơ với nó coi việc có giun sán là đương nhiên.

Giáo sư Đề cho biết quan điểm này rất sai lầm. Bệnh giun đũa rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở những nước chậm phát triển. Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính trên thế giới có 1, 4 tỷ người bị nhiễm giun đũa và 60 nghìn người chết do giun đũa hàng năm.

Tại Việt Nam, bệnh giun đũa là một bệnh xã hội nghiêm trọng với tỷ lệ nhiễm cao từ 85 đến 95%, tác hại của chúng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của hàng chục triệu người cũng như sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em.

Theo Giáo sư Đề, tỷ lễ nhiễm giun đũa đứng đầu hàng trong các bệnh đường ruột và tại miền bắc ở các vùng đồng bằng là 80-95%, vùng trung du 80 -90%, vùng núi 50-70%, vùng ven biển 70%.

Miền trung vùng đồng bằng 70,5%, miền núi 38,4% ven biển 12,5%. Tây Nguyên chỉ có từ 10 đến 25%. Miền nam vùng đồng bằng 45-40%, vùng đống bằng sông Cửu Long dưới 10%.

Khi giun vào bụng, đẻ trứng và thành giun trưởng thành gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng trên, quanh rốn. Giảm ngon miệng, chán ăn, không biết đói.

Các triệu chứng viêm ruột mãn tính như táo bón, tiêu chảy xen kẽ, bất thường, kéo dài. Mức độ rối loạn tiêu hóa tùy thuộc vào số lượng giun sinh sống trong ruột.

Ngoài ra, người nhiễm giun đũa còn thường xuyên xuất hiện hiện tượng dị ứng, các nốt ban ngứa ngoài da.

Giun đũa chui vào ống mật hoặc túi mật, trứng giun là nhân tạo ra sỏi mật, áp xe gan tạo mủ trong ổ gan với các triệu chứng cơ bản như đau quặn vùng bụng trên bên phải, sốt cao, vàng da, vàng mắt.

Giun đũa có thể gây lồng ruột, thủng ruột hoặc viêm ruột thừa, khi nhiễm nhiều giun đũa có thể gây tắc ruột.

Giun ký sinh trong ruột chiếm chất dinh dưỡng khiến cơ thể suy yếu dần, đề kháng kém, tình trạng suy dinh dưỡng tiến triển âm thầm làm giảm khả năng phát triển thể lực và trí lực của trẻ em.

Bình quân cứ 10 con giun đũa một ngày ăn mất 3 gr protein nguyên chất, tương đương khoảng 20 gram thịt bò.

Để xác định giun đũa, các bác sĩ có thể xét nghiệm phân tìm trứng giun đũa gốm phương pháp xét nghiệm phân trực tiếp, phương pháp Willis, phương pháp Kato...

Điều trị giun đũa, giáo sư Đề cho biết chỉ cần cho sử dụng thuốc trị giun. Tuy nhiên, để điều trị giun đũa hiệu quả, các bác sĩ khuyên nên điều trị cả gia đình, có thể điều trị ở cơ sở y tế hoặc ở nhà. Thuốc điều trị giun đũa rất rẻ và bán rộng rãi trên thị trường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại