Không ít các hộ nuôi, các gian thương đã sử dụng những chiêu trò tinh vi để biến thủy hải sản sạch trở nên độc hại nhằm tăng lợi nhuận, từ khâu nuôi trồng cho đến khi sơ chế đưa ra thị trường, nhất là trong tình hình nhiều chất cấm, phụ gia đang được bày bán và sử dụng rộng rãi như hiện nay.
Ngao nhiễm khuẩn độc
Tại buổi họp giao ban quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vừa diễn ra, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm, Thủy sản (Bộ NN&PTNT) công bố: Trong tháng 2/2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện khuẩn Samonella trong 1 mẫu ngao thu tại vùng Giao Thủy (Nam Định) và 1 lô thức ăn chăn nuôi nhập từ Trung Quốc có chỉ số axit vượt giới hạn cho phép.
Phát hiện 1 mẫu ngao chứa khuẩn Samonella gây ngộ độc (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, ngao, sò có thể chứa tới 38 loài tảo độc, trong đó có 4 loại độc tố cực kỳ nguy hiểm gây tiêu chảy, liệt cơ, mất trí nhớ và nhũn não...
Không chỉ có ngao chứa khuẩn gây ngộ độc, trước đó, một số loại tôm, cua, cá cũng bị phát hiện nhiễm độc.
Phát hiện cá tầm, cá quả nhiễm chất cấm
Ngày 8/7/2013, ông Nguyễn Như Tiệp cũng thông tin, Cục kiểm nghiệm đã phát hiện 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm hóa chất Malachite Green và 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh NitroFurans trong số 30 mẫu cá được lấy ngẫu nhiên tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội và không rõ nguồn gốc xuất xứ hồi tháng 5/2013.
Cá tầm nhiễm chất cấm
Theo ông Tiệp, Malachite Green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ngoài da, NitroFurans là một loại kháng sinh trị bệnh hiện đang sử dụng cả cho người. Với những thực phẩm nhiễm hóa chất này, ngoài chuyện tích tụ trong cơ thể người gây ra các bệnh nan y còn có thể khiến cơ thể bị nhờn, kháng thuốc khi điều trị một số bệnh.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng cá tầm nhập lậu có nguy cơ có tồn dư chất tăng trọng, kích thích lớn vì theo thông tin, cá ở Trung Quốc được nuôi trong thời gian rất ngắn.
Cá khoai ướp lạnh chứa chất cấm
Ngày 24/12/2013, tại địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Chi cục quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thu giữ 444kg cá khoai ướp lạnh có chứa phoóc môn cấm sử dụng trong thực phẩm.
Số cá khoai bị thu giữ
Theo Trung Tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh, chất phoóc môn nếu sử dụng với số lượng lớn thì sẽ gây ngộ độc, về lâu dài sẽ gây nên các bệnh như ung thư, rối loạn tiêu hóa…
“Vỗ béo” tôm bằng hóa chất
Trong một cuộc họp báo đầu năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một cán bộ tại Cà Mau cho biết: Con tôm sau khi được bơm tạp chất có thành phần chủ yếu là bột agar (bột rau câu) và một số hóa chất, tôm sẽ phình to, bóng mướt, tăng trọng hơn. Lúc này người bán sẽ mang ướp nước đá ngay, đợi cho đủ số lượng rồi mới đem đổ mối cho các nơi.
Bơm hóa chất vào tôm
Các chất cấm thường được sử dụng bơm vào tôm là bột rau câu, tinh bột, chất CMC (một chất ổn định dùng trong thực phẩm để kiểm soát độ nhớt của thủy, hải sản). Khi bơm vào tôm, tỷ lệ này chiếm từ 15 - 30% trọng lượng tôm. Cứ 1kg tôm sú, sau khi bơm “no” tạp chất có thể đạt trọng lượng đến tận 1,25kg.
Bơm trứng trộn hóa chất tạo gạch cho cua, ghẹ
Tại Vũng Tàu, những con cua ghẹ yếu, gãy càng, rụng mai, thậm chí đã chết sẽ được bỏ mối cho các hàng rong. Chỉ cần qua bàn tay “chữa trị” tài tình của người bán, đám ghẹ “thương binh”, “ngất xỉu” này sẽ trở nên tươi rói bóng bẩy như chưa hề chết. Những con cua, ghẹ chết sẽ được gắn lại càng và chân, sau đó ngâm vào thứ nước là hỗn hợp nước, hàn the và bột ngọt, có màu đục nhờ nhờ. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng người chế biến còn cho vào nước một chất phụ gia hóa học đựng trong gói nhỏ nhàu nát không rõ nhãn mác.
Cua, ghẹ chết bị trộn hóa chất tạo gạch (Ảnh minh họa)
Xong công đoạn ngâm ướp để phục hồi hình dạng cho đám cua, ghẹ, người ta xếp vào một rổ to cho ráo nước, chuẩn bị đến công đoạn bơm gạch. Hỗn hợp gạch giả gồm lòng đỏ trứng vịt, bột mỳ, chất bảo quản trộn lẫn với nhau, được bơm thẳng vào mai.
Sau khi qua nhiều bước “tái sinh”, toàn bộ số cua ghẹ chết trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng rộm, nhìn khác một trời một vực so với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước. Kỹ xảo này còn được áp dụng đối với cua ghẹ đang sống.
Tôm cá 'được tắm' hóa chất từ giai đoạn con giống
Một người chuyên bỏ mối thủy sản cho các chợ đầu mối ở Hà Nội cho biết trên báo PLO, ngay từ giai đoạn con giống, tôm cá đã được “tắm” cơ man các loại hóa chất vượt mức cho phép, từ thức ăn đến thuốc chữa bệnh. Trong quá trình nuôi, chúng tiếp tục được “bồi bổ” bằng thuốc tăng trọng giúp lớn nhanh như thổi.
Báo cáo của Hiệp hội xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam và báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản quý đầu năm 2013 đã “điểm danh” một số hóa chất như Aminosid và các chất kháng sinh, nhiều loại thuộc danh mục cấm sử dụng vì độ độc hại như Triflurain (một loại hóa chất dùng để diệt cỏ), Chloramphenicol, Malachite Green…trộn cùng thức ăn thô để tôm cá phát triển nhanh chóng, sức đề kháng cao.
Những chất này tích tụ ngấm vào thịt sẽ khiến tôm cá căng nước, béo mọng, nhưng thành phần dinh dưỡng rất thấp, chỉ còn khoảng 40 - 50%. Không những bị mất chất, những thực phẩm này còn chứa hàm lượng chất độc hại cao. Thủy sản là một loại thức ăn chú trọng đến việc tươi ngon, khi chúng đã chết, những dư lượng hóa chất tích tụ trong cơ thể sẽ không được chuyển hóa, thịt của chúng sẽ nhanh chóng bị các loại vi khuẩn có hại xâm nhập khiến người sử dụng ăn phải dễ mắc các bệnh đường ruột dẫn đến ngộ độc cấp rất nguy hiểm.