Ngày 3/5, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, "trong tuần qua, khoa cấp cứu bệnh viện đã tiếp nhận hai bệnh nhi 12 tuổi bị sốc sốt xuất huyết Dengue kèm với các biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu , tổn thương gan nặng."
Theo ghi nhận, hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp (hiệu số giữa huyết áp tâm thu trừ đi huyết áp tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 20mmHg), khó thở, tiêu phân đen, bụng phình căng.
Các bác sĩ đã tiến hành siêu âm bụng ngực cho hai trẻ. Cả hai trẻ đều có kết quả tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi lượng vừa. Tiếp tục xét nghiệm máu cho kết quả bị tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã quyết định truyền dịch cao phân tử chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu cho bệnh nhi. Sau hơn 1 tuần điều trị, cả hai trẻ đang dần hồi phục và có thể tự hô hấp khí trời.
Trẻ bị mắc sốt xuất huyết Dengue có thể bị tổn thương đa có quan, rối loạn đông máu... nếu không được phát hiện và điều trị sớm
BS.CKII Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo cả nhân viên y tế và phụ huynh không được chủ quan, phát hiện trễ dẫn đến trẻ nhập viện muộn. Cần phải luôn nghĩ trẻ có thể mắc sốt xuất huyết khi có biểu hiện sốt chứ không phải chỉ lo trẻ mắc COVID-19 hay bệnh khác.
Trên thực tế đã có rất nhiều bệnh nhi bị mắc sốt xuất huyết nhưng được phát hiện và đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, kèm với nhiều biểu hiện, biến chứng nguy hiểm do phụ huynh nhầm lẫn với COVID-19, sốt siêu vi , viêm họng...
Hiện nay đã có ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue do không được điều trị kịp thời. Vì vậy các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi... cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tình hình sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam tính đến tuần 16/2022 giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Một số tỉnh/TP nằm trong danh sách tăng nhanh tỉ lệ sốt xuất huyết nặng gồm: Khu vực Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang). Theo ước tính trong các tháng sắp tới dịch sốt xuất huyết có nguy cơ tăng cao tại TP. HCM. Do đó, Viện Pasteur TP.HCM đã đưa một số các giải pháp cần thực hiện như ra quân chiến dịch diệt lăng quăng đồng loạt và duy trì hàng tuần, phun chủ động/dập dịch, kiểm tra và giám sát thường xuyên...