Sỏi thận – Những biến chứng nguy hiểm

PV |

Sỏi thận - tiết niệu là bệnh thường gặp, chiếm khoảng 10% dân số nước ta, và dễ tái phát. Sỏi thận gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường niệu, bí tiểu, suy thận, thậm chí là vỡ thận.

Sỏi thận hình thành do các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại, lâu ngày kết thành sỏi. Những viên sỏi có thể di chuyển theo dòng nước tiểu ra ngoài nhưng sẽ gây đau đớn và làm chảy máu đường niệu, hay mắc lại ở những chỗ hẹp, gây viêm tắc niệu quản.

Viên sỏi thường có bề mặt xù xì, lởm chởm, sắc nhọn nên rất dễ làm tổn thương thận và các cơ quan tiết niệu.Sỏi thận - tiết niệu nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, dễ gây các biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm trùng đường niệu

Sự di chuyển của sỏi sẽ cọ xát vào đường niệu gây ra những cơn đau lan tỏa ở vùng hông và thắt lưng, tiểu ra máu... dẫn đến nguy cơ niêm mạc phù nề, sưng viêm là điều kiện giúp vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường niệu.

Nếu kết hợp với bế tắc đường tiểu thì có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hoá mủ. Sỏi thận nếu không được phát hiện sớm, để đến giai đoạn bị nhiễm trùng thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tắc đường tiểu

Những viên sỏi hình thành ở đài thận, bể thận và bàng quan đều có khả năng rơi vào niệu quản hoặc niệu đạo và gây bế tắc. Khi đó, hệ thống tiết niệu sẽ phản ứng mạnh bằng cách co bóp, dẫn đến các cơn đau ở giữa xương sườn và hông, ở thắt lưng, có thể đau âm ỉ hoặc đau quặn. Khi đường tiểu bị tắc, làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường niệu, kể cả đài thận.

Ứ nước

Sỏi thận - tiết niệu làm viêm nhiễm gây tắc nghẽn niệu quản, làm cho nước tiểu ứ lại phía trên chỗ tắc; trong khi thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà niệu quản bị tắc, không xuống được bàng quang nên thận bị ứ nước, giãn to.Thận ứ nước dễ chuyển thành ứ mủ làm hủy hoại nhu mô thận, gây suy thận cấp hoặc mạn tính.

Nếu nhiễm khuẩn nặng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận, thậm chí có thể phải cắt bỏ thận nếu thận mủ toàn diện. Trường hợp hai quả thận đều bị bế tắc cùng một lúc, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng không có một giọt nước tiểu nào, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời trong vòng vài ngày.

Suy thận mạn

Khi bị sỏi thận, quá trình nhiễm trùng, ứ nước lâu ngày sẽ hủy hoại dần mô thận, tình trạng suy thận sẽ xuất hiện. Lúc đó, người bệnh sẽ phải cần đến các biện pháp tốn kém để duy trì sự sống như chạy thận nhân tạo hay ghép thận. Ghép thận thì nước ta chưa có điều kiện để phát triển nhân rộng, còn chạy thận nhân tạo chi phí rất đắt đỏ,không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để thực hiện suốt đời.

Vỡ thận

Viêm nhiễm đường niệu còn làm hoại tử, xuất hiện các lỗ gò ở bàng quan, niệu quản và có những trường hợp vỡ thận, vỡ bàng quan do sỏi. Vỡ thận xảy ra khi thận bị ứ nước, vách thận mỏng. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm gặp.

Việc điều trị sớm, nhanh chóng và đặc biệt phục hồi chức năng thận là rất quan trọng để tránh bị biến chứng suy thận. Điều trị sỏi thận cũng cần lưu ý đến việc phòng tránh tái phát, sỏi thận - tiết niệu là bệnh có tỷ lệ tái phát cao, mỗi lần tái phát là nguy cơ suy thận lại lớn hơn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại